1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo Hàn Quốc hé lộ cơ sở hạt nhân bí mật khiến Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận

(Dân trí) - Báo Hàn Quốc tiết lộ thông tin liên quan tới cơ sở hạt nhân bí mật của Triều Tiên và đây được cho là nguyên nhân khiến Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Báo Hàn Quốc hé lộ cơ sở hạt nhân bí mật khiến Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận - 1

Vị trí các cơ sở hạt nhân Bungang và Yongbyon của Triều Tiên. (Ảnh: Korea Joongang Daily)

Báo Korea Joongang Daily (Hàn Quốc) ngày 5/3 dẫn các nguồn tin thông thạo hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai cho biết, cơ sở hạt nhân thứ hai của Triều Tiên mà Tổng thống Donald Trump muốn xóa bỏ là cơ sở làm giàu uranium cấp độ cao bí mật dưới lòng đất ở Bungang.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào tuần trước, ông Trump nói rằng Mỹ biết rõ “từng cm” của Triều Tiên. Cũng theo Tổng thống Trump, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông đã “nêu ra nhiều điểm” mà ông nghĩ rằng “Triều Tiên bất ngờ” khi biết Mỹ đã nắm rõ. Tổng thống Trump đã đề cập tới những yêu cầu mà Mỹ đặt ra cho Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa, trong đó không chỉ dừng lại ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho, người tổ chức cuộc họp báo vào nửa đêm tại khách sạn Melia sau hội nghị thượng đỉnh, cũng xác nhận rằng phía Mỹ đã “đòi thêm một vấn đề nữa” ngoài việc dỡ bỏ cơ sở Yongbyon, điều mà Triều Tiên không thể chấp thuận. Báo Hàn Quốc phỏng đoán việc dỡ bỏ cơ sở ngầm tại Bungang có thể chính là “vấn đề” mà Mỹ đòi hỏi từ Triều Tiên trong các cuộc đàm phán, mặc dù Bình Nhưỡng không hề đề cập tới cơ sở tại Bungang.

“Mâu thuẫn về việc xóa bỏ một cơ sở thứ hai được cho là vấn đề then chốt khiến ông Trump bước ra khỏi (hội nghị) mà không ký một thỏa thuận, vốn được kỳ vọng cao, với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 28/2”, Korea Joongang Daily nhận định.

Theo các nguồn tin, cơ sở hạt nhân ở Bungang do Mỹ phát hiện là cơ sở ngầm chưa được Triều Tiên công bố. Vị trí của cơ sở này nằm ở phía tây nhà ga Bungang và cùng khu vực với cơ sở hạt nhân Yongbyon nổi tiếng ở tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên.

“Cơ sở Bungang nằm ngay phía đông bắc của cơ sở Yongbyon hiện thời. Triều Tiên dường như đã xây dựng một nhà máy làm giàu uranium cấp độ cao ngầm dưới lòng đất để tránh bị bên ngoài phát hiện”, một nguồn tin tiết lộ.

Theo các nguồn tin, Mỹ yêu cầu Triều Tiên gộp cơ sở hạt nhân ở Bungang vào cam kết dỡ bỏ Yongbyon do vị trí nằm gần các cơ sở làm giàu uranium. Triều Tiên dường như vẫn bất ngờ về việc Mỹ phát hiện ra vị trí của cơ sở ngầm ở Bungang và không đồng ý đưa Bungang vào cam kết dỡ bỏ Yongbyon.

Về mặt kỹ thuật, Bungang nằm tách rời Yongbyon, tuy nhiên hai cơ sở này chỉ cách nhau một vài km. Cơ sở hạt nhân ở Bungang đã cho thấy lập trường khác biệt của Mỹ và Triều Tiên.

"10.000 máy ly tâm"

Báo Hàn Quốc hé lộ cơ sở hạt nhân bí mật khiến Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận - 2

Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên nhìn từ trên cao (Ảnh: BBC)

Các nguồn tin cũng tiết lộ rằng cơ sở ở Bungang lớn hơn nhiều so với những cơ sở mà Triều Tiên từng cho phép tiến sĩ Siegfried Hecker, một giáo sư tại Đại học Stanford và là cựu giám đốc phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos ở New Mexico, quan sát trong chuyến thăm của ông Hecker tới cơ sở Yongbyon vào năm 2010.

Là một trong những chuyên gia đầu ngành về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và từng đến thăm cơ sở Yongbyon 4 lần, ông Hecker ước tính có khoảng 2.000 máy ly tâm, loại máy để làm giàu uranium, được đặt tại cơ sở Yongbyon. Yongbyon cũng là nơi chuẩn bị nhiên liệu phân hạch cho toàn bộ 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2006 đến năm 2017.

Trong khi đó, các quan chức tình báo tại Hàn Quốc và Mỹ ước tính, cơ sở Bungang có thể đặt tới hơn 10.000 máy ly tâm, nghĩa là gấp khoảng 5 lần so với cơ sở Yongbyon.

Nếu sản xuất plutonium đòi hỏi phải có một lò phản ứng và các cơ sở tái chế tương tự như ở Yongbyon, việc tái chế uranium có thể được thực hiện bí mật ở những cơ sở có quy mô nhỏ hơn và sử dụng máy ly tâm.

“Cơ sở ở Bungang lâu đời hơn so với các cơ sở mà tiến sĩ Hecker từng thấy. Tuy nhiên, giới chức tình báo Mỹ mất nhiều thời gian mới có thể phát hiện ra (cơ sở ở Bungang) do chúng được xây dựng ngầm dưới lòng đất”, một nguồn tin cho biết thêm.

Trước đây, thông tin công khai duy nhất từng được công bố liên quan tới cơ sở hạt nhân ở Bungang là bài báo được viết hồi năm 2010 trên nhật báo Dong-A Ilbo của Hàn Quốc. Bài báo này được đăng không lâu sau chuyến thăm của ông Hecker tới cơ sở Yongbyon và làm dấy lên đồn đoán rằng, Triều Tiên có thể vận hành một trung tâm tái chế nhiên liệu hạt nhân khác bên dưới ngọn núi gần cơ sở Yongyon.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận cuối cùng, truyền thông quốc tế bắt đầu đổ xô xác định xem cơ sở hạt nhân thứ hai, ngoài cơ sở Yongbyon như Triều Tiên tuyên bố, mà Mỹ muốn Bình Nhưỡng dỡ bỏ là gì.

Washington PostBBC đề cập tới một nhà máy làm giàu hạt nhân bí mật ở Kangson. Các chuyên gia hạt nhân cho rằng hoạt động làm giàu hạt nhân của Triều Tiên vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả khi các nhà đàm phán của Bình Nhưỡng đang thảo luận với Washington.

Tuy nhiên, 38 North, trang mạng chuyên theo dõi Triều Tiên, đã đặt dấu hỏi về giả thuyết của Washington PostBBC. 38 North cho rằng nhà máy ở Kangson thiếu thông tin về an ninh và nằm quá gần đường quốc lộ chính, do vậy khó có thể là một cơ sở làm giàu hạt nhân ngầm của Triều Tiên.

Một số vị trí khác cũng bị nghi ngờ là nơi phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên như Sakkanmol tại tỉnh Bắc Hwanghae, một trong 13 cơ sở tên lửa chưa được Triều Tiên công bố và được Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington phát hiện hồi năm ngoái.

Thành Đạt

Theo Korea Joongang Daily

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm