1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo Đức: Cách Nga dụng binh khiến nhiều người bất ngờ

Ngọc Huy

(Dân trí) - Sau hơn một tháng phản công, Lực lượng vũ trang Ukraine vẫn đang dừng ở các hoạt động tấn công thăm dò, tìm điểm yếu trên hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga.

Báo Đức: Cách Nga dụng binh khiến nhiều người bất ngờ - 1

Lực lượng Nga ở Donbass, miền đông Ukraine (Ảnh: TASS).

Dù chịu nhiều thiệt hại, Ukraine vẫn có lực lượng dự bị chiến lược lớn để phản công quy mô lớn. Vậy Moscow đã có những chuẩn bị gì để đối phó với những đợt tấn công lớn như theo tuyên bố của Tổng thống Volodymir Zelensky là "khi nó diễn ra thì ai cũng sẽ biết"?

Nga từng sai lầm, Ukraine có chiến thắng lớn

Trong bất kỳ cuộc chiến trường kỳ nào, tình hình sẽ luôn có những thay đổi nhanh chóng. Vấn đề quan trọng chính là khả năng thích ứng và thay đổi phù hợp.

Quân đội Nga từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt đã có cách tiếp cận sai lầm khi đánh giá quá cao năng lực tác chiến độc lập của các đơn vị xung kích.

Tháng 2/2022, trong vòng chưa đầy một tuần, quân đội Ukraine đã phản công thần tốc, tái chiếm được nhiều khu vực ở tỉnh Kharkov, đẩy lùi lực lượng đối phương về bên kia biên giới, chiếm quyền kiểm soát được khoảng 6.000km2 lãnh thổ.

Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố tính đến hết ngày 12/9/2022, Ukraine đã giành lại khoảng 6.000km2 lãnh thổ. 

Nhận định về thành công của Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong một cuộc họp báo ở Mexico ngày 12/9/2022 đã nói: "Những gì Ukraine đã làm là kết quả của việc lên kế hoạch bài bản và tất nhiên Kiev cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ cùng nhiều quốc gia khác, những nước đã đảm bảo rằng Ukraine sẽ có trong tay các khí tài cần thiết cho cuộc phản công này".

Tuy nhiên, trong chiến dịch phản công hiện tại, dường như Ukraine cũng đang mắc phải sai lầm. Kiev đã quá thành công trong đợt phản công cuối năm 2022 nhưng sau đó họ lại đánh giá thấp năng lực tác chiến của quân đội Nga, khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng, tổn thất nặng về trang bị và vẫn đang loay hoay tìm cách thay đổi chiến thuật.

Sau những thất bại, Bộ Quốc phòng Nga đã có điều chỉnh và chiến thuật mới đang phát huy hiệu quả.

Báo Đức: Cách Nga dụng binh khiến nhiều người bất ngờ - 2

Ukraine đã phản công hiệu quả ở Kharkov tháng 9/2022 (Đồ họa: ISW).

Nga phòng thủ chiều sâu

Quân đội Nga đã xây dựng "trận đồ Surovikin" với tuyến phòng thủ vững chắc, kết hợp giữa công sự kiên cố và hỏa lực nhiều lớp rất lợi hại.

Kiev và các đồng minh phương Tây vẽ ra kịch bản phản công "trong mơ" là giành quyền tiếp cận tới biển Azov, cắt đôi vùng kiểm soát của Nga và cô lập bán đảo Crimea.

Thế nhưng, ngay từ ngày đầu phản công, Ukraine đã được vấp phải sự lợi hại của hệ thống phòng thủ được tổ chức bài bản này, với những thiệt hại đáng kể.

Mức độ thiệt hại tăng cao khiến Tổng thống Zelensky cuối tháng 6 phải lên tiếng giải thích nguyên nhân tại sao cuộc phản công không diễn ra đúng kế hoạch.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với CNN ngày 21/6: "Cuộc phản công đã diễn ra chậm hơn dự kiến. Một số người nghĩ đây là một bộ phim Hollywood và mong đợi phải có kết quả ngay. Nhưng không phải như vậy".

Thực tế chiến trường còn khốc liệt hơn nhiều so với cách dùng từ "chậm hơn dự kiến" của Tổng thống Ukraine, các lữ đoàn cơ giới được NATO huấn luyện và trang bị tận răng, trong hơn 1 tháng phản công chưa đạt được bất kỳ mục tiêu chiến thuật đáng kể nào, thậm chí còn chưa chạm tới phòng tuyến đầu tiên của Nga.

Các mũi tiến sâu nhất trong vùng xám của Ukraine vẫn còn cách tuyến phòng thủ chính của Nga tới hơn 10km.

Theo RIA Novosti, những cánh đồng trống trải, những ngôi làng nhỏ và những vạt rừng cách xa phòng tuyến chính đang trở thành rào cản khiến Ukraine không thể đột phá.

Kết quả này đã chứng minh sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Moscow trước các kịch bản phản công của Ukraine.

Phòng tuyến Surovikin từ Biển Đen (Kherson) tới vùng Donetsk đã trở thành "mê cung" hỏa điểm, bãi mìn, hào chống tăng và vật cản răng rồng đã được quân đội Nga bố trí có chủ đích nhằm chặn các đợt tấn công phủ đầu của Ukraine.

Ý đồ của Ukraine khi liên tục tổ chức các đợt tấn công nhằm tìm kiếm các khoảng trống trong hệ thống phòng thủ và sau đó sử dụng các đơn vị cơ giới tinh nhuệ khoan thủng phòng tuyến và khai thác chiến quả.

Các mũi tấn công cấp đại đội và tiểu đoàn của Ukraine không thể xuyên thủng hệ thống công sự kiên cố và gặp khó trong cuộc chiến tiêu hao ở vùng xám trước tuyến phòng thủ Nga đã cho thấy nhận định chính xác của Moscow.

Báo Đức: Cách Nga dụng binh khiến nhiều người bất ngờ - 3

Nga đã xây dựng hệ thống phòng thủ khổng lồ để chặn đứng cuộc phản công của Ukraine (Ảnh BBC).

Báo Đức: Cách Nga dụng binh khiến nhiều người không ngờ

Bên cạnh tuyến phòng thủ vững chắc, Moscow còn chiếm ưu thế gần như tuyệt đối về hỏa lực pháo binh và không quân chiến thuật, đồng thời chuẩn bị hậu cần và lực lượng dự bị tới các khu vực có nguy cơ bị Ukraine đột phá, xây dựng phương án đối phó với UAV và phủ rộng màn chắn tác chiến điện tử trên toàn tuyến phòng thủ.

Báo Bild của Đức viết: "Người Nga không chỉ xây dựng hệ thống chiến hào kiên cố, tạo ra những bãi mìn khổng lồ, mà còn tích lũy đủ đạn dược để tạo những đợt pháo kích cường độ cao tới khủng khiếp để chặn đứng mọi hướng phản công của Ukraine. Các đơn vị Ukraine chưa chạm tới tuyến phòng thủ chính của Nga. Hướng tấn công tốt nhất của họ vẫn còn cách vị trí đó tới hơn 10km".

Tại các hướng phản công tiềm năng nhất là tại Zaporizhia và Nam Donetsk, nơi vốn được Ukraine và phương Tây kỳ vọng sẽ tạo được đột phá nhờ yếu tố địa hình và ưu thế về quân số, đã trở thành "cối xay thịt". Kịch bản phản công thần tốc, nhanh chóng xuyên qua 3 tuyến phòng thủ của Nga và vượt hơn 100km để tiếp cận biển Azov chưa thành hiện thực.

Cách tiếp cận truyền thống với việc sử dụng các lữ đoàn thiết giáp tấn công đột phá, sau đó khai thác chiến quả với bộ binh cơ giới tương tự như chiến thuật "Chiến tranh chớp nhoáng" của Ukraine đã bị ngăn chặn bởi mìn và hỏa lực của Nga.

Thành tích đáng kể nhất của Ukraine chỉ là giành một vài khu định cư không có người ở tại Zaporizhia và Vremevsky, với cái giá phải trả là sinh mạng của nhiều binh sĩ và hàng trăm phương tiện chiến đấu do phương Tây viện trợ bị phá hủy.

Hướng đột phá tại Bakhmut, sau khi giành được các khu vực vùng đệm, Ukraine cũng gặp khó khi chạm vào các khu định cư quan trọng Berkhovka và Klichitvka.

"Chúng ta đang tiến lên chậm rãi, có khó khăn bởi sự kháng cự mãnh liệt của Nga", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar thừa nhận trên kênh Telegram cá nhân.

Thiệt hại của Ukraine đã nhanh chóng xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Những hình ảnh phương tiện thiết giáp phương Tây bị phá hủy, chủ yếu là xe tăng Leopard 2 và AMX-10C cũng như xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, đã gây ấn tượng mạnh và tạo ra sự hoài nghi về khả năng phản công của Ukraine.

Theo con số do Moscow công khai, Ukraine hiện đã mất khoảng 20% lực lượng tham gia phản công sau hơn 1 tháng giao tranh.

Cụ thể, Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Shoigu ngày 12/7 cho biết, kể từ hôm 4/6, Ukraine đã mất 26.000 binh sĩ và 3.000 đơn vị vũ khí các loại.

Ukraine đã giành được quyền kiểm soát một số ngôi làng ở rìa ngoài chiến tuyến, tuy nhiên, để giữ các khu định cư này, họ liên tục phải điều lực lượng bổ sung tới và tiêu hao dần ở đó.

Ngôi làng Pyatikhati ở mặt trận Zaporizhia là minh chứng rõ ràng. Vị trí này đã đổi chủ rất nhiều lần và mỗi lần Ukraine tiến vào lại chịu thiệt hại nặng do hỏa lực Nga. Các mũi tấn công thường kết thúc trong thảm họa khi không thể tạo được hành lang tiến công an toàn, bị bắn từ mọi hướng và khi quân số bị hao tổn tới mức tối đa, đơn vị buộc phải rút lui.

Còn tại mặt trận Liman và Kupyansk, với lợi thế về lực lượng, Nga thậm chí còn chủ động tổ chức phản công và giành được một số địa bàn.

Nhà báo Julian Röpke của tờ Bild đánh giá: "Tôi khá ngạc nhiên với cách sử dụng lực lượng của Nga và nhiều người cũng không thể ngờ. Vì mọi người đều tin rằng, họ đang chịu áp lực ở phía Nam và sẽ phải điều lực lượng dự bị tới đó, nhưng không, họ làm điều ngược lại là tấn công ở phía Bắc".

Báo Đức: Cách Nga dụng binh khiến nhiều người bất ngờ - 4

Các phương tiện rà phá mìn Ukraine bị phá hủy trước tiền duyên phòng ngự của Nga ở mặt trận Zaporizhia (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Khó khăn về hậu cần và hiệp đồng tác chiến

Trước khi tính tới kịch bản phản công lớn, vấn đề quan trọng của quân đội Ukraine hiện này  về huấn luyện và khả năng hiệp đồng tác chiến binh chủng hợp thành.

Chuyên gia quân sự Yevgeny Norin trao đổi với hãng tin Lenta đánh giá, một trong những yếu điểm dẫn tới thiệt hại lớn và phản công không hiệu quả của Ukraine liên quan tới việc huấn luyện không đầy đủ ở phương Tây.

Do thời gian huấn luyện gấp rút, binh sĩ và chỉ huy Ukraine không có khả năng phối hợp chiến đấu và chiến thuật. Phần lớn các đơn vị Ukraine đều tấn công vào tuyến phòng ngự kiên cố của Nga, mà không tìm kiếm các phương án khả thi và ít thương vong hơn.

"Việc sở hữu cùng lúc nhiều loại vũ khí từ nhiều nguồn khác nhau không phải là điều tốt, mà là cơn ác mộng thực sự", chuyên gia Yevgeny Norin nói.

"Mọi thứ có thể trông ấn tượng như xe tăng Leopard, xe tăng bánh lốp AMX-10C của Pháp, pháo tự hành từ Ba Lan… Nhưng cuối cùng điều đó lại là gánh nặng hậu cần khi phải duy trì đạn dược và khả năng sẵn sàng chiến đấu của phương tiện", ông cho biết.

Bất kỳ phương tiện chiến đấu dù hiện đại đến đâu, điều quan trọng chính là khả năng phối hợp và điều khiển. Trong điều kiện phản công hiện tại, Ukraine thiếu tất cả, khiến các đơn vị chiến đấu tự phát và khả năng hiệp đồng không cao.

"Tôi có thể lấy ví dụ rằng xe chiến đấu Bradley chỉ có thể phát huy 100% sức mạnh nếu ngồi trong xe là binh sĩ Mỹ với sự hỗ trợ đầy đủ từ hậu cần, tình báo và hệ thống chỉ huy chiến trường ở tuyến 2. Khi thiếu những thứ trên, Bradley đơn giản chỉ một chiếc hộp sắt do Mỹ sản xuất. Theo đánh giá của tôi dựa trên tâm lý học thuần túy, Ukraine vấp phải việc họ không xác định được đối thủ là ai", chuyên gia nhận định.

Ukraine hiện chưa tung hết các lực lượng dự bị vào phản công, nhưng sự thận trọng này dường như đã khiến các đợt phản công không hiệu quả.

Kể cả trong trường hợp khả quan nhất, nếu tìm ra điểm yếu của Nga, các mũi xung kích Ukraine không đủ lực lượng để phát triển khoét sâu, đợi được dự bị ở tuyến 2 tiến lên thì Nga đã kịp triển khai quân tăng cường, trám lỗ hổng.

Theo CNN, RIA Novosti, VPK, Bild, Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm