1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Canada lý giải thành tích chống dịch “có một không hai” của Việt Nam

(Dân trí) - Báo của Canada cho rằng “không phải ngẫu nhiên” Việt Nam đạt được thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào.

Báo Canada lý giải thành tích chống dịch “có một không hai” của Việt Nam - 1

Các cổ động viên, một số người đeo khẩu trang, cầm cờ cổ vũ trước khi bắt đầu trận đấu bóng đá tại tỉnh Hưng Yên ngày 25/5. Các hoạt động thể thao đã trở lại bình thường sau khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp hạn chế. (Ảnh: Nhac Nguyen/AFP)

Globe and Mail, một trong những tờ báo hàng đầu của Canada, ngày 27/5 đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Không có ca tử vong vì đại dịch, Việt Nam đặt ra chuẩn mực cho cuộc chiến chống Covid-19”.

“Chính phủ Việt Nam đã đối phó với virus corona từ sớm bằng biện pháp cách ly, truy vết tiếp xúc và chiến dịch truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức của người dân. Đã gần một tháng kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, và mọi thứ đang quay trở lại bình thường tại Việt Nam”, Eric Reguly, trưởng đại diện của Globe and Mail tại châu Âu, nhận định trong phần đầu bài viết.

Bài viết đã đề cập tới bệnh nhân 91 đang được điều trị tích cực tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm tài chính của Việt Nam.

“Việc cứu sống bệnh nhân 91 đã trở thành ưu tiên quốc gia: Nếu người này không qua khỏi, Việt Nam không thể tiếp tục tuyên bố rằng không có trường hợp nào tử vong trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam”, báo Canada bình luận.

Theo Globe and Mail, bệnh nhân 91 là công dân Anh, 43 tuổi, và là phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines. Ông bị nhiễm virus tại một quán bar ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 14/3, cùng hơn 10 người khác. 4 ngày sau đó, ông có kết quả xét nghiệm dương tính và được đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới.

Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân suy giảm tới mức phổi của ông chỉ còn 10% hoạt động. Khoảng 60 người đã đề nghị ghép phổi cho phi công người Anh, tuy nhiên các bác sĩ vẫn đang tìm người hiến tặng hợp pháp với điều kiện người này đăng ký hiến tạng và bị chết não.

“Ngay cả khi bệnh nhân này không qua khỏi, cuộc chiến chống virus của Việt Nam vẫn nổi lên như một thành tích đáng kể, có lẽ là độc nhất vô nhị”, bài viết nhấn mạnh.

Theo Globe and Mail, cho tới nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 327 ca nhiễm - tỷ lệ khoảng 3/1 triệu người trong tổng số 97 triệu dân. So sánh với tỷ lệ này tại Italia là 3.822/1 triệu người, Canada là 2.320/1 triệu người và Mỹ là 5.247/1 triệu người. Các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4. Các trường phổ thông và đại học đã mở cửa trở lại từ đầu tháng này.

Thành công của Việt Nam không phải ngẫu nhiên

Báo Canada cho rằng, với đường biên giới dài 1.450 km giáp Trung Quốc và lượng người đi lại thường xuyên từ Vũ Hán, nơi khởi phát dịch vào tháng 12 và tháng 1, Việt Nam từng được dự đoán sẽ ghi nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19.

“Tuy nhiên, Việt Nam đã hành động nhanh chóng và không chờ cảnh báo chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước khi đóng cửa biên giới, phong tỏa nền kinh tế và tiến hành các biện pháp xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc và cách ly”, bài viết nêu rõ.

Trong một cuộc phỏng vấn, Guy Thwaites, giáo sư về dịch bệnh truyền nhiễm kiêm giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, cho biết Việt Nam triển khai hành động từ sớm vì nhận thức rõ mối nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm chưa được biết tới. Trong 20 năm qua, Việt Nam từng đương đầu với dịch SARS, cúm gia cầm, sởi, sốt xuất huyết, dịch chân tay miệng tấn công trẻ em.

“Người Việt Nam rất cẩn trọng với mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm và hiểu rằng cần phải điều trị chúng từ sớm. Họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Châu Âu và Bắc Mỹ dường như đã quên về các bệnh truyền nhiễm”, Giáo sư Thwaites cho biết.

WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng vào ngày 30/1 sau khi nhận thấy các ca lây nhiễm Covid-19 từ người sang người tại Vũ Hán đang tăng nhanh. Tuy nhiên, mãi tới ngày 11/3, WHO mới tuyên bố Covid-19 là đại dịch.

Theo báo Canada, vào thời điểm đó Việt Nam đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong nước và bắt đầu chống dịch. Ngày 3/1, một ngày trước khi WHO thông báo về một số ca nhiễm, nhưng chưa có người chết, tại Vũ Hán, Việt Nam đã tuyên bố một số biện pháp kiểm soát biên giới.

Ngày 22/1, giới chức y tế Việt Nam đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt hành khách tại các cửa khẩu và bắt đầu phát hiện, truy vết tiếp xúc, cách ly bắt buộc những người bị nhiễm bệnh và bất kỳ ai từng tiếp xúc với họ.

Tới cuối tháng 1, 22 bệnh viện tại Việt Nam đã được chọn để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Các trường phổ thông và đại học đều đóng cửa. Đầu tháng 2, toàn bộ chuyến bay từ Trung Quốc đều bị hủy. Cuối tháng 2, các du khách từ bất kỳ nước nào nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly 14 ngày. Cuối tháng 3, chính phủ Việt Nam đã phong tỏa nền kinh tế và giãn cách xã hội cho tới ngày 23/4.

Từ đầu tháng 2, chính phủ Việt Nam đã sử dụng rộng rãi mạng xã hội để nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa, bao gồm giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang và dung dịch rửa tay. Các video tuyên truyền của Việt Nam về Covid-19 với giai điệu bắt tai đã phủ sóng toàn thế giới.

Một báo cáo về cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam do Giáo sư Thwaites cùng 20 bác sĩ và nhà khoa học viết đã kết luận rằng, việc phong tỏa sớm kết hợp xét nghiệm trên diện rộng, truy vết tiếp xúc và cách ly bắt buộc với những người từng tiếp xúc với các ca dương tính, là các yếu tố đứng sau thành công của Việt Nam để tránh xảy ra bất kỳ ca tử vong nào vì dịch bệnh. Báo cáo cho rằng các biện pháp truy vết tiếp xúc và cách ly của Việt Nam “đặc biệt phát huy hiệu quả trong bối cảnh gần một nửa số ca nhiễm bệnh không xuất hiện triệu chứng”.

Tới đầu tháng 5, hơn 200.000 người đã bị cách ly tại các tòa nhà của chính phủ, doanh trại quân đội, khách sạn và nhà riêng.

Báo Globe and Mail dẫn lời Giáo sư Thwaites cho biết nỗ lực truy vết tiếp xúc tại Việt Nam không phụ thuộc vào công nghệ phức tạp như ứng dụng điện thoại để phát hiện các trường hợp từng tiếp xúc với người bị nhiễm virus.

“Không hề có công nghệ cao. Đó chỉ là phương pháp dịch tễ đã cũ”, ông Thwaites nói.

Hầu hết các ca nhiễm tại Việt Nam là du khách, bao gồm cả người Việt Nam, từ nước ngoài trở về. Việt Nam có dân số tương đối trẻ, góp phần vào việc ngăn chặn các ca tử vong. Độ tuổi trung bình của các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam khoảng dưới 30 tuổi. Trong khi đó tại Italia, 70% số ca nhiễm là người trên 50 tuổi.

Giáo sư Thwaites khẳng định ông tin tưởng số ca nhiễm thấp và không có trường hợp tử vong tại Việt Nam là con số chính xác, vì ông đã tiếp cận các dữ liệu chính thức và tới thăm các bệnh viện địa phương.

“Nếu có người chết, tôi sẽ biết về việc đó”, ông Thwaites nói.

Việt Nam đề cao lợi ích tập thể và kỷ luật để chống Covid-19

Ông Jean-Noel Poirier - Đại sứ Pháp tại Việt Nam giai đoạn 2012-2016, cũng có bài viết trên trang báo Pháp CAUSEUR.FR so sánh cách thức chống dịch Covid-19 tại một số nước châu Á với châu Âu ở góc độ văn hóa khi ông được điều trị Covid-19 tại Hà Nội.

Theo ông, tại Việt Nam, việc phòng chống và lợi ích tập thể đặt trên quyền lợi cá nhân. Người nghi nhiễm chấp nhận cách ly 2 tuần ở một doanh trại bộ đội cách nhà 30km bởi sự hy sinh này là cần thiết với sức khỏe cộng đồng và người đó không được từ chối.

"Đó là bài học về việc đối mặt với kẻ thù, một tập thể gắn kết, có kỷ luật và được lãnh đạo tốt bao giờ cũng chiến thắng một nhóm kẻ ô hợp, không nghe lời chỉ huy. Một bài học hiển nhiên và có tính vĩnh cửu", ông Jean-Noel Poirier viết.

Thành Đạt

Tổng hợp