1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo Anh nói về "công thức" thành công của Việt Nam khi đối đầu Covid-19

(Dân trí) - Báo Guardian của Anh cho rằng Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến kiểm soát dịch Covid-19 nhờ hành động nhanh chóng, quyết liệt và huy động toàn dân tham gia cũng như đảm bảo sự minh bạch.

Báo Anh nói về công thức thành công của Việt Nam khi đối đầu Covid-19 - 1

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 trên thế giới tính đến lúc này. (Ảnh minh họa: EPA)

Tính đến ngày 30/4, Việt Nam ghi nhận 270 ca Covid-19 và 0 ca tử vong, trong khi trên thế giới hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì dịch bệnh.

Theo Guardian, Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh thông qua chiến lược nhanh chóng, quyết liệt, huy động toàn dân một cách minh bạch.

Một trong những yếu tố cốt lõi làm nên thành công của Việt Nam là phản ứng một cách kịp thời. Việt Nam hành động từ rất sớm và cảnh báo cho toàn dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Ngày 28/1, khi mới chỉ ghi nhận 2 ca bệnh, chính phủ Việt Nam đã thông báo rằng nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản hàng nghìn người có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong những tuần sau đó, Việt Nam tiếp tục ban hành các lệnh hạn chế và chính sách đi trước cảnh báo và khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), như hàng loạt các hoạt động cấm di chuyển và lệnh bắt buộc đeo khẩu trang.

Theo Guardian, do cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế, Việt Nam đã chọn cách tập trung vào chiến lược xét nghiệm hàng loạt và truy vết mầm bệnh quyết liệt - chiến lược từng được sử dụng với dịch SARS 17 năm trước. Tính tới 30/4, Việt Nam đã thực hiện 261.004 xét nghiệm và cách ly hàng chục nghìn người có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Theo thống kê của Reuters, Việt Nam trung bình đã xét nghiệm gần 800 người để tìm ra được một người bệnh mới - mức cao nhất thế giới hiện tại. Việt Nam có thể tự sản xuất bộ xét nghiệm được WHO phê chuẩn về chất lượng và xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Việt Nam đã đảm bảo sự minh bạch trong chia sẻ thông tin về dịch bệnh với người dân, từ việc cung cấp dữ liệu dịch tễ của các ca nhiễm bệnh để truy tìm những người có tiếp xúc gần tới việc yêu cầu khai báo y tế trên ứng dụng điện thoại để kiểm soát đường đi của mầm bệnh.

Theo Guardian, từ những ngày đầu của đại dịch, Việt Nam đã coi nỗ lực chống dịch là một cuộc chiến. Các bác sĩ và y tá được coi là các “quân nhân” và mỗi người dân đều có trách nhiệm trong nỗ lực chống dịch. Trên thực tế, quân đội cũng đã được huy động tham gia chống dịch, vận chuyển lương thực, phục vụ hàng nghìn người trong các cơ sở cách ly.

Guardian cho rằng, dù coi chống dịch như một cuộc chiến, nhưng cách phát đi thông điệp của Việt Nam lại rất sáng tạo và gần gũi với người dân. Thông tin về việc chống dịch được lồng ghép khéo léo vào một bài hát nổi tiếng, trong các bức tranh, ảnh cổ động trong khi những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, các nghệ sĩ phát đi các thông điệp tích cực từ bên trong các cơ sở cách ly bắt buộc.

Vu Dinh Thai, một du học sinh 25 tuổi trở về từ Anh, nói với Guardian rằng cho dù điều kiện trong khu cách ly không quá thoải mái, nhưng anh cảm thấy biết ơn vì đã được về lại quê hương và được an toàn trong bối cảnh dịch bệnh lây lan trên khắp thế giới.

“Nó (việc cách ly bắt buộc) là miễn phí và họ (chính quyền) đã cố gắng hết sức có thể. Và ai có thể không coi trọng quê hương của mình chỉ vì nơi đây còn nhiều khó khăn?”, Thai cho biết.

Ngay từ khi cuộc chiến chống dịch bắt đầu, Việt Nam đã nêu rõ quyết tâm muốn giữ vững hình ảnh là “một quốc gia an toàn” và theo Guardian, Việt Nam đã thành công vượt ngoài mong đợi.

Đức Hoàng

Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm