1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bàn cờ quyền lực ở bắc Syria sau khi Mỹ đột ngột rút quân

(Dân trí) - Quyết định của Mỹ khi rút quân khỏi đông bắc Syria đã khiến khu vực này “tăng nhiệt” trở lại, báo hiệu một cuộc nội chiến kéo dài mới mà ở đó, các đối thủ của Washington có thể được hưởng lợi.

Bàn cờ quyền lực ở bắc Syria sau khi Mỹ đột ngột rút quân - 1

Một vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria (Ảnh: AFP)

Cho đến tuần trước, lực lượng người Kurd ở Syria vẫn được 1.000 binh sĩ Mỹ đồn trú trên 1/4 lãnh thổ Syria hậu thuẫn. Đây là lực lượng đã kề vai sát cánh với quân đội Mỹ, giúp Washington có được lợi thế trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ đưa ra quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực đông bắc Syria đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ phát động một chiến dịch quân sự xuyên biên giới nhằm vào các tay súng người Kurd - lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố vì mối liên kết với các phần tử ly khai người Kurd. Trong bối cảnh này, người Kurd buộc phải “chuyển hướng” sang chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad - niềm hy vọng cuối cùng của họ trong nỗ lực đối phó với lực lượng quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu.

Tổng thống Trump đã đưa ra lý lẽ để bảo vệ quyết định rút quân của mình khỏi khu vực đông bắc, nơi có những mỏ dầu lớn nhất của Syria. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố muốn rút Mỹ khỏi “những cuộc chiến ngu ngốc kéo dài bất tận” - một lời tiên đoán cho viễn cảnh về khoảng trống an ninh trong khu vực.

Hãng tin AP đã “điểm mặt” những bên được cho là hưởng lợi từ quyết định rút quân của Tổng thống Trump.

Tổng thống Assad và các đồng minh

Bàn cờ quyền lực ở bắc Syria sau khi Mỹ đột ngột rút quân - 2

Lực lượng Syria đã tiến vào khu vực do người Kurd kiểm soát và sẽ tới biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chiến dịch quân sự của Ankara (Ảnh minh họa: Sputnik)

Theo một thỏa thuận giữa Tổng thống Assad và các chiến binh người Kurd, nhà lãnh đạo Syria đã bắt đầu triển khai lực lượng tới các ngôi làng và thị trấn gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những khu vực mà quân đội Syria đã bỏ rơi từ năm 2012, vào thời điểm cao trào của cuộc nội chiến.

Với sự giúp đỡ của không lực Nga và lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, Tổng thống Assad đã thành công trong việc đưa phần lớn lãnh thổ Syria vào tầm kiểm soát của chính quyền sau nhiều năm giao tranh ác liệt, khi quân đội chính phủ bao vây và ném bom lực lượng đối lập. Tuy nhiên, thành trì cuối cùng còn sót lại của phe đối lập ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, và các khu vực do người Kurd kiểm soát, là ngoại lệ.

Bàn cờ quyền lực ở bắc Syria sau khi Mỹ đột ngột rút quân - 3

Quân nhân Mỹ (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Assad từng tuyên bố sẽ đưa toàn bộ lãnh thổ Syria trở về trong tầm kiểm soát của chính quyền, và bây giờ ông đang có trong tay lợi thế rất lớn đối với lực lượng người Kurd tại Syria. Ông Assad và các đồng minh của mình có thể dừng hoặc hạn chế chiến dịch tấn công nhằm vào khu vực do người Kurd kiểm soát, đổi lại ông có thể yêu cầu người Kurd giao lại lãnh thổ cho mình.

Điều này cho phép Tổng thống Assad, và xa hơn nữa có thể là cả Nga và Iran, quyền kiểm soát những vùng dầu mỏ dồi dào và rộng lớn ở gần biên giới với Iraq. Ngoài ra, điều này cũng cho phép mở rộng cái gọi là “vùng lưỡi liềm Shiite” trong tầm ảnh hưởng của Iran, trải dài từ thủ đô Tehran tới Li-băng, cảnh báo các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Israel, bên phản đối quyết liệt cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào người Kurd.

Người Kurd, lực lượng từng có kế hoạch xây dựng một khu vực tự trị, được cho sẽ trở lại với nhà nước Syria, kết thúc 8 năm nội chiến kéo dài.

Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng được hậu thuẫn

Thổ Nhĩ Kỳ rầm rập tiến công vào Syria, chiến sự bắt đầu căng thẳng

Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu tuyên bố sẽ thiết lập khu vực an toàn chạy sâu 30 km vào Syria. Tuy nhiên, theo AP, dựa theo tình hình hiện tại, Ankara có thể sẽ tiến sâu hơn nữa vào Syria.

Theo giới quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ đang dựa vào lực lượng lớn là các chiến binh người Syria do họ hậu thuẫn, trong đó phần lớn là người gốc Ả rập và một số nhóm thiểu số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm chống lại người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố rằng họ kỳ vọng sẽ đưa từ 2 - 3,5 triệu dân thường Syria tị nạn trở lại khu vực an toàn do họ thiết lập.

Dù là một đồng minh trong NATO, nhưng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã xấu đi trong những năm gần đây và chưa có dấu hiệu sẽ được cải thiện. Các quan chức Mỹ đã lên án chiến dịch quân sự của Ankara và ông Trump đã nhiều lần cảnh báo sẽ “xóa sổ” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara làm điều gì vượt quá giới hạn.

Điều này dường như sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải củng cố mạnh mẽ hơn nữa quan hệ với Nga và Iran. Giới quan sát cho rằng viễn cảnh về việc Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga và Iran sẽ trở thành 3 nước lớn có tầm ảnh hưởng với Syria trong tương lai là điều có thể xảy ra.

Nhóm khủng bố IS

Giao tranh dữ dội tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

“Ngày tàn” của IS đã đến hồi tháng 3/2019 khi vùng lãnh thổ mà những kẻ cực đoan chiếm giữ đã được các bên giành lại quyền kiểm soát. Tuy nhiên, IS vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công ở Syria và Iraq và lực lượng này có tiền sử trong việc hồi sinh trở lại sau khi bị đánh bại về mặt quân sự.

Lực lượng người Kurd là một trong những lực lượng hiệu quả trong việc chiến đấu chống IS. Ngay cả những ngày trước khi chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra, họ vẫn cùng với lực lượng Mỹ mở chiến dịch tiêu diệt tàn dư của IS.

Hiện thời, các chiến dịch đã phải ngừng lại và người Kurd quan ngại rằng họ sẽ không thể duy trì kiểm soát các trại giam phiến quân IS trên khắp đông bắc Syria. Theo AP, người Kurd đang bắt giữ 10.000 tù nhân IS, trong đó có 2.000 tay súng nước ngoài, cũng như hàng nghìn những “cô dâu IS” và con cái của những kẻ này.

Các cuộc giao tranh dữ dội hồi cuối tuần qua đã khiến hàng trăm phần tử ủng hộ IS tháo chạy sau một cuộc bạo loạn trong nhà tù. Việc Mỹ rút quân khỏi Syria được cho sẽ làm khiến kế hoạch lực lượng Washington đưa những tên chiến binh IS khét tiếng nhất sang các cơ sở giam giữ ở Iraq, không thể hoàn thành.

Trong khi đó, tên đầu sỏ IS Abu Bakr al-Baghdadi vẫn đang còn sống và liên tục kêu gọi những người ủng hộ tiến hành các cuộc tấn công và tiến hành vượt ngục.

Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đều có lợi ích trong việc ngăn IS hồi sinh trở lại và cũng có nhiều chiến dịch tiêu diệt khủng bố. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nhiều quan ngại cho rằng IS có thể tận dụng thời cơ và tiếp tục trỗi dậy gây ra mối đe dọa nghiêm trọng một lần nữa.

Thành Đạt - Đức Hoàng

Tổng hợp