1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến sự Syria: Nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập - IS bắt đầu hồi sinh

Tình hình chiến sự Đông Bắc Syria tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế khi Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với nguy cơ bị cô lập và IS bắt đầu hồi sinh.

Những lời chỉ trích, lên án vẫn liên tiếp được đưa ra, nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước châu Âu cũng đã bắt đầu hành động đáp trả, trong khi các quốc gia Arab cũng đã xem xét mọi khả năng đối phó. 

Chiến sự Syria: Nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập - IS bắt đầu hồi sinh - 1

Giao tranh ác liệt ở Syria. (Ảnh: AFP)

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” tại Đông Bắc Syria đang diễn ra 1 cách thuận lợi và việc kiểm soát được thị trấn biên giới chiến lược Ras al-Ayn từ tay lực lượng người Kurd là bước tiến triển cụ thể đầu tiên.

Phản ứng trước thông tin này, người Kurd ở Syria hôm qua đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định sự phản kháng vẫn đang diễn ra quyết liệt ở mọi nơi. Tuy nhiên, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp tổ chức khủng bố IS bắt đầu hồi sinh thực sự. Phát biểu trên truyền hình, Redur Xelil – một quan chức cấp cao thuộc lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria cho biết:

“Hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là mối đe dọa sự hồi sinh của tổ chức khủng bố IS. Thực tế, nó đã kích hoạt sự hồi sinh này tại các khu vực Qamishli, Hasakah và nhiều khu vực khác. Hiện tại, chúng tôi đang phải chiến đấu trên cả 2 mặt trận, một là cuộc chiến chống IS với việc duy trì hợp tác với liên quân quốc tế do Mỹ, mặt trận còn lại là cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đại diện người Kurd cũng kêu gọi Mỹ và các nước đồng minh nhanh chóng hành động bảo vệ lực lượng này trước hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách thiết lập vùng cấm bay tại khu vực biên giới.

Trong bối cảnh như vậy, những ngày qua, dư luận quốc tế không ngừng đưa ra các lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm qua, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL) đã tổ chức họp khẩn ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Cuộc họp kết thúc với việc đưa ra tuyên bố chung lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, dù bất kỳ lý do phát động chiến dịch của nước này là gì. Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cho biết:

“Hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria chỉ có 1 cách gọi duy nhất, đó là “xâm lược”. Đây là 1 sự xâm lấn lãnh thổ của 1 quốc gia Arab, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền. Hành động xâm lược này cần bị lên án và thế giới không thể làm ngơ. Bất kể Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn lý do như thế nào, thì hành động xâm lược vẫn mãi là xâm lược. Đó là hành động bất hợp pháp, vi phạm các quy tắc quốc tế, không ai ủng hộ và cần bị lên án”.

Dự kiến, các nước Arab sẽ xem xét khả năng đưa ra các biện pháp đối phó, đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc hạ mức quan hệ ngoại giao, chấm dứt hợp tác quân sự, kinh tế, văn hóa và du lịch với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, từ châu Âu, một làn sóng biểu tình phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đang diễn ra với quy mô lớn. Hàng chục nghìn người dân ở Pháp, Đức, Áo, Hy Lạp, Hungary, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ba Lan, Hà Lan… đã xuống đường để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng người Kurd, Syria. Họ kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong vấn đề. Dự kiến, Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày mai (14/10) tại Luxembourg, để bàn về cơ chế phối hợp, cách tiếp cận của châu Âu trước tình hình.

Đến nay, một loạt các nước châu Âu như Phần Lan, Na Uy đã quyết định ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ như 1 hành động phản đối. Mới nhất, hôm qua (12/10), chính phủ các nước Pháp, Đức cũng đã dừng cấp phép và đình chỉ mọi kế hoạch xuất khẩu các khí tài quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ, với những lo ngại các trang thiết bị này có thể được sử dụng cho cuộc chiến.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua vẫn tiếp tục lên tiếng bảo vệ quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Đông Bắc, Syria – điều mà dư luận gọi là hành động bật đèn xanh của Mỹ để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, nước này không thể ở mãi Syria chỉ để bảo vệ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nếu Thổ Nhĩ Kỳ hành động “vượt quá giới hạn”, những biện pháp trừng phạt “nhanh nhất, mạnh nhất, nghiêm khắc nhất” sẽ được Mỹ đưa ra ngay lập tức.  

Trước những chỉ trích gay gắt từ dư luận, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng chiến dịch tại Syria là hành động bảo vệ an ninh quốc gia, là cuộc chiến chống khủng bố. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu, nước này không sợ bị thế giới cô lập, chỉ vì đã tiến hành 1 cuộc chiến chống khủng bố. Còn về những lo ngại về sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Syria, thế giới nên nhớ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết rất nhiều lần về điều này, Ankara luôn tôn trọng chủ quyền Syria. Thực tế, cam kết này đã được đưa ra trong tuyên bố chung mới đây về Syria, giữa Tổng thống 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Đình Nam

VOV