1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài toán khó của Ukraine dù Mỹ có thể cấp thiết bị tạo bom thông minh

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ dường như đang lên kế hoạch cấp cho Ukraine thiết bị có thể chuyển đổi vũ khí thường thành bom thông minh, nhưng chuyên gia cho rằng Kiev gặp thách thức để sử dụng hiệu quả khí tài này.

Bài toán khó của Ukraine dù Mỹ có thể cấp thiết bị tạo bom thông minh - 1

Một phi công Mỹ lắp JDAM lên máy bay B-52 (Ảnh: Không quân Mỹ).

Washington Post dẫn nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như tính cung cấp cho Ukraine các bộ dẫn đường, gồm thiết bị định vị toàn cầu và hệ thống điều khiển tiên tiến, có thể biến bom thông thường thành "bom thông minh" có khả năng dẫn đường với độ chính xác cao.

Theo Forbes, nếu Mỹ cấp cho Ukraine thiết bị tấn công trực diện phối hợp (JDAM), thiết bị này sẽ giúp gia tăng năng lực của không quân Kiev một cách đáng kể trong bối cảnh Nga áp đảo đối thủ về tiềm lực trong thời gian qua.

Lý do quan trọng nhất chính là JDAM rất chính xác, hơn những vũ khí mà Nga và Ukraine đang trang bị trên các tiêm kích MiG và Sukhoi của cả 2 bên.

Hiện thời, một cường kích Su-25 hoặc MiG-29 của Ukraine có thể sẽ phải sử dụng 4 tên lửa hoặc bom không dẫn đường để có cơ hội đánh trúng một mục tiêu duy nhất.

Với JDAM, Su-25 hoặc MiG-29 có thể mang theo vũ khí để phá hủy 4 mục tiêu trong một lần triển khai và rủi ro thấp hơn.

Nói một cách khác, JDAM có thể làm thay đổi tính toán về sức mạnh không quân khi chiến sự Nga - Ukraine đã kéo dài tới tháng thứ 10.

Bản chất JDAM không phải là một quả bom. Nó là một bộ dẫn đường có thể tích hợp với nhiều loại đạn không dẫn đường sẵn có. Nó có giá 25.000 USD do Boeing sản xuất và được tích hợp các bộ tìm kiếm mục tiêu bằng GPS. JDAM có thể được tích hợp lên các loại bom nặng từ 230 tới 900kg.

Cơ chế hoạt động của JDAM là máy bay mang thiết bị này sẽ xuất kích. Phi công dựa vào tọa độ mục tiêu thu được từ tình báo và trinh sát để kích hoạt bom tấn công. Tọa độ mục tiêu có thể được cập nhật ngay giữa chuyến bay.

Sau khi thả xong vũ khí, máy bay sẽ rời đi ngay. Quả bom nhận tín hiệu từ các vệ tinh GPS, tìm ra vị trí hiện tại của nó và mục tiêu, rồi tự điều hướng cho đến khi tấn công thành công.

Ưu điểm của JDAM là giá thành hợp lý, dễ tích hợp vào vũ khí và chính xác. Nó tạo ra bước ngoặt cho hoạt động tác chiến trên không khi có thể tấn công chuẩn xác vào mục tiêu, tiết kiệm đạn dược, tránh việc phải rải thảm lượng lớn vũ khí xuống và chưa chắc đã có hiệu quả. Đây là một lợi thế đặc biệt trên chiến trường. 

Những thách thức

Bài toán khó của Ukraine dù Mỹ có thể cấp thiết bị tạo bom thông minh - 2

Cận cảnh một thiết bị JDAM (Ảnh: Quân đội Mỹ).

JDAM có nhiều lợi thế nhưng giới quan sát cho rằng, Ukraine sẽ gặp nhiều vấn đề để có thể triển khai hiệu quả.

Theo chuyên gia quân sự Alexei Leonkov, việc Ukraine nhận JDAM sẽ không có nhiều ý nghĩa vì lực lượng Không quân của họ chưa có khả năng triển khai loại đạn như vậy.

"Ukraine liệu có thực sự cần thiết bị này không? Có thể là không. Vì vũ khí duy nhất mà họ đang sử dụng để đối phó với Nga là tên lửa. Thời gian gần đây, họ đã sử dụng tên lửa chống radar AGM-88 HARM để cố gắng phá hủy radar của hệ thống phòng không của Nga. Tuy nhiên, Ukraine thường không thành công trong những nhiệm vụ này", ông Leonkov nói.

Ông cho rằng, không quân Ukraine chưa bao giờ thực hiện tấn công ném bom, nên việc được trang bị JDAM chỉ hợp lý khi Ukraine có khoảng 300 máy bay mang được vũ khí này. Con số này dường như quá lớn với tiềm lực hiện tại của Ukraine.

Mặt khác, theo Forbes, yếu tố chủ chốt để sử dụng JDAMS là hệ thống giao diện MIL-STD-1760 chỉ dùng cho máy bay phương Tây sản xuất. Trong khi đó, hầu hết đội máy bay của Ukraine là di sản từ Liên Xô và không có hệ thống giao diện này.

Thêm vào đó, Mỹ sở hữu số lượng JDAM tương đối thấp trong kho dự trữ và việc tăng tốc sản xuất vũ khí này không thể diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, đây cũng được xem là thách thức không nhỏ cho Ukraine nếu họ coi đây là vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi. 

Theo The Drive, Forbes, Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine