Xung đột Israel - Iran
  1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Iran
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày

Bài toán hóc búa của Israel: Nguy cơ "sa lầy" trong xung đột với Iran

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù đã có những lợi thế ban đầu trong cuộc tấn công quy mô lớn vào Iran, Israel vẫn phải đối mặt với câu hỏi: Làm sao để kết thúc cuộc xung đột mà vẫn đạt được mục tiêu đã đề ra?

Bài toán hóc búa của Israel: Nguy cơ sa lầy trong xung đột với Iran - 1

Cảnh đổ nát ở Israel sau trận không kích của Iran (Ảnh: Reuters).

Trong khi các chiến đấu cơ Israel đang dồn dập tập kích các mục tiêu quân sự và hạt nhân trên lãnh thổ Iran, thì phía Israel cũng phải hứng chịu thương vong không nhỏ do các đợt phản công bằng tên lửa từ Tehran, một cường quốc quân sự trong khu vực.

Cùng lúc đó, dù Mỹ đang hỗ trợ Israel đánh chặn các đợt phóng tên lửa của Iran, Washington hiện vẫn từ chối tham gia tấn công Iran, buộc giới lãnh đạo Israel phải xem lại những gì chiến dịch quân sự này có thể thực sự đạt được.

“Một kết cục ngoại giao, chứ không phải quân sự, là điều chắc chắn", một nguồn tin Israel nói với truyền thông Mỹ. Theo nguồn tin, Israel hiện hy vọng rằng các đòn không kích sẽ làm yếu đi vị thế của Iran trong bất kỳ cuộc đàm phán hạt nhân nào trong tương lai.

Quan điểm cho rằng sử dụng sức ép quân sự có thể buộc đối phương phải nhượng bộ từng được Israel áp dụng nhiều lần, nhưng chưa từng hiệu quả với Hamas ở Gaza. Tuy vậy, việc các quan chức Israel bắt đầu nhắc đến khả năng đàm phán với Iran cho thấy tư duy chiến lược đang dần dịch chuyển.

Ngay từ khi mở màn chiến dịch không kích Iran vào tuần trước, Israel đã công khai mục tiêu: Loại bỏ vĩnh viễn mối đe dọa “sống còn” từ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran.

Một quan chức quân sự Israel nói với truyền thông Mỹ rằng mục tiêu quân sự này “sẽ không bị giới hạn thời gian” và được theo đuổi đến cùng.

Tuy nhiên, tham vọng đó, vốn phụ thuộc phần lớn vào việc Mỹ cùng tham chiến, nay đang gặp phải thực tế rằng Washington không muốn bị kéo vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông.

Trong khi đó, Iran vẫn đang phóng "mưa tên lửa" vào các thành phố Israel, gây ra cảnh tàn phá dữ dội. Tehran có kho dự trữ hàng nghìn quả tên lửa đa dạng, có khả năng xuyên phá những lá chắn tiên tiến hàng đầu của Tel Aviv. Họ chắc chắn là một đối thủ đáng gờm hơn so với các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn mà Israel đối phó trong nhiều năm qua.

Theo các nguồn thạo tin, Israel dường như đã đề nghị Mỹ tăng cường can dự vào chiến sự. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump, vẫn giữ quan điểm không để Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến mới ở Trung Đông và liên tục giữ khoảng cách với tình hình xung đột leo thang.

Một quan chức Mỹ tiết lộ với báo chí nước này rằng ông Trump dường như đã bác bỏ kế hoạch của Israel nhằm ám sát Lãnh đạo Tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ khẳng định ông đang tìm cách chấm dứt chiến sự, chứ không mở rộng nó.

“Iran và Israel nên đạt được một thỏa thuận và sẽ đạt được, giống như tôi đã làm với Ấn Độ và Pakistan", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social vào cuối tuần qua, nhắc lại vai trò của ông trong việc can thiệp vào căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á hồi tháng trước liên quan đến Kashmir.

Dù đã ám sát được nhiều nhà khoa học hạt nhân và đánh phá một số cơ sở làm giàu uranium của Iran, nhưng Israel vẫn chưa thể gây ra tổn thất không thể phục hồi cho chương trình hạt nhân của Tehran.

Một số cơ sở quan trọng nhất như nhà máy làm giàu uranium Fordow ở miền Bắc Iran được xây dựng sâu bên trong lòng núi. Nếu không có sự hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Mỹ, đặc biệt là hậu cần và bom xuyên boong-ke, thì ngay cả một chiến dịch không kích kéo dài của Israel cũng khó phá hủy hoàn toàn năng lực hạt nhân của Iran.

Ngoài ra, chiến lược của Israel cũng có một lỗ hổng lớn khác: Ngay cả khi phá hủy được toàn bộ cơ sở vật chất, Tehran vẫn có thể khôi phục lại, bởi họ nắm trong tay kiến thức về hạt nhân và đội ngũ tri thức được đào tạo trong nhiều năm.

Hơn nữa, nếu xung đột khép lại, Iran hoàn toàn có thể cho rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân, chứ không phải ký một thỏa thuận mới, mới là biện pháp răn đe tốt nhất cho tương lai. Iran có thể phá bỏ sắc lệnh cấm phát triển vũ khí hạt nhân trong hàng chục năm qua và bắt đầu làm giàu uranium mạnh mẽ hơn. 

Điều này đặt Israel rơi vào nguy cơ bị "sa lầy" vào một cuộc chiến mới mà không có lối ra rõ ràng.

Chiến dịch quân sự ở Gaza, mở màn từ năm 2023 sau vụ tấn công ngày 7/10, được tuyên bố nhằm loại bỏ Hamas và giải cứu toàn bộ con tin, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng nào cho giai đoạn hậu chiến. 

Giờ đây, người Israel tiếp tục đối mặt với một cuộc chiến mới, dài lâu, nguy hiểm và không giới hạn thời gian, mà không có viễn cảnh kết thúc cụ thể nào.

Theo Yahoo News
Dòng sự kiện: Xung đột Israel - Iran