1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bài học “xương máu” sau cái chết của 13 y bác sĩ Trung Quốc

(Dân trí) - Các bác sĩ Trung Quốc cảnh báo đội ngũ y tế các nước cần chuẩn bị sẵn sàng và lên kế hoạch cho công tác ứng phó với dịch corona.

 
Bài học “xương máu” sau cái chết của 13 y bác sĩ Trung Quốc - 1

Các bác sĩ tham gia chống dịch corona tại Trung Quốc trong cuộc họp báo trực tuyến ở Vũ Hán ngày 4/3. (Ảnh: Xinhua)

Các bác sĩ làm việc ở tuyến đầu chống dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra tại thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch từ tháng 12 năm ngoái, đã chia sẻ những kinh nghiệm trong một cuộc họp báo hôm 4/3 với hy vọng có thể giúp các đồng nghiệp trên toàn thế giới rút ra bài học từ những trải nghiệm của họ.

Theo lời khuyên của 4 bác sĩ hàng đầu, các quốc gia cần tăng cường việc tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ để đảm bảo rằng họ có thể ứng phó một cách an toàn với dịch bệnh.

Tính đến ngày 4/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đã vượt qua mức 80.000 người, bao gồm hơn 3.000 ca tử vong. Ít nhất 13 bác sĩ, y tá đã thiệt mạng và hàng nghìn nhân viên y tế bị nhiễm virus corona trong cuộc chiến chống dịch corona tại Trung Quốc.

Trong gần một tháng sau khi dịch corona bắt đầu bùng phát, nhiều người dân ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, vẫn không được điều trị. Thành phố này đã bị phong tỏa từ ngày 23/1 để ngăn dịch bệnh lây lan.

Trong tuần qua, đã có những dấu hiệu cho thấy virus corona đang được kiểm soát tại Trung Quốc. Trong khi đó, các quốc gia như Hàn Quốc, Iran và Italia ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số ca nhiễm Covid-19 mới. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng thế giới có thể vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu của một đại dịch.

Đào tạo y bác sĩ

Hơn 30.000 nhân viên y tế, bao gồm lực lượng quân y, đã được huy động từ khắp Trung Quốc để tới hỗ trợ thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trong cuộc chiến chống dịch corona. Mặc dù vậy, các y bác sĩ vẫn phải chịu sức ép rất lớn do số lượng bệnh nhân nhiễm virus quá đông.

Các nhân viên y tế tại Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt về khẩu trang và đồ bảo hộ. Thậm chí một số người phải mặc đồ bảo hộ nhiều lần hoặc đồ không bảo đảm an toàn, và tiếp tục làm việc ngay cả khi họ đã xuất hiện các triệu chứng bất thường về hô hấp.

Bài học “xương máu” sau cái chết của 13 y bác sĩ Trung Quốc - 2

Bệnh nhân được điều trị tại một bệnh viện ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Bác sĩ Qiao Jie, Chủ tịch Bệnh viện Số 3 Đại học Bắc Kinh, cho biết vấn đề trọng yếu là cần tổ chức tập huấn về dịch bệnh lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên y tế để họ biết cách tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.

“Phần lớn nhân viên y tế thiếu kinh nghiệm trong việc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm kết hợp với viêm phổi và các điều kiện phức tạp khác. Chúng ta cần tập huấn cho các nhân viên y tế để ứng phó với Covid-19 từ tình trạng nhẹ cho tới nghiêm trọng và bảo vệ chính bản thân họ tốt hơn. Thậm chí việc mặc hay cởi đồ bảo hộ cũng cần phải được đào tạo”, bác sĩ Qiao cho biết thêm.

“Để ngăn chặn lây nhiễm dịch trong các bệnh viện, chìa khóa nằm ở việc lên kế hoạch”, bác sĩ Du Bin, giám đốc bộ phận chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Y Liên minh Bắc Kinh và là người từng tới Vũ Hán hồi giữa tháng 1 để điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch, nói.

“Các bạn phải có kế hoạch cho từng bệnh nhân nghi nhiễm virus và bị sốt. Các bạn phải có kế hoạch cho bệnh nhân ngoại trú hoặc thậm chí bệnh nhân nội trú. Các bạn phải có khả năng xác nhận kết quả xét nghiệm đối với những người nghi nhiễm virus, và cách ly các trường hợp nghi nhiễm trước khi xác nhận họ bị nhiễm hoặc không bị nhiễm”, ông Du Bin cho biết.

Theo bác sĩ Qiao, điều quan trọng nhất là cần huy động nhiều nguồn lực trong xã hội, không chỉ các bác sĩ và y tá, mà còn những người làm công tác xã hội, hậu cần và xây dựng, để giúp xây dựng các cơ sở y tế đặc biệt, đồng thời duy trì hoạt động của các bệnh viện trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Lên kế hoạch hành động

Bác sĩ Du cho rằng cần phải lên các kế hoạch cho việc xử lý dịch bệnh, các bệnh nhân nhiễm virus và các tiếp xúc gần gũi của họ, cũng như cung cấp các cơ sở cách ly, đồng thời giám sát, kiểm tra và theo dõi các trường hợp nghi mang mầm bệnh.

Theo bác sĩ Du, các nhân viên y tế không nên gánh trách nhiệm một mình. Thay vào đó, các cơ quan chính phủ, gồm cơ quan y tế, cảnh sát và giao thông vận tải, cũng cần chia sẻ gánh nặng với các y bác sĩ trong công tác chống dịch.

“Họ phải phối hợp cùng nhau. Đó là cách duy nhất để kiểm soát dịch bệnh, không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới”, ông Du nhấn mạnh.

Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản Cao Bin cho biết, các bác sĩ Trung Quốc đang đóng góp vào cuộc chiến chống dịch corona toàn cầu bằng việc tiến hành thử nghiệm vắc xin lâm sàng. Ông Cao Bin cũng cho biết hai cuộc thử nghiệm lâm sàng với thuốc kháng virus Remdesivir đã diễn ra suôn sẻ và các dữ liệu sẽ được chia sẻ với cộng đồng quốc tế ngay sau khi các cuộc thử nghiệm hoàn tất, dự kiến vào cuối tháng 4.

Theo bác sĩ Li Haichao, lãnh đạo tại Bệnh viện Số 5 Đại học Bắc Kinh, việc xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin đã phát huy hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhân bị nhiễm bệnh nghiêm trọng hoặc nguy kịch.

“Chúng ta phải thiết lập các nhóm chuyên môn khác nhau để ứng phó với các tình huống khác nhau. Đây là dịch bệnh mới và chúng phải thiết lập cơ chế gồm nhiều nhóm chuyên môn để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm từ các đồng nghiepj thuộc các lĩnh vực khác nhau. Điều này rất hữu ích với chúng ta”, bác sĩ Li nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP, CNA

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm