1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Bà Yingluck vẫn ổn, thỉnh thoảng nấu món Thái với bạn bè"

Nguồn tin từ nhóm pháp lý của bà Yingluck Shinawatra cho biết cựu Thủ tướng Thái Lan hiện vẫn ổn và thích nấu món ăn Thái với những bạn bè thân thiết khi họ đến thăm.


Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Nation)

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Nation)

Tờ Nation hôm nay, 7/10 dẫn nguồn nhóm pháp lý của cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết bà Yingluck hiện đang cân nhắc nộp đơn tị nạn tại Anh, Đức hoặc Pháp.

Ưu tiên của cựu Thủ tướng là nước Anh – nơi bà đang đang lưu trú dưới dạng visa du lịch và cũng là nơi anh trai Thaksin Shinawtra sở hữu một căn hộ, nguồn tin này cho biết, nhưng từ chối tiết lộ loại hộ chiếu mà bà Yingluck đang sử dụng.

“Cựu Thủ tướng Yingluck vẫn ổn. Bà ấy thích nấu món Thái với những bạn bè thân thiết khi họ đến thăm, nhưng sẽ tiếp tục im lặng trong một thời gian”, nguồn tin này tiết lộ.

Bà Yingluck được cho là đã chạy trốn tới tỉnh Sa Kaeo hôm 23/8 bằng chiếc Toyota Camry, sau đó trốn qua biên giới, tới Dubai (UAE) và tiếp tục di chuyển đến London (Anh).

Bà đã vắng mặt tại phiên tòa tuyên án hôm 25/8. Đến ngày 27/9, Tòa án Tối cao Thái Lan ra phán quyết bà Yingluck phải lãnh án năm năm tù giam vì lơ là, thiếu trách nhiệm, không ngăn chặn được nạn tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo của chính phủ, gây thiệt hại hàng tỉ USD.

Hiện cựu Thủ tướng Yingluck vẫn đang trong quá trình làm đơn xin tị nạn, nhưng trước hết bà cần có văn bản phán quyết của tòa án để giải thích lí do xin tị nạn.

“Chúng tôi phải chứng minh rằng bà Yingluck bị chà đạp về mặt chính trị nên việc bà ở lại Thái Lan sẽ không an toàn. Chúng tôi sẽ nói với họ rằng bà Yingluck phải đối mặt với sự thiếu công bằng về công lý vì chính phủ của bà đã bị lật đổ, buộc bà phải trốn khỏi quê hương”, nguồn tin cho hay.

Theo Nation, việc xin tị nạn chính trị ở Anh vốn rất khó khăn. Rất nhiều đơn xin tị nạn đã bị chính phủ Anh từ chối vì những quy định nghiêm ngặt và phức tạp. Trong năm 2016, chỉ 28% số đơn xin tị nạn được chính phủ Anh chấp thuận.

Chuyên gia luật Thanakrit Worathanatchakul cho biết những người xin tị nạn ở Anh buộc phải chứng minh rằng họ không thể quay trở lại quê hương vì những mối lo liên quan đến chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hay quan điểm chính trị.

Cơ quan chức năng tại Anh sẽ mất sáu tháng để xem xét đơn xin tị nạn. Nếu đơn được thông qua, người xin tị nạn có thể ở lại Anh trong vòng năm năm. Nếu hết năm năm mà người xin tị nạn vẫn sợ phải quay về quê hương thì có thể nộp đơn xin định cư tại Anh.

Hôm 6/10, văn phòng các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan triển khai một nhóm chuyên trách về việc dẫn độ bà Yingluck về nước từ Anh. Nhóm này được thành lập mặc dù Bộ Tư pháp chưa nhận được yêu cầu chính thức từ cảnh sát về việc truy tìm bà Yingluck. Đại diện Bộ Tư pháp cho biết Bộ có thể chủ động theo đuổi quá trình dẫn độ bởi vụ việc của bà Yingluck liên quan tham nhũng, chứ không phải chính trị.

Thái Lan và Anh vốn có hiệp ước dẫn độ tồn tại hàng thế kỷ nay và vẫn còn hiệu lực. Luật pháp Anh cũng cho phép dẫn độ các trường hợp liên quan tham nhũng, lơ là trách nhiệm.

Minh Hạnh

Theo Tiền phong