1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan ra "tối hậu thư" cảnh báo chặn Ukraine vào EU

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ra điều kiện để đồng ý kết nạp Ukraine vào EU.

Ba Lan ra tối hậu thư cảnh báo chặn Ukraine vào EU - 1

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (Ảnh: Reuters).

Ông Tusk đã đe dọa sẽ ngăn chặn nỗ lực gia nhập EU của Ukraine trừ khi Kiev chấp nhận các yêu cầu của Warsaw liên quan tới vụ thảm sát Volyn thời Thế chiến thứ II.

Ông Tusk đưa ra tuyên bố trên sau chuyến thăm Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba, người đã đưa ra một số tuyên bố gây nhiều tranh cãi về lịch sử của người Ba Lan và Ukraine.

"Người dân Ukraine, với tất cả sự tôn trọng và ủng hộ của chúng tôi đối với nỗ lực quân sự của họ, phải nhận ra rằng gia nhập EU cũng là gia nhập một nền văn hóa chính trị và lịch sử. Vì vậy, cho đến khi Ukraine tôn trọng các tiêu chuẩn này, Ukraine sẽ không trở thành thành viên của gia đình châu Âu", ông Tusk tuyên bố.

Thủ tướng Ba Lan chỉ trích phát biểu của ông Kuleba, cho biết ông đánh giá chúng "hoàn toàn tiêu cực". "Ukraine, bằng cách này hay cách khác, sẽ phải đáp ứng được kỳ vọng của Ba Lan", ông Tusk nhấn mạnh.

Hồi giữa tuần, ông Kuleba đã tới thăm và phát biểu tại thành phố Olsztyn ở phía bắc Ba Lan. Trong khi ông hứa sẽ không phản đối việc khai quật các ngôi mộ tập thể để giúp hiểu về vụ thảm sát Volyn, nhà ngoại giao này đã thúc giục 2 quốc gia "để lịch sử cho các nhà sử học" và không đào bới "những điều tồi tệ mà người Ba Lan đã làm với người Ukraine và người Ukraine với người Ba Lan".

Thảm sát Volyn (Volhynia) là một chuỗi các sự kiện dẫn đến việc thanh lọc sắc tộc đối với người dân Ba Lan và Ukraine vào năm 1943 trong Thế chiến II. Trong sự kiện này, khoảng 40.000-100.000 người Ba Lan đã bị những người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ủng hộ Đức Quốc xã thuộc nhóm UPA và OUN sát hại từ năm 1943-1944.

Ông Kuleba cũng nhắc tới Chiến dịch Vistula năm 1947, một sự kiện mà Ba Lan trục xuất 140.000 người Ukraine. Động thái gây tranh cãi này nhằm ngăn chặn tàn dư của nhóm UPA.

Ông Kuleba phát biểu rằng Ukraine cũng có những yêu cầu riêng của mình đối với chính quyền Ba Lan, như tôn trọng "ký ức về những người Ukraine đã bị trục xuất khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine".

Bình luận trên đã gây tranh cãi ở Ba Lan, với nhiều ý kiến cho rằng nó gợi ý về các yêu cầu lãnh thổ tiềm tàng từ phía Ukraine. Bộ Ngoại giao Ukraine sau đó phải giải thích rằng ông Kuleba không có ý như vậy, mà ông chỉ mô tả khu vực mà "cộng đồng người Ukraine nhỏ bé" đã sinh sống trước khi bị trục xuất từng là "lãnh thổ Ukraine".

Theo RT