1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Australia "tố" Trung Quốc phớt lờ kêu gọi giảm căng thẳng thương mại

(Dân trí) - Australia hôm nay đã hối thúc Trung Quốc phản hồi về đề nghị thảo luận giảm căng thẳng thương mại, sau khi Canberra kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus gây bệnh Covid-19.

Australia tố Trung Quốc phớt lờ kêu gọi giảm căng thẳng thương mại - 1

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham (Ảnh: ABC)

Trung Quốc, vốn cáo cuộc Australia chơi “trò nhỏ mọn” gần đây đã ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 hãng sản xuất thịt bò lớn nhất của Australia và đang cân nhắc áp dụng các mức thuế cao đối với các sản phẩm lúa mạch nhập khẩu.

Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham đã đề nghị thảo luận về các vấn đề thương mại với người đồng cấp Trung Quốc, ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC ngày 17/5. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã "ngó lơ" các đề nghị này.

“Đề nghị đó đã không được đáp ứng ở giai đoạn này. Chúng tôi để ngỏ cuộc trao đổi như vậy, dù là ở lĩnh vực có các vấn đề khó khăn cần thảo luận”, ông nói.

Bộ trưởng Birmingham nói thêm, Australia bảo lưu quyền kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu Bắc Kinh áp thuế lên các sản phẩm lúa mạch của Australia.

Quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng giữa lúc có các cáo buộc tại Australia rằng Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này, và lo ngại về điều mà Australia xem là sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại khu vực Thái Bình Dương.

Kêu gọi của Australia nhằm điều tra nguồn gốc Covid-19 diễn ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng các chỉ trích nhằm vào Trung Quốc về cách ứng phó với đại dịch. Ông Trump cũng cảnh báo Bắc Kinh có thể đối mặt với các hệ quả nếu có trách nhiệm về dịch bệnh.

Canberra khẳng định kêu gọi điều tra về đại dịch Covid-19, mà nước này nói nhiều khả năng xuất phát từ một chợ động vật hoang dã tại thành phố Vũ Hán, không mang mục đích chính trị nhằm vào Bắc Kinh.

Australia dự kiến cũng tham gia cùng các quốc gia khác thúc đẩy cuộc điều tra khi Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhóm họp tại Thụy Sĩ vào tuần tới, cuộc họp thường niên đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra.

Đại dịch Covid-19 cho tới nay đã khiến hơn 4,6 triệu người trên thế giới mắc bệnh và hơn 310.000 người thiệt mạng, theo số liệu của Reuters. Dịch bệnh cũng làm tê liệt cuộc sống tại các thành phố lớn và phá hủy các nền kinh tế.

Australia cho tới nay đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch nhờ các biện pháp giãn cách xã hội nhanh chóng, chặt chẽ nhưng cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế và việc xét nghiệm rộng rãi.

Australia, với dân số 25 triệu người, đã ghi nhận 7.036 ca Covid-19 và 98 người tử vong, thấp hơn rất nhiều so với các con số tại Bắc Mỹ và châu Âu. Tính tới ngày 16/5, chính phủ thông báo đã xét nghiệm cho hơn 1 triệu người.

Trong bối cảnh các ca mắc giảm dần, Australia đã bắt nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Hầu hết các bang đã cho phép các hoạt động ở nơi công cộng và một số bang cho phép các quán bar, trung tâm thương mại, công viên, bãi biển tái mở cửa sau nhiều tuần đóng cửa.

An Bình

Theo Reuters