1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Australia cấm TikTok trên thiết bị chính phủ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Australia, quốc gia thuộc liên minh tình báo "Ngũ nhãn", thông báo cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị chính phủ vì lo ngại về vấn đề an ninh.

Australia cấm TikTok trên thiết bị chính phủ - 1

Nhiều quốc gia lo ngại TikTok gây ra rủi ro về an ninh và bảo mật (Ảnh minh họa: Reuters).

Australia đã cùng với các quốc gia phương Tây khác cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ khi ứng dụng video do công ty Trung Quốc phát triển đang chịu áp lực ngày càng tăng trước những nghi vấn về an ninh và bảo mật.

Bộ trưởng Tư pháp Australia Mark Dreyfus ngày 4/4 đã công bố lệnh cấm sau khi nhận được khuyến nghị từ các cơ quan tình báo và an ninh. Ông nhấn mạnh, lệnh này sẽ đi vào hiệu lực "ngay khi có thể".

Australia trở thành nước "Ngũ nhãn" tiếp theo ban hành lệnh cấm, sau khi Anh, Mỹ, Canada công bố các biện pháp tương tự. Trong khi đó, quốc hội New Zealand - một thành viên của liên minh tình báo - cũng đã ra lệnh xóa ứng dụng này khỏi tất cả các thiết bị có quyền truy cập vào cơ quan lập pháp.

Na Uy và Nghị viện châu Âu đã có những động thái tương tự. Tuần trước, nguồn tin nói rằng, trụ sở NATO dường như đã cấm nhân viên tải ứng dụng này xuống các thiết bị do NATO cung cấp.

Cho tới nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy chính phủ Trung Quốc tiếp cận được với dữ liệu người dùng TikTok và chưa có chính phủ nào ban hành lệnh cấm ứng dụng này trên thiết bị cá nhân.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã cảnh báo sẽ thực hiện điều này ở Mỹ trừ khi chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng, Bytedance, đồng ý nhượng lại cổ phần của công ty.

Mỹ lo lắng Trung Quốc có thể sử dụng luật an ninh quốc gia để tiếp cận với lượng thông tin cá nhân đáng kể mà TikTok thu thập từ người dùng Mỹ.

Trong một phiên điều trần cấp cao trước quốc hội về vấn đề này, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew tuyên bố chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu ứng dụng này cung cấp dữ liệu và công ty sẽ từ chối bất kỳ yêu cầu nào như vậy.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ "kiên quyết phản đối" bất kỳ quyết định nào dẫn đến việc buộc phải bán TikTok, đồng thời nói thêm rằng điều đó sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng" đến niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu vào Mỹ.

Theo Guardian