1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ashraf Ghani: Từ nhà tư tưởng hàng đầu tới tổng thống rời bỏ đất nước

Thành Đạt

(Dân trí) - Trước khi rời đất nước giữa lúc chiến sự hỗn loạn, Tổng thống Ashraf Ghani từng là một trong những học giả nổi tiếng nhất tại Afghanistan.

Tổng thống Afghanistan lên máy bay rời khỏi đất nước

Ashraf Ghani: Từ nhà tư tưởng hàng đầu tới tổng thống rời bỏ đất nước - 1

Tổng thống Ashraf Ghani (Ảnh: Getty).

Tổng thống Ashraf Ghani và một số quan chức cấp cao của Afghanistan đã lên máy bay rời khỏi đất nước, sau khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul và chiếm dinh tổng thống vào ngày 15/8.

Hãng tin Al Jazeera dẫn lời vệ sĩ riêng của tổng thống Afghanistan cho biết ông Ghani đang ở cùng vợ, chánh văn phòng và cố vấn an ninh quốc gia của ông ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan, cách Kabul khoảng 1.100 km về phía bắc.

Tổng thống Ghani cho đến nay vẫn chưa tiết lộ nơi ông đến sau khi rời khỏi Afghanistan. Hiện cũng chưa rõ quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra như thế nào tại nước này, khi các thành viên của lực lượng Taliban tuyên bố muốn nắm quyền tuyệt đối.

Đắc cử lần đầu tiên vào năm 2014, ông Ghani tiếp quản ghế tổng thống từ người tiền nhiệm Hamid Karzai - người đã lãnh đạo Afghanistan sau cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001. Ông Ghani đã giám sát việc Mỹ hoàn tất sứ mệnh chiến đấu của nước này tại Afghanistan, việc rút gần như toàn bộ lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan, cũng như tiến trình hòa bình thất bại với phong trào vũ trang Taliban.

Theo Reuters, ông Ghani coi nỗ lực chấm dứt hàng thập niên chiến tranh tại Afghanistan là ưu tiên hàng đầu, bất chấp việc Taliban liên tục tấn công chính phủ và lực lượng an ninh của chính quyền Afghanistan. Ông Ghani cũng khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban ở thủ đô Doha của Qatar vào năm 2020.

Tuy nhiên, Tổng thống Ghani, người được cho là có tính cách nóng nảy cùng suy nghĩ sâu sắc, chưa bao giờ được Taliban chấp nhận và các cuộc đàm phán hòa bình đạt được rất ít tiến triển.

Các chính phủ nước ngoài thất vọng với tiến độ đàm phán chậm chạp, và kêu gọi thành lập một chính phủ lâm thời để thay thế chính quyền của Tổng thống Ghani.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Ghani đã cố gắng bổ nhiệm một thế hệ mới gồm những người Afghanistan trẻ tuổi, có học thức vào các vị trí lãnh đạo, trong bối cảnh hành lang quyền lực của đất nước bị một số nhân vật tinh hoa và mạng lưới bảo trợ chiếm chỗ.

Ông Ghani cam kết chống lại nạn tham nhũng tràn lan, khắc phục nền kinh tế bị tê liệt và biến Afghanistan thành một trung tâm thương mại khu vực Trung và Nam Á. Tuy nhiên, ông hầu như không thực hiện được lời hứa nào.

Là một nhà nhân chủng học được đào tạo tại Mỹ, ông Ghani nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Columbia ở New York và được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong "100 nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng toàn cầu" vào năm 2010.

Tuy nhiên, con đường tới ghế tổng thống của ông Ghani gặp nhiều chông gai.

Căng thẳng với phương Tây

Ashraf Ghani: Từ nhà tư tưởng hàng đầu tới tổng thống rời bỏ đất nước - 2

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng (Ảnh: PTI).

Ông Ghani không sống ở Afghanistan trong 1/4 thế kỷ, khi nước này trải qua nhiều thập niên biến động với sự hiện diện của Liên Xô, thời kỳ nội chiến và những năm Taliban nắm quyền.

Trong khoảng thời gian đó, ông Ghani làm việc với tư cách là một học giả tại Mỹ, sau đó làm việc tại Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc trên khắp khu vực Đông và Nam Á.

Chỉ vài tháng sau khi Mỹ dẫn đầu lực lượng vào Afghanistan, ông Ghani đã từ bỏ các vị trí của mình ở nước ngoài và trở về Kabul để trở thành cố vấn cấp cao cho Tổng thống mới đắc cử Karzai.

Ông Ghani từng là Bộ trưởng Tài chính Afghanistan vào năm 2002, nhưng sau đó không còn hợp tác với Tổng thống Karzai. Năm 2004, ông Ghani được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Kabul, nơi ông được coi là một nhà cải cách hiệu quả, đồng thời thành lập một nhóm tư vấn có trụ sở tại Washington hoạt động về các chính sách nhằm trao quyền cho một số nước nghèo nhất thế giới.

Năm 2009, ông Ghani tranh cử tổng thống nhưng chỉ đứng ở vị trí thứ 4, giành được khoảng 4% phiếu bầu trên toàn quốc. Sau đó, ông tiếp tục đảm nhiệm các vai trò quan trọng ở Afghanistan, lãnh đạo cơ quan giám sát quá trình chuyển đổi an ninh từ NATO sang Afghanistan. Ông Ghani từng là công dân Mỹ, nhưng đã từ bỏ quốc tịch Mỹ khi tranh cử tổng thống Afghanistan.

Khi ông Karzai không thể tranh cử lần 3 theo quy định của hiến pháp Afghanistan, ông Ghani đã có chiến dịch tranh cử lần thứ 2 thành công vào năm 2014. Ông tái đắc cử vào năm 2019.

Mối quan hệ của Tổng thống Ghani với Mỹ và các nước phương Tây khác chưa bao giờ dễ dàng.

Ông Ghani chỉ trích mạnh mẽ cái gọi là lãng phí viện trợ quốc tế ở Afghanistan và thường không để mắt đến chiến lược của phương Tây đối với Afghanistan, nhất là khi phương Tây tìm cách đẩy nhanh tiến trình hòa bình chậm chạp và nhiều tổn thất với Taliban.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Tổng thống Ghani nói rằng: "Tương lai sẽ do người dân Afghanistan quyết định, không phải do ai đó ngồi sau bàn giấy và mơ mộng".

Theo Sputnik, trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi rời khỏi Afghanistan, Tổng thống Ghani cho biết Taliban "đã giành chiến thắng" bằng "kiếm và khẩu súng", nhưng sẽ không thể chiếm được trái tim của người dân Afghanistan.

"Hôm nay, tôi đã phải đứng trước một lựa chọn khó khăn, rằng tôi nên đối mặt với lực lượng vũ trang Taliban muốn tiến vào dinh tổng thống, hay rời bỏ đất nước thân yêu mà tôi đã dành cả cuộc đời để bảo vệ và chăm sóc trong 20 năm qua", ông Ghani nói.

Tổng thống Ghani, 72 tuổi, cũng nói rằng lý do khiến ông rời đi là vì "tránh đổ máu". Ông Ghani cho biết ông sẽ tiếp tục phụng sự đất nước Afghanistan "thông qua việc đưa ra các ý tưởng và chương trình hành động".