1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Armenia chọn gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế, Nga nói là "sai lầm"

Quốc Đạt

(Dân trí) - Quốc hội Armenia ngày 3/10 phê chuẩn quy chế thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Động thái này vấp phải phản ứng từ Nga vì ICC từng phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin.

Armenia chọn gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế, Nga nói là sai lầm - 1

Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại The Hague, Hà Lan (Ảnh: AP).

Điện Kremlin cho rằng quyết định của Armenia là "sai lầm" và họ sẽ đặt ra câu hỏi đối với "bộ máy lãnh đạo hiện tại" của Armenia.

Trước đó, một phát ngôn viên của Quốc hội Yerevan cho biết 60 đại biểu đã bỏ phiếu thuận phê chuẩn Quy chế Rome của ICC, 22 đại biểu đã bỏ phiếu chống. Quyết định phê chuẩn sẽ có hiệu lực sau 60 ngày.

Quan hệ Nga - Armenia trở nên căng thẳng nghiêm trọng sau khi xung đột Ukraine xảy ra và khi Azerbaijan mở chiến dịch "chống khủng bố" ngày 19/9 ở vùng ly khai Nagorno-Karabakh, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không có bất cứ hành động can thiệp nào nhằm ngăn cản lính Azerbaijan, mà chủ yếu tập trung vào nỗ lực sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh.

Phe ly khai Nagorno-Karabakh ngày 20/9 đầu hàng, chấp nhận giải tán lực lượng.

Gia nhập ICC đồng nghĩa với việc Armenia có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân tới nước này, do tòa án đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga.

"Chúng tôi không muốn Tổng thống phải từ chối các chuyến thăm Armenia vì lý do nào đó", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 3/10.

"Armenia là đồng minh của chúng tôi, một đất nước thân thiện, là đối tác của chúng tôi ... Nhưng đồng thời, chúng tôi sẽ có thêm những câu hỏi dành cho bộ máy lãnh đạo hiện tại của Armenia... Chúng tôi vẫn tin rằng đây là một quyết định sai lầm".

Trong thời gian qua, Moscow ngày càng bày tỏ sự thất vọng với Thủ tướng Nikol Pashinyan, người từng công khai nói rằng chính sách chỉ dựa vào Nga để đảm bảo an ninh của Armenia là một sai lầm. Dưới chính phủ của ông Pashinyan, quân đội Armenia từng thao luyện chung với lực lượng Mỹ.

Armenia cho biết họ đã thảo luận về kế hoạch ICC của mình với Nga sau khi Moscow hồi tháng 3 cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng".

Yerevan cho biết động thái gia nhập ICC nhằm đối phó các vi phạm của Azerbaijan liên quan tới xung đột về vùng Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, quyền tài phán của ICC không có hiệu lực hồi tố.

Theo Reuters