Armenia cảnh báo rời liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, Moscow lên tiếng
(Dân trí) - Nga lên tiếng sau khi Armenia cảnh báo rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Moscow dẫn đầu.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 12/3 cho biết trong cuộc họp báo rằng nước này sẽ rời CSTO nếu liên minh quân sự không giải quyết được những lo ngại về an ninh tập thể của Armenia.
"Nếu CSTO trả lời được câu hỏi về khu vực trách nhiệm của tổ chức này ở Armenia và câu trả lời này phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ coi như vấn đề giữa chúng ta đã được giải quyết. Nếu không, Armenia sẽ rời CSTO", ông Pashinyan nói.
Ngày 13/3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận đã biết về cảnh báo của ông Pashinyan.
"Tất nhiên, Nga đã nghe những tuyên bố này. Rõ ràng là hiện tại có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi cần liên hệ với cả CSTO và với các đồng nghiệp ở Armenia của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm rõ tuyên bố trên", ông Peskov nói.
Những vấn đề liên quan tới CSTO sẽ phải do tổ chức trên xử lý và Nga nói rằng họ không thể đại diện để phát ngôn thay.
Trong khi đó, vào cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng về phát biểu của phía Armenia.
"Chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không đặt câu hỏi về quyền chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào trong việc quyết định chính sách đối ngoại, bao gồm cả mức độ tham gia vào một số tổ chức quốc tế và khu vực phù hợp với lợi ích quốc gia và các nghĩa vụ được đảm nhận. Điều này hoàn toàn áp dụng cho CSTO", bà nhấn mạnh.
"Đồng thời, chúng ta không thể không cảnh giác trước những phát ngôn phản tác dụng, giống như tối hậu thư, vốn phổ biến ngày nay trong các tuyên bố của giới lãnh đạo Armenia về các hoạt động của CSTO", bà Zakharova nói.
Bà cho rằng: "Thật khó hiểu khi một bộ phận giới chức Armenia cố gắng thảo luận một cách có hệ thống các vấn đề về hiệu quả của CSTO bên ngoài tổ chức, trong khi tất cả các cơ chế, thủ tục và cách thức thực hiện việc đó đều có sẵn. Có các kênh tương tác đã được thiết lập. Nhưng Armenia muốn tránh một cuộc đối thoại thực chất giữa các chuyên gia trên nền tảng CSTO theo đúng nghĩa đen. Đồng thời, bản thân tổ chức cũng cởi mở và sẵn sàng cho công việc như vậy".
Nga cáo buộc các quốc gia phương Tây đang gây áp lực lên phía Armenia để "trong nỗ lực làm lung lay khu vực và sử dụng nó như một thành trì chống lại Nga".
"Tuy nhiên, đường hướng hiện tại của Armenia - nếu tiếp tục - cuối cùng có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho mối quan hệ đồng minh của chúng ta, tạo ra rủi ro nghiêm trọng cho chủ quyền của nước cộng hòa, phá hủy các cơ chế hiệu quả hiện có để đảm bảo an ninh đất nước và ảnh hưởng đến triển vọng phát triển kinh tế - xã hội ổn định của đất nước", bà Zakharova cảnh báo.
Bà kết luận: "Như chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng tôi sẵn sàng xây dựng lòng tin và đối thoại bình thường dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau với Armenia về một loạt vấn đề đã được đặt ra, bao gồm cả hợp tác trong CSTO".
Armenia từ lâu đã phụ thuộc vào đồng minh Nga về an ninh. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Armenia đã trở nên xấu đi trong thời gian qua.
Armenia tỏ ra không hài lòng với Nga vì cho rằng Moscow chưa có các động thái đủ mạnh mẽ hỗ trợ đồng minh CSTO trong cuộc xung đột với Azerbaijan ở Nagorno - Karabakh. Đây là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận là thuộc về Azerbaijan nhưng có phần lớn người dân là người gốc Armenia sinh sống.
Sau khi Baku giành lại quyền kiểm soát Nagorno - Karabakh, Yerevan cũng cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không bảo vệ được người gốc Armenia ở vùng đất này. Trong khi đó, Nga khẳng định lực lượng của họ chỉ làm đúng theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan.
Hồi tháng 2, Armenia tuyên bố tạm đình chỉ việc tham gia CSTO, một khối liên minh an ninh gồm 6 thành viên được thành lập sau khi Liên Xô tan rã.
Tuần trước, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan tiết lộ nước này đang xem xét việc đăng ký trở thành thành viên của Liên minh châu Âu, nhằm tăng cường quan hệ với phương Tây. Yerevan cũng yêu cầu các quân nhân gìn giữ hòa bình của Nga đóng quân tại sân bay quốc tế Yerevan kể từ khi đất nước giành độc lập, rời đi.
Vào tháng 2, Armenia cho biết họ nhiều lần bị Moscow làm thất vọng và muốn xây dựng quan hệ gần gũi hơn với phương Tây.