1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Armenia tạm đình chỉ hiệp ước an ninh với đồng minh Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Armenia, quốc gia Liên Xô cũ, thông báo đã tạm đình chỉ tham gia hiệp ước Hiệp Ước An Ninh Tập Thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, giữa lúc căng thẳng giữa 2 nước nóng lên thời gian qua.

Armenia tạm đình chỉ hiệp ước an ninh với đồng minh Nga - 1

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (Ảnh: Sputnik).

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết trên thực tế nước này đã tạm đình chỉ tham gia thỏa thuận an ninh quan trọng với Nga.

Trong bài trả lời phỏng vấn với France 24 được công bố hôm 22/2, ông Pashinyan nói rằng Armenia ngày càng không hài lòng với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một khối liên minh an ninh gồm 6 thành viên được thành lập sau khi Liên Xô tan rã.

Ông Pashiyan giải thích: "Chúng tôi tin rằng, trong trường hợp của Armenia, hiệp ước đã không được thực thi, đặc biệt là vào năm 2021-2022, và điều đó không thể bỏ qua. Chúng tôi đã tạm đình chỉ tham gia vào hiệp ước này. Chúng tôi sẽ xem xét bước đi kế tiếp".

Armenia bắt đầu từ chối tham dự một số sự kiện và cuộc tập trận quân sự của CSTO vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông Pashinyan trước đó từng cho biết Yerevan không có kế hoạch chính thức cắt đứt quan hệ với khối.

Mặt khác, ông kêu gọi khối và lãnh đạo Nga ủng hộ Armenia trong căng thẳng với nước láng giềng Azerbaijan, một quốc gia Liên Xô cũ khác.

Nga chưa bình luận về phát biểu của ông Pashinyan.

Hồi đầu tháng, Thủ tướng Pashinyan cho biết Armenia không còn có thể dựa vào Nga làm đối tác quân sự và quốc phòng chính vì Moscow đã nhiều lần làm nước này thất vọng.

Vì vậy, ông cho rằng, Armenia phải nghĩ đến việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và Pháp.

Armenia từ lâu đã phụ thuộc vào đồng minh Nga về an ninh. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Armenia đã trở nên xấu đi trong thời gian qua.

Armenia tỏ ra không hài lòng với Nga vì cho rằng Moscow chưa có các động thái đủ mạnh mẽ hỗ trợ đồng minh CSTO trong cuộc xung đột với Azerbaijan ở Nagorno - Karabakh. Đây là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận là thuộc về Azerbaijan nhưng có phần lớn người dân là người gốc Armenia sinh sống.

Chính quyền ly khai thân Yerevan đã chính thức bị giải thể vào tháng 9/2023 sau chiến dịch quân sự của Azerbaijan.

Sau khi Baku giành lại quyền kiểm soát Nagorno - Karabakh, Yerevan cũng cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không bảo vệ được người gốc Armenia ở vùng đất này. Trong khi đó, Nga khẳng định lực lượng của họ chỉ làm đúng theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan.

Nga cho rằng chính sách không thành công của Armenia trong việc xử lý các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Caucasus là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Gần đây, Armenia đã chính thức gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) bất chấp Moscow từng cảnh báo đây là động thái "không thân thiện" vì ICC hồi tháng 3/2023 đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì chiến sự ở Ukraine và cáo buộc trục xuất trẻ em bất hợp pháp sang Nga.

Tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Armenia cho biết chính sách chỉ dựa vào Nga để đảm bảo an ninh cho đất nước mình là một "sai lầm chiến lược" vì Moscow đã không thể giữ cam kết và còn đang thu hẹp vai trò trong khu vực.

Armenia trong thời gian qua đã có các động thái xích lại gần hơn với phương Tây, bao gồm cả việc tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ. 

Theo RT