1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Armenia gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế, bất chấp cảnh báo từ Nga

Quốc Đạt

(Dân trí) - Armenia đã chính thức gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), AFP dẫn lời các quan chức. Đây là động thái mà Nga - đồng minh truyền thống của Armenia - từng cảnh báo là "không thân thiện".

Armenia gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế, bất chấp cảnh báo từ Nga - 1

Văn kiện phê chuẩn Quy chế Rome của Armenia được lưu giữ tại Liên Hợp Quốc (Ảnh: Phái đoàn thường trực Armenia tại Liên Hợp Quốc).

"Quy chế Rome của ICC chính thức có hiệu lực đối với Armenia vào ngày 1/2", Yeghishe Kirakosyan, đại diện chính thức của nước này về các vấn đề pháp lý quốc tế, nói với AFP.

Có trụ sở tại Hà Lan, ICC hồi tháng 3/2023 đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì chiến sự ở Ukraine và cáo buộc trục xuất trẻ em bất hợp pháp sang Nga.

Yerevan hiện có nghĩa vụ bắt giữ nhà lãnh đạo Nga nếu ông đặt chân lên lãnh thổ nước này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng 10/2023 từng gọi việc Armenia phê chuẩn Quy chế Rome thành lập ICC là "quyết định sai lầm". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là "bước đi không thân thiện".

Các nước phương Tây hoan nghênh động thái gia nhập ICC của Armenia, đánh dấu việc mở rộng quyền tài phán của tòa án này sang quốc gia từ lâu vẫn được coi là đồng minh của Nga.

Armenia là nơi đặt căn cứ quân sự thường trực của Nga và là một phần của liên minh quân sự do Moscow dẫn đầu, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan có động thái xoa dịu những lo ngại của Điện Kremlin, nói rằng quyết định này không nhằm vào Nga.

Ông Kirakosyan cũng nói: "Việc gia nhập ICC mang lại cho Armenia những công cụ quan trọng để ngăn chặn tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trên lãnh thổ của mình".

Ông Kirakosyan chỉ ra rằng điều này trước hết liên quan đến Azerbaijan, quốc gia có mâu thuẫn gay gắt với Armenia.

Nhưng động thái của Armenia cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa Moscow và Yerevan trong thời gian qua. Armenia đã tỏ thái độ không bằng lòng khi Nga không có hành động hỗ trợ nước này trong cuộc đối đầu với Azerbaijan.

Hồi tháng 9/2023, lực lượng Azerbaijan đã tràn vào khu vực Nagorno-Karabakh từng có nhiều người gốc Armenia sinh sống và gây sức ép buộc lực lượng ly khai thân Yerevan ở đây đầu hàng.

Theo AFP