Ariel Sharon – Một chiến binh cô đơn (1)
(Dân trí) - Sharon đã dành phần lớn cuộc đời mình cho những cuộc truy đuổi kẻ thù của Israel. Nhưng cuối cùng ông lại trở thành hi vọng duy nhất cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Vậy con đường đó đã diễn ra như thế nào?
Hai hình ảnh trái ngược
Trong mắt những người gièm pha, Ariel Sharon dường như luôn là một kẻ cuồng tín. Chính ông là người đã thuyết phục Thủ tướng Menachem Begin xâm lược Li-băng năm 1982, cuộc chiến đã phải trả một cái giá đắt. Và chính ông năm 2000 đã khăng khăng đến thăm đền Mount, một thánh địa của người Hồi giáo ở Jerusalem, để làm dấy lên phong trào nổi dậy intifadeh thứ hai.
Khi làm Bộ trưởng Ngoại giao, ông đã từ chối bắt tay Tổng thống Palestine Yasser Arafat tại Hội nghị hòa bình Wye năm 1998. Cuối cùng, Sharon đã khiến Arafat gần như bị cầm tù những năm cuối đời trong văn phòng ở Ramallah. Arafat không thể ra ngoài thế giới để phát triển sự nghiệp của người Palestine.
Đó là một Ariel Sharon cuồng tín cánh hữu. Nhưng trong một vài năm trở lại đây, ông nổi lên với một hình ảnh khác hẳn: tái sinh trở thành người kiến tạo hòa bình. Khi đã đạt được giấc mộng trở thành Thủ tướng Israel vào năm 2001 ở độ tuổi 73, Sharon "hóa thân" thành nhân vật duy nhất có thể hòa giải mối xung đột giữa Israel và Palestine.
Khẩu hiệu của ông là: “Chỉ có Sharon mới có thể đem lại hòa bình.” Người trong và ngoài Israel bắt đầu tin vào điều đó, sau khi người đàn ông từng lên kế hoạch và ủng hộ các khu định cư Israel trên Dải Gaza đã ra lệnh triệt thoái khỏi đây hồi tháng 8 vừa qua. Ông đã cho binh lính Israel rút quân và chuyển giao toàn bộ Dải Gaza cho người Palestine tự trị. Nhiều tuần trước khi bị đột quỵ, đã có tin đồn rằng Sharon còn đang chuẩn bị một kế hoạch rút hoàn toàn khỏi Bờ Tây.
Người không của khuôn mẫu
Vẻ ngoài ngoại cỡ của Sharon cũng được chú ý đến nhiều. Có lúc, cơ quan tình báo Mỹ còn theo dõi cân nặng của Sharon để phỏng đoán hành động của ông. Họ dựa trên lý thuyết ông càng ăn nhiều, thì hành động càng liều lĩnh! Xét về chính trị, Sharon cũng thừa biết rằng ông bị coi như kẻ “dùng Ảrập làm bữa sáng”.
|
Tuy nhiên, Sharon không bao giờ chịu ở trong những khuôn mẫu đã đúc sẵn dành cho mình. Ông không bao giờ là một nhà lí luận cánh hữu tàn nhẫn, hay trong những năm gần đây, cũng không phải là một người hiến thân cho tiến trình hòa bình.
Về mặt chính trị, ông được biết đến là người đồng sáng lập ra đảng diều hâu Likud, nhưng cũng là thành viên của 4 đảng khác, trong đó có cả tiền thân của Đảng Lao động cánh tả.
Việc rút quân của Israel ra khỏi Dải Gaza mang lại nhiều lợi ích cho tiến trình hòa bình. Mặc dù, đấy có thể không phải là lý do thực sự của Sharon. Những người thân cận của Sharon cho biết ông từ bỏ Gaza, một vùng đất bụi cát và dơ dáy, ít người Israel cảm thấy gắn bó, để nâng cao hình ảnh mình trên thế giới. Mục đích cũng là để củng cố thêm quyền lực của Israel trên những khu định cư màu mỡ hơn ở Bờ Tây.
Có thông báo gần đây còn cho biết Sharon đã đơn phương chuẩn bị vạch một đường biên giới ở Bờ Tây giữa Israel với vùng đất có thể trở thành một nhà nước Palestine. Đây là một ý tưởng hay, nhưng không nằm trong tiến trình hòa bình, một tiến trình cần phải có sự đồng thuận giữa đôi bên.
Quan điểm của ông đối với vấn đề Palestine giống như việc thoát khỏi một cuộc hôn nhân lục đục. Nó đơn giản như câu nói: “Tôi ly dị anh” và phân chia tài sản.
(Còn tiếp)
PVTT
Theo Time