1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ariel Sharon - Một chiến binh cô đơn (2)

(Dân trí) - Niềm tin sắt đá - Đó chính là nhân tố tạo nên một chính trị gia Sharon kiên trì và nhẫn nại. Bất kể làm gì, Sharon cũng cống hiến, chiến đấu hết mình cho nó. Chính vì vậy ông đã trở thành một trong những vị tướng chỉ huy vĩ đại nhất trong lịch sử Israel.

Người có niềm tin sắt đá

  

Thậm chí nhiều đồng nghiệp còn coi ông là vị tướng vĩ đại nhất. Niềm tin đã khiến ông xây dựng những khu định cư giữa sự sỉ nhục của cộng đồng quốc tế. Và cũng chính niềm tin đã thúc giục ông không chỉ triệt thoái khỏi Gaza, mà 23 năm trước, còn phá hủy những khu định cư ở bán đảo Sinai của Ai Cập. Năm 1979 đó, ông còn dùng vòi nước để buộc những người Israel rút khỏi Sinai, đặt Israel vào một hiệp ước hòa bình với người Ai Cập.

 

Sharon yêu quân đội. Ông viết trong cuốn tự truyện của mình rằng chính ở trong tình bạn với quân đội mà lần đầu tiên ông được biết tình cảm gia đình là như thế nào, tình cảm mà ông đã bị thiếu hụt khi còn nhỏ.

 

Sharon lớn lên ở Kfar Malal, một khu trang trại. Ở đây, người ta chung nhau các thiết bị, công cụ lao động chính. Trong khu trang trại, cha mẹ ông bị tẩy chay. Vì vậy cuộc sống rất khó khăn. Tài sản của họ chỉ là căn nhà 3 phòng làm từ bùn đất và phân.

 

Năm 13 tuổi, hằng đêm ông cùng những người lớn trong trang trại mang gậy gộc và dao găm gác các cánh đồng, để những người Ảrập sống gần đó không phá phách. “Họ không sợ gì hết,” – ông đã đánh giá như vậy đối với những người ở trang trại. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã noi theo đức tính đó. Ông tôn trọng quan điểm của họ về những người Ảrập địa phương: những người Ảrập có thể sống ở đây, nhưng phải dưới sự kiểm soát của chúng ta.

 

Con đường của một chiến binh cô đơn

 

Sharon thường được mọi người gọi là Arik. Khi tham gia vào Haganah, lực lượng dân quân Do Thái ở vùng đất Palestine do Anh cai quản, ông mới 14 tuổi. Sáu năm sau, ông tham gia chiến đấu trong cuộc chiến Ảrập – Israel năm 1948. Cuộc chiến nổ ra khi Israel tuyên bố độc lập. Ông đã đóng vai trò quan trong trong mọi cuộc chiến của Israel. Năm 1967, Sharon đã chỉ huy một trong ba đơn vị giành bán đảo Sinai từ Ai Cập.

 

Nơi nào Sharon tham chiến, nơi đó thường có sự tranh cãi. Năm 1953, là người chỉ huy Đội 101, đội đặc công đầu tiên của Israel, ông được giao nhiệm vụ trả thù cho cái chết của một phụ nữ Israel và hai con nhỏ của cô. Họ đã bị những người xâm nhập Palestine ở làng Qibya trên Bờ Tây giết hại. Theo lệnh, lực lượng của Sharon phá hủy hàng chục tòa nhà Qibya, giết chết 69 dân làng. Sau vụ này, Israel bị Liên Hợp Quốc chỉ trích kịch liệt.

 

Sau cuộc chiến năm 1967, Sharon còn bị buộc tội đã thanh lọc những chiến binh Palestine ra khỏi vùng đất Israel chiếm đóng trên Dải Gaza. Thực sự, ông đã thẳng tay đàn áp họ. Và cũng chính Sharon là người thúc giục Thủ tướng Begin đánh bom các căn cứ hạt nhân của Iraq vào năm 1981. Hành động này trong thời điểm hiện nay được ca ngợi, nhưng lại bị lên án mạnh mẽ vào thời điểm đó.

 

Cuộc chiến gây chia rẽ nhất thường được đặt dưới "gót giày" của Sharon: xâm lược  Li-băng năm 1982, năm ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Sau khi lực lượng  Phalangist thân Israel sát hại 800 đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong trại tị nạn Palestine ở Sabra và Shatila, cơ quan điều tra Israel kết luận: Sharon phải chịu trách nhiệm “trực tiếp”. Ông buộc phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

 

Ẩn dưới dáng vẻ vụng về, là một Sharon vui vẻ. Ở nhà, ông là người chồng biết chia sẻ. Ông đã ở bên người vợ Lily của mình cho đến ngày bà qua đời vào tháng 3/2000. Ngoài ra, Sharon còn là một chủ nhà  hiếu khách và chu đáo. Với mỗi vị khách đến thăm, Sharon đều năn nỉ: “Ăn thêm bánh, uống thêm nước chanh nữa nhé.”

 

Tại các cuộc đàm phám hòa bình mùa hè năm 2000, Thủ tướng Đảng Lao động Ehud Barak gợi ý trao cho Arafat một nhà nước Palestine ở Dải Gaza và một phần Bờ Tây, bao gồm cả một phần ở Đông Jerusalem. Nhưng Arafat đã từ chối. Để phản đối quyết định phân chia Jerusalem của Barak, Sharon cùng hàng chục cảnh sát Israel, bất ngờ đến thăm thánh địa mà người Do Thái gọi là đền Mount. Và chuyến viếng thăm đã kích động bạo lực cùng phản ứng của người Israel, làm nổ ra phong trào intifadeh lần thứ hai. Cuộc xung đột cướp đi sinh mạng của 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel.

 

Sharon luôn luôn phản đối Hiệp ước hòa bình Oslo. Ông cho rằng Arafat sẽ sử dụng quyền tự trị để phát động một cuộc chiến chống Israel. Khi dân chúng Palestine hành hình hai binh lính Israel, và khi những kẻ trùm đầu Palestine bắn vào nhà người Israel, thì quan điểm trên của Sharon ngày càng được nhiều người ủng hộ.

 

Và năm 2001, họ đã đưa ông lên nắm quyền. Trong năm đầu tiên, Sharon khá kiềm chế. Mặc dù cứng rắn, nhưng ông luôn điều chỉnh thái độ của mình để tránh làm người Mỹ "phiền lòng".

 

Sau sự kiện 11/9, chính quyền Bush đã xích lại gần hơn với quan điểm không khoan nhượng của Sharon đối với những kẻ khủng bố Palestine. Vì vậy, khi một kẻ đánh bom giết hại 30 người tại một khách sạn Netanya trong ngày lễ kỷ niệm của người Do Thái năm 2002, Sharon đã nổi giận. Ông cho quân tái xâm chiếm các thành phố ở Bờ Tây, rồi tiến hành xây dựng bức tường gây tranh cãi, cắt ngang Bờ Tây, chặn người Palestine.

 

Năm 2004, Sharon đã ra lệnh ám sát thủ lĩnh Hamas Sheik Ahmed Yassin, và sau đó, một thủ lĩnh khác của nhóm này, Abdel Aziz Rantisi. Đây được coi như là một hành động khiêu khích. Song cuối cùng, ông đã thu được kết quả: phong trào intifadeh không bao giờ được sống dậy như những ngày đầu nữa, người Israel đã lấy lại được cảm giác an toàn. Sharon đã thành công trong một “dự án” mà nhiều chuyên gia đánh giá là bất khả thi: dùng quân đội để tìm lời giải đáp cho chủ nghĩa khủng bố.

 

Sharon được bầu, và tái cử năm 2003 vì tính “hung hăng” chứ không phải tầm nhìn của mình. Ông đã bơi giữa dòng nước với nhiều hệ tư tưởng chính trị, nhưng không cái nào trong số đó tìm ra được hướng giải quyết đối với vấn đề Palestine. Và trong những năm cuối cùng của thời kỳ hoàng kim làm thủ tướng, Sharon dường như đã tiến tới rất gần hệ tư tưởng của riêng mình.

 

Trong khi các thành viên đảng Likud vẫn theo đường lối cứng rắn cũ, vẫn tin rằng Israel bằng cách nào đó có thể nắm giữ được toàn bộ các vùng đất, Sharon bắt đầu ủng hộ quan điểm của đảng Lao động. Bởi Israel không thể nào thống trị được hàng triệu người Ảrập. Israel vẫn là một chế độ dân chủ với phần đông là người Do Thái. Nhưng cố gắng đàm phán để chia đất với người Palestine của đảng Lao động đã đổ bể. Sharon phải tìm một con đường thứ ba: vạch một đường cho riêng mình và chờ đợi.

 

Nếu những người kế nhiệm trong đảng mới Kadima của Sharon có cơ hội thử sức, thì thành công của con đường mới đó sẽ tạo nên một di sản chính trị có một không hai cho Sharon. Nếu không, Sharon sẽ chỉ là một chiến binh cô đơn.

 

PVTT

Theo Time