1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Anh bất ngờ lên tiếng cứng rắn quanh vụ Philippines kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò"

(Dân trí) - Anh ngày 18/4 nói rằng một phán quyết sắp tới của tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc về cái gọi là “đường lưỡi bò” phải có tính ràng buộc.


Trung Quốc ồ ạt xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa (Ảnh: AMTI)

Trung Quốc ồ ạt xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa (Ảnh: AMTI)

Theo Reuters, ông Hugo Swire, Quốc vụ khanh phụ trách Đông Á của Bộ Ngoại giao Anh, cho hay London xem phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan là cơ hội để Trung Quốc và Philippines tái khởi động đối thoại về các tranh chấp lãnh thổ.

Theo ông Swire, mặc dù quan hệ giữa Anh với Trung Quốc đã ấm lên và Anh mong muốn thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc nhưng điều này không có nghĩa là “chúng tôi xem nhẹ các hiểu biết quan trọng về các vụ lạm dụng nhân quyền của Bắc Kinh hay sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông”.

“Chúng tôi phải làm rõ với Trung Quốc rằng chúng tôi chỉ có thể thực hiện những điều này theo cách thức công khai và minh bạch theo hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế”, ông Swire phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington.

“Theo hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế mà thế giới tuân thủ, chúng tôi hi vọng phán quyết từ La Hay sẽ được tất cả các bên liên quan tuân thủ, và chúng tôi ủng hộ các nước khác, trong đó có Mỹ, dù phán quyết có thế nào”, quan chức Anh nhấn mạnh.

Hồi tháng 1/2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở La Hay, Hà Lan về các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, tòa tuyên bố có quyền phân xử về vụ kiện.

PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Trung Quốc đã từ chối công nhận vụ kiện và khăng khăng rằng tất cả các tranh chấp nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán song phương.

Hồi tháng 2, Mỹ và Liên minh châu Âu, mà Anh là thành viên, đã cảnh báo Trung Quốc rằng nước này nên tuân thủ phán quyết của PCA, dù tòa này không có quyền bắt buộc tuân thủ và phán quyết của tòa cũng từng bị phớt lờ trước đó.

Washington đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể dùng phán quyết bất lợi của PCA để làm cái cớ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, một động thái đòi hỏi các bên phải thông báo khi đi qua không phận một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới.

Ông Swire cho hay Anh coi tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là “vấn đề hoàn toàn không thể thương lượng”.

Những bình luận trên của ông Swire được xem là những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông.

Anh đã ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc và đã đón Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 10 năm ngoái, dẫn tới những chỉ trích rằng London đặt lợi ích kinh tế trên các vấn đề nhân quyền và lợi ích an ninh.

London cũng là Mỹ “phật lòng” khi trở thành quốc gia không phải châu Á đầu tiên và cũng là thành viên đầu tiên trong nhóm G7 tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, vốn bị Mỹ xem là một đối thủ “khó chịu” đối với các tổ chức do phương Tây đứng đầu, như Ngân hàng Thế giới (WB).

An Bình