1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ tính đưa dàn UAV tấn công kiểu "bầy đàn" tới gần biên giới Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Ấn Độ dự kiến triển khai đội máy bay không người lái (UAV) tấn công kiểu "bầy đàn" tới gần biên giới Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ấn Độ tính đưa dàn UAV tấn công kiểu bầy đàn tới gần biên giới Trung Quốc - 1

Tác chiến UAV kiểu "bầy đàn" được xem là xu thế mới trong tương lai (Ảnh minh họa: UK Defence Journal).

Sputnik đưa tin, quân đội Ấn Độ đã vạch ra kế hoạch triển khai UAV tấn công kiểu "bầy đàn" ở khu vực biên giới Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm "phát hiện các hoạt động trên bộ của đối phương và nhắm mục tiêu vào các lực lượng mặt đất của đối thủ, bao gồm quân đội, phương tiện, các liên kết chỉ huy và kiểm soát".

Các UAV này sẽ được đưa tới khu vực giáp ranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Himalaya.

Máy bay không người lái bầy đàn là một nhóm UAV tác chiến cùng với lực lượng mặt đất, nhằm mang lại khả năng cơ động trên không trong các nhiệm vụ tấn công và phòng thủ.

Tác chiến dùng UAV tấn công "bầy đàn" được xem là một trong những chiến thuật tác chiến mới trong tương lai. Trong nhiều trường hợp, các UAV chỉ sở hữu kích thước nhỏ, nhưng lại được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như hệ thống trinh sát, tác chiến điện tử hoặc thậm chí mang theo thuốc nổ để biến thành UAV "cảm tử".

Một nhóm máy bay không người lái số lượng lớn lao vào mục tiêu có thể làm rối loạn lá chắn phòng không và gây ra sức sát thương lớn trong khi giá thành của chúng không cao. UAV "bầy đàn" được xem là một trong những thách thức lớn và đặc biệt của tác chiến hiện đại.

Lực lượng UAV bầy đàn của Ấn Độ có thể tấn công mục tiêu hoặc phát hiện sự di chuyển của đối thủ ở khoảng cách tối đa 50 km. Quân đội Ấn Độ cho biết, các máy bay này sẽ có thể hoạt động được tối thiểu 2 giờ trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C ở Himalaya.

Ấn Độ cho biết, các UAV bầy đàn sẽ hỗ trợ cho hoạt động giám sát dưới mặt đất để phát hiện những hoạt động của đối thủ tại độ cao hơn 4.500 m so với mặt biển.

Trước đó, Ấn Độ đã sử dụng các hệ thống phòng không mới nhằm chống lại các mối đe dọa trên không từ phía đối thủ ở khu vực giáp với Trung Quốc.

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ nóng lên từ giữa năm ngoái, sau vụ đụng độ chết người ở tại khu vực Himalaya - nơi 2 bên đều tuyên bố chủ quyền.

Ít nhất 24 người ở 2 bên đã thiệt mạng trong vụ đụng độ. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm xảy ra một vụ đụng độ gây chết người ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ.

Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm "nóng".

Theo Sputnik, hai bên đã đưa tới khu vực biên giới ở Ladakh thêm 500.000 quân, vũ khí hiện đại và tên lửa. Hiện thời các cuộc đàm phán cấp lãnh đạo quân sự giữa 2 nước vẫn chưa đạt được bước tiến cụ thể, dù 2 bên đã rút bớt lực lượng ở một số điểm nóng.

Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh tấn công gần Đường kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc (LAC). Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Tướng Manoj Mukund Naravane, đã tuyên bố sẽ đối phó với hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai quân sự của Trung Quốc với sức mạnh tương đương.