Ấn Độ sẵn sàng "chìa tay ra" với Mỹ nhưng vẫn dè chừng Trung Quốc
Dù sẵn sàng “chìa tay ra” với Mỹ để thúc đẩy hợp tác quân sự, Ấn Độ vẫn không tránh khỏi việc phải dè chừng “người láng giềng” Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 10/4 đã bắt đầu chuyến công du 3 ngày tới Ấn Độ nhằm cải thiện mối quan hệ quốc phòng với quốc gia mà Mỹ coi là có thể đối trọng với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Việc đây đã là chuyến thăm Ấn Độ thứ 2 của ông Carter chỉ trong vòng 1 năm cũng như việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bắt đầu chuyến công du đến Goa- quê hương của người đồng cấp nước chủ nhà Manohar Parrikar cho thấy Mỹ rất coi trọng việc hợp tác với Ấn Độ.
“Tiến thoái lưỡng nan” với láng giềng Trung Quốc
Đối với Ấn Độ, việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ sẽ tạo điều kiện cho nước này có thể tiếp cận những công nghệ hàng đầu trên thế giới. Bản thân Ấn Độ cũng đang phải cảnh giác trước tham vọng của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, từ trước đến nay Ấn Độ vẫn thường không muốn trở nên “quá thân thiết” với bất kỳ nước nào.
“Ấn Độ rất miễn cưỡng trước khả năng bị coi là quá thân với Mỹ, tuy nhiên, Lầu Năm Góc lại rất quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ này”, ông Shane Mason, nhà nghiên cứu tại Viện Stimson ở Washington nhận định.
Điều này được thể hiện bằng sáng kiến của ông Carter vào năm ngoái khi ông thiết lập một đơn vị đặc biệt thuộc Lầu Năm Góc để thúc đẩy mối quan hệ với Ấn Độ.
Giới chức quân đội Mỹ cũng nêu rõ mong muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ, đặc biệt là nhằm đối phó với những động thái ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.
Tháng trước, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố, Mỹ muốn mở rộng quy mô các cuộc tập trận Hải quân thường niên mà nước này tiến hành cùng với Ấn Độ thành các cuộc tập trận chung với các quốc gia trên khắp châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Ấn Độ - quốc gia chưa hề tham gia bất kỳ cuộc tập trận chung nào với các nước khác - tuyên bố, họ không có kế hoạch làm điều này.
Một quan chức Mỹ chia sẻ: “Ấn Độ phải rất thận trọng bởi họ hiểu nước láng giềng của họ là ai. Từ lâu, Ấn Độ luôn duy trì chính sách hợp tác song phương bền chặt với Trung Quốc”.
Hợp tác với Mỹ nhưng “chỉ ở mức giới hạn”
Hiện Ấn Độ đang muốn hiện đại hóa lực lượng Không quân đã lỗi thời của mình. Tuần trước, hai hãng Lockheed Martin và Boeing của Mỹ đã “mời chào” Bộ Quốc phòng Ấn Độ những mẫu chiến đấu cơ do hai hãng này chế tạo.
Trong thông cáo của mình, Boeing cho biết, hãng đã đàm phán với Ấn Độ về khả năng sẽ chế tạo các chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet cho Ấn Độ.
Trong khi đó, người phát ngôn hãng Lockheed Martin cũng cho biết, đại diện của hãng đã tham gia cuộc đối thoại giữa Mỹ và Ấn Độ về khả năng Ấn Độ mua máy bay quân sự của Mỹ.
Theo đó, Mỹ và Ấn Độ đang đàm phán về yêu cầu mua 40 chiếc máy bay trinh sát không người lái Predator của Ấn Độ. Đây được cho là bước đi đầu tiên của Ấn Độ nhằm hướng tới việc mua phiên bản có trang bị vũ khí của loại máy bay này.
Tuy nhiên, Ấn Độ luôn dè dặt trước khả năng thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng với Mỹ ở mức sâu hơn. Suốt 10 năm qua, Ấn Độ luôn tìm cách từ chối không ký vào những “thỏa thuận quốc phòng mang tính nền tảng” với Mỹ.
Ấn Độ lo ngại rằng, các thỏa thuận này, đặc biệt là Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần (LSA), trong đó cho phép quân đội hai bên có thể tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau, có thể đẩy Ấn Độ vào thế trở thành “đồng minh không chính thức” của Mỹ.
Chờ đợi sự đột phá từ ông Carter
Mặc dù vậy, trước thềm chuyến thăm của ông Carter, một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết, hai bên đều đã sẵn sàng thông qua thỏa thuận LSA.
“Đó là những thỏa thuận khiến Ấn Độ lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, ông Benjamin Schwartz, cựu Giám đốc phụ trách Ấn Độ tại Lầu Năm Góc cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Schwartz, việc ký vào các thỏa thuận nói trên “cho thấy Chính phủ Ấn Độ đã rất sẵn sàng hợp tác với Mỹ dù điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chịu “nhiều sức ép về chính trị”./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN