Ấn Độ đàm phán mua 40 máy bay “Quái vật ăn thịt” của Mỹ
(Dân trí) - Ấn Độ đang đàm phán với Mỹ để mua 40 máy bay do thám không người Predator (Quái vật ăn thịt), một bước đi đầu tiên nhằm tiến tới việc sở hữu phiên bản được trang bị vũ khí của máy bay này và là một động thái có thể khiến các láng giềng, trong đó có Trung Quốc, nổi giận.
Ấn Độ đang cố gắng để trang bị thêm cho quân đội các công nghệ không người lái để thu thập thông tin tình báo cũng như tăng cường hỏa lực dọc các khu biên giới rộng lớn với Trung Quốc và Pakistan. Ấn Độ cũng muốn tăng cường giám sát Ấn Độ Dương.
New Delhi đã sở hữu các máy bay không người lái của Israel để giám sát vùng núi Kashmir, một khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, 2 quốc gia Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân, và là nguyên nhân khiến hai nước lâm vào 3 cuộc chiến.
Trong bối cảnh Mỹ-Ấn tăng cường quan hệ quốc phòng, mà Washington xem New Delhi là một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ đã đề nghị Washington cung cấp một loạt máy bay không người lái Predator do General Atomics chế tạo, giới chức quân sự cho hay.
“Chúng tôi biết mối quan tâm của Hải quân Ấn Độ về máy bay Predator. Tuy nhiên, đó là một cuộc thảo luận giữa hai chính phủ”, Vivek Lall, một quan chức của General Atomics, cho hay.
Cuối năm ngoái, chính phủ Mỹ đã chấp thuận đề nghị của General Atomics nhằm bán các máy bay Predator XP không trang bị vũ khí tại Ấn Độ. Hiện chưa rõ khi nào việc bàn giao các máy bay diễn ra.
Hải quân Ấn Độ muốn mua các Predator phục vụ việc trinh sát ở Ấn Độ Dương, nơi chúng có thể hoạt động liên tục 35 giờ, trong bối cảnh hải quân Trung Quốc mở rộng các cuộc tuần tra bằng tàu nổi và tàu ngầm trong khu vực.
Các động thái của Ấn Độ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng trước đây cũng từng gây phản ứng giận dữ từ Pakistan, nơi chính phủ và quân đội lo ngại về sự tụt hậu so với New Delhi trong cuộc đua vũ trang. Hiện Pakistan chưa có bình luận gì về các thông tin trên.
Ngoài ra, Không quân Ấn Độ còn đề nghị Washington về việc mua khoảng 100 máy bay Predator C Avenger có trang bị vũ khí, mà Mỹ sử dụng để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo tại tây bắc Pakistan và nước láng giềng Afghanistan.
Tuy nhiên, đề nghị trên cần nhận được sự ủng hộ của nhóm Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) gồm 34 quốc gia, cũng như sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ trước bất kỳ cuộc bàn giao máy bay Predator nào.
An Bình