1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ấn Độ ra điều kiện với Trung Quốc: Tiến vào trước thì rút lui trước

Ấn Độ giữ nguyên lập trường cho rằng, Trung Quốc là bên đã gây ra tình trạng căng thẳng, do đó phải có các bước đi đầu tiên để thực hiện việc rút quân.

Các chỉ huy quân đội cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ hôm qua (21/9) đã có cuộc đàm phán đầu tiên tại khu vực Moldo, do Trung Quốc kiểm soát tại Đường kiểm soát thực tế (LAC), trong một nỗ lực mới nhằm tháo gỡ tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tháng giữa hai bên.

Ấn Độ ra điều kiện với Trung Quốc: Tiến vào trước thì rút lui trước - 1

Binh sỹ Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới giữa hai nước. Ảnh: PTI

Ấn Độ muốn gửi thông điệp đến Trung Quốc

Phái đoàn đàm phán của Ấn Độ do Trung tướng Harinder Singh thuộc Quân đoàn 14, đóng tại thị trấn Leh, thuộc khu vực Ladakh làm trưởng đoàn. Ngoài ra, còn có sự tham gia của ông Naveen Srivastava - một quan chức trong Bộ Ngoại giao. Cuộc đàm phán bắt đầu vào lúc 9h sáng ngày 21/9 và kéo dài trong ít nhất 8 tiếng đồng hồ. New Dehli giữ nguyên lập trường cho rằng Trung Quốc là bên đã gây ra tình trạng căng thẳng và do đó phải có các bước đi đầu tiên để thực hiện việc rút quân .

Cuộc đàm phán này diễn ra hơn một tuần sau cuộc hội đàm giữa các Ngoại trưởng hai nước ở Moscow, Nga. Tại Moscow, hai bên đã đạt được một thỏa thuận 5 điểm, trong đó có điều khoản nhanh chóng rút quân và giảm căng thẳng dọc theo Đường Kiểm soát thực tế kéo dài 3.488km phân cách hai quốc gia.

Các chuyên gia cho biết, cuộc đàm phán ngày 21/9 đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng bế tắc tại biên giới kéo dài suốt 5 tháng qua giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngoài ra còn một yếu tố khác chi phối, đó là các binh sỹ hai nước sắp phải đối mặt với mùa đông lạnh giá tại khu vực Ladakh, nằm trên dãy Himalaya, với nhiệt độ có thể xuống mức thấp nhất -60 độ C. Thất bại trong việc giải quyết tình trạng bế tắc, đồng nghĩa với việc hai bên phải triển khai hàng nghìn binh sỹ tại các chốt tiền tiêu trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Đây là lần đầu tiên các chỉ huy quân đội cấp cao của Ấn Độ và Trung Quốc gặp mặt kể từ cuộc hội đàm kéo dài 10 giờ đồng hồ tại khu vực Moldo vào ngày 2/8. Kể từ đầu tháng 8, quân đội hai phía đã có ít nhất hai cuộc đụng độ, thậm chí cáo buộc nhau nổ súng cảnh báo trước, phá vỡ thỏa thuận kéo dài về việc không sử dụng súng hoặc thiết bị nổ trong phạm vi 2km của LAC. Trước đó, các binh sỹ hai nước đã đụng độ tại Chushul, gần nơi diễn ra cuộc đàm phán.

Ông Sameer Patil, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế tại Gateway House có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ) nhận định, New Dehli muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc thông qua cuộc đàm phán ngoại giao-quân sự lần này.

“Ấn Độ muốn gửi đến Trung Quốc thông điệp rằng, nước này vẫn mong muốn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề tranh chấp”, ông Sameer Patil nói.

Ông Vinod Bhatia - cựu giám đốc phụ trách các hoạt động quân sự chung và là trung tướng đã về hưu của Ấn Độ đánh giá, cuộc đàm phán đóng vai trò quan trọng đối với thỏa thuận mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar đạt được trong cuộc hội đàm tại Moscow.

Ông Bhatia nói: “Các tướng lĩnh quân đội của hai bên sẽ phải tìm ra cách thức chuyển sự đồng thuận về chính trị thành hành động trên thực tiễn. Những cuộc đàm phán như thế này nhằm mục đích vạch rõ phương thức và chi tiết của việc rút quân, chẳng hạn như quy định địa điểm, thời gian và số lượng binh sỹ cần rút”.

Theo các quan chức Ấn Độ, phái đoàn nước này sẽ khẳng định lập trường của chính phủ Ấn Độ về “hiện trạng xung đột”, trong đó yêu cầu quân đội Trung Quốc phải rút lui về các tiền đồn của họ như hồi tháng 4/2020, trước khi các cuộc đụng độ xảy ra.

 “Tiến vào trước thì rút lui trước”

Ngoài ra, New Dehli cũng giữ nguyên quan điểm về việc Bắc Kinh phải thực hiện những bước đi đầu tiên để tiến hành rút quân, như một phần của chính sách “tiến vào trước thì rút lui trước”. Nói cách khác, Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc là bên “khởi xướng” tình trạng xung đột, vì thế nước này phải thực hiện việc rút quân trước.

Lập trường đó cũng được nhắc đến trong cuộc họp của Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc cấp cao hồi tuần trước do Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh chủ trì. Cuộc họp có sự tham gia của cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval và 3 tướng lĩnh cấp cao của quân đội. Cuộc họp dù không đưa ra tuyên bố chính thức nhưng đã có những “đánh giá toàn diện” về tình hình dọc theo LAC.

Chuyên gia Patil nhận xét, kết quả của cuộc đàm phán Trung-Ấn sẽ phụ thuộc vào lập trường của các chỉ huy Quân đội Trung Quốc.

“Ấn Độ đã ra điều kiện với Trung Quốc rằng, trước tiên họ phải rút quân khỏi các lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng. Nếu phía Trung Quốc không làm điều đó, sự thất vọng sẽ gia tăng", ông Patil nói.

Theo các nguồn tin ngoại giao, sau cuộc hội đàm tại Moldo, sẽ là cuộc họp Cơ chế Làm việc về tham vấn và điều phối các vấn đề biên giới song phương (WMCC), nhằm đảm bảo giữ vững sự tiếp xúc và liên lạc giữa hai bên bất chấp tình trạng xung đột biên giới kéo dài 7 thập kỷ.

Các chuyên gia cho biết, một trong những lý do khiến hai bên nhanh chóng xúc tiến cuộc họp WMCC là để giải quyết vấn đề hậu cần trong mùa đông tại khu vực có địa hình hiểm trở và phức tạp. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều phải đảm bảo quân đội của họ tại các chốt tiền tiêu và tại các căn cứ được trang bị đầy đủ để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

Truyền thông Ấn Độ cho biết, nhà chức trách nước này đang nỗ lực cung cấp nhiên liệu cùng các nguyên vật liệu thiết yếu để đảm bảo các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới. Giới chức Ấn Độ cũng lo ngại khả năng hạn chế kết nối giữa tuyến đường bộ với nhiều khu vực tại Ladakh trong trường hợp có tuyết rơi dày. Dự kiến vào tháng 10, Ấn Độ sẽ khánh thành tuyến đường hầm Atal Rohtang, dài 9km, nhằm cắt giảm thời gian đi lại giữa khu vực Leh và Manali -một thị trấn ở phía nam Ladakh.

Hiện, tại cả Ấn Độ và Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường khả năng hậu cần khi mùa đông cận kề. Tuần trước, Thiếu tướng Arvind Kapoor, Tham mưu trưởng Quân đoàn 14 thuộc quân đội Ấn Độ, đóng tại Ladakh nêu rõ quân đội nước này đã “làm chủ” công tác hậu cần do họ có kinh nghiệm trong các tình huống chiến đấu và phi chiến đấu tại khu vực Jammu & Kashmir.

Trong khi đó, tờ Global Times của Trung Quốc ngày 20/9 cho biết, nước này đã trang bị cho các binh sỹ đồn trú dọc LAC những quân tư trang “công nghệ cao” để đối phó với thời tiết khắc nghiệt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm