Ấn Độ "đau đầu" vấn nạn vắc xin Covid-19 giả
(Dân trí) - Thay vì được tiêm vắc xin, hàng nghìn người ở Ấn Độ đã bị lừa tiêm dung dịch muối sinh lý hoặc một loại thuốc nào khác.
Cảnh sát Ấn Độ ngày 25/6 cho biết, khoảng 2.000 người ở thành phố Mumbai đã bị lừa tiêm vắc xin Covid-19 giả ở 9 điểm tiêm chủng khác nhau. Thay vì vắc xin, họ bị tiêm dung dịch muối sinh lý.
Tại thành phố Kolkata cũng phát hiện khoảng 500 trường hợp bị lừa tiêm vắc xin giả, trong đó có cả những người khuyết tật.
Tại Mumbai, cảnh sát đã bắt giữ 10 người bị cáo buộc liên quan, gồm hai bác sĩ của một bệnh viện tư nhân. Tại Kolkata, cảnh sát cũng bắt giữ một người đàn ông mạo danh công chức với bằng thạc sĩ về di truyền và điều hành 8 cơ sở tiêm chủng giả.
Ít nhất 250 người khuyết tật và chuyển giới đã bị lừa tiêm vắc xin giả tại một cơ sở tiêm chủng ở thành phố này. Ông Atin Ghosh cho biết, các lọ thuốc bị tịch thu được dán nhãn giả AstraZeneca, hay Covishield theo cách gọi ở Ấn Độ.
"Nhãn Covishield được dán đè lên nhãn của lọ Amikacin Sulphate 500 mg, một loại kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, xương, não, phổi và máu do vi khuẩn", ông Ghosh nói với AFP.
Vụ việc được phanh phui sau khi nữ chính trị gia, diễn viên Mimi Chakraborty cảm thấy nghi ngờ khi đến tiêm tại một cơ sở tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức về tiêm chủng cho người dân. Cảnh sát đã tịch thu các căn cước giả của nghi phạm điều hành 8 cơ sở tiêm vắc xin giả gồm một căn cước của quan chức cơ quan thông tin và truyền thông cùng một căn cước của ủy viên thành phố.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh chính phủ Ấn Độ đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng nhằm ngăn đà lây lan của dịch Covid-19. Đầu tuần này, Ấn Độ đã tiêm kỷ lục hơn 8 triệu liều. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ khó duy trì được đà tiêm chủng này do vấn đề nguồn cung và một phần do tâm lý ngại tiêm chủng ở một số vùng quê.