1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ nguy cơ đối mặt làn sóng Covid-19 chết chóc mới

Minh Phương

(Dân trí) - Bất chấp việc Ấn Độ đang triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc, các chuyên gia lo ngại nước này khó tránh một làn sóng Covid-19 chết chóc nữa trong thời gian tới.

Ấn Độ nguy cơ đối mặt làn sóng Covid-19 chết chóc mới - 1

Ấn Độ đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 (Ảnh: Getty).

Đầu tuần này, giới chức Ấn Độ vô cùng hân hoan với kỷ lục tiêm kỷ lục hơn 8 triệu mũi vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân sau khi nước này vừa trải qua một làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, ngay cả chương trình tiêm chủng thần tốc này cũng chưa đủ nhanh để giúp Ấn Độ tránh được làn sóng Covid-19 thứ ba. Họ cũng hoài nghi về việc Ấn Độ có thể duy trì tốc độ tiêm chủng trung bình 4,6 triệu mũi/ngày

Mặc dù đã ngừng xuất khẩu vắc xin dưới mọi hình thức kể từ tháng 4 và được hưởng lợi lớn từ ngành sản xuất vắc xin, nhưng đến nay Ấn Độ mới chỉ tiêm chủng được cho 4% dân số, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và nhiều nước phương Tây. Trung Quốc hiện mỗi ngày tiêm khoảng 20 triệu mũi vắc xin cho người dân.

Với tỷ lệ này, một số nhà khoa học cảnh báo, làn sóng Covid-19 thứ ba có thể ập đến Ấn Độ trong vòng vài tháng tới, làm dấy lên lo ngại một cuộc khủng hoảng thiếu ôxy và hệ thống y tế thất thủ như mấy tháng qua.

Ấn Độ nguy cơ đối mặt làn sóng Covid-19 chết chóc mới - 2

Ấn Độ vừa trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai nghiêm trọng chưa từng có (Ảnh: Reuters).

"Tôi không chắc chắn Ấn Độ có thể duy trì tốc độ tiêm chủng này với nguồn cung hiện nay như chúng ta biết", ông Gautam Menon, giáo sư Đại học Ashoka, người cũng đang nghiên cứu về các mô hình bùng phát dịch, nhận định. Theo ông, tốc độ tiêm chủng hiện nay ở Ấn Độ tăng vọt chủ yếu là ở một số bang có nguồn cung. "Ấn Độ cần tiêm chủng 10 triệu liều mỗi ngày mới hy vọng ngăn được nguy cơ làn sóng Covid-19 mới", ông Menon nói.

Nếu duy trì tốc độ tiêm chủng khoảng 3,2 triệu mũi vắc xin mỗi ngày, Ấn Độ sẽ tiêm chủng được cho 45% dân số trưởng thành vào cuối năm nay, và khoảng 60% vào cuối tháng 3 năm sau, các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered nhận định. Theo các chuyên gia này, nếu có thêm vắc xin và tốc độ tiêm chủng tăng khoảng 30%, thì Ấn Độ có thể tiêm chủng cho 55% dân số trưởng thành vào cuối năm nay.

Aparna Mukherjee, nhà khoa học của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, nói nếu có thể tiêm chủng cho tất cả người dân trước khi làn sóng Covid-19 thứ ba ập đến là điều đáng mơ ước, nhưng hiện tại chương trình tiêm chủng của Ấn Độ vẫn ưu tiên những người thuộc nhóm dễ tổn thương nhất.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 22/6, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, Ấn Độ sẽ phê chuẩn thêm 6 vắc xin nữa trong chương trình tiêm chủng trong vài tháng tới, trong đó có Sputnik V của Nga.

Giữa lúc còn những lo ngại về nguồn cung vắc xin hạn chế, Ấn Độ cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ nữa là tâm lý ngại tiêm chủng ở các vùng quê và sự xuất hiện của biến chủng mới có tên gọi Delta Plus. Chính phủ Ấn Độ đầu tuần này đã đưa Delta Plus vào diện "biến chủng đáng lo ngại" vì được cho là có khả năng lây lan cao hơn và dễ "né" miễn dịch hơn và có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin.

Bác sĩ Fathahudeen, người đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ, cho biết các vắc xin hiện thời vẫn có hiệu quả với các biến chủng cũ nhưng không chắc chắn có hiệu quả cao với các biến chủng mới. Ông cũng cho rằng, Ấn Độ khó tránh khỏi làn sóng Covid-19 thứ ba, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để có thể trì hoãn và làm giảm mức độ nghiêm trọng của nó bằng các biện pháp thích hợp trong đó có đẩy mạnh tiêm chủng, duy trì các biện pháp phòng dịch và giải trình tự gen để hiểu cơ chế hoạt động của các biến chủng.

"Nếu không làm được điều đó, làn sóng thứ ba có thể ập đến nhanh hơn và nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ", ông Fathahudeen nói.