Ấn Độ:
117 người chết mỗi giờ, bác sĩ rút ống thở người già, nhường ôxy người trẻ
(Dân trí) - Các bác sĩ tại Ấn Độ buộc phải rút ống thở của bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi để nhường cơ hội sống cho người trẻ hơn khi nguồn cung ôxy cạn kiệt.
Bác sĩ Gautam Singh sợ hãi những tiếng bíp phát ra hàng ngày của máy thở, vì báo hiệu rằng nồng độ ôxy đang ở mức thấp nghiêm trọng. Ông Singh, một bác sĩ tim mạch, cũng sợ nghe thấy những bệnh nhân tuyệt vọng thở hổn hển trong khu cấp cứu tại bệnh viện ở New Delhi nơi ông làm việc.
Giống như các bác sĩ khác trên khắp Ấn Độ - nơi ngày thứ 5 liên tiếp lập kỷ lục về số ca mắc Covid-19 mới hôm 26/4 với hơn 350.000 người nhiễm, bác sĩ Singh phải cầu xin và mượn bình ôxy chỉ để cứu bệnh nhân sống sót thêm một ngày.
Vào tối 25/4, khi nguồn cung ôxy của các bệnh viện khác gần đó cũng gần cạn kiệt, người đàn ông 43 tuổi tuyệt vọng đã lên mạng xã hội, đăng một video cầu xin trên Twitter.
"Xin hãy gửi ôxy cho chúng tôi. Bệnh nhân của tôi đang hấp hối", bác sĩ Singh nói trong giọng nghẹn ngào.
Ấn Độ ban đầu từng được coi là một câu chuyện thành công trong việc vượt qua đại dịch, nhưng đất nước với gần 1,4 tỷ dân này đang phải chạy đua với dịch bệnh và các hệ thống y tế bắt đầu sụp đổ.
Các thông điệp khẩn cấp giống như đoạn video mà bác sĩ Singh đăng tải đã tiết lộ mức độ hoảng loạn trong cuộc chiến chống dịch ở Ấn Độ.
Ngoài việc hết ôxy, các phòng chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện cũng đang hoạt động hết công suất và gần như tất cả các máy thở đều được sử dụng.
Khi số người chết tăng lên, bầu trời đêm ở một số thành phố của Ấn Độ rực sáng do các giàn hỏa thiêu. Các lò hỏa táng bị quá tải và các thi thể bị thiêu cháy ngoài trời.
Ngày 26/4, Ấn Độ ghi nhận thêm 2.812 ca tử vong, nghĩa là trung bình cứ 1 giờ sẽ có khoảng 117 người Ấn Độ chết vì Covid-19. Các chuyên gia cho rằng con số này có thể vẫn chưa phản ánh hết số người chết trên thực tế ở Ấn Độ. Các ca nhiễm mới đã nâng tổng số người mắc Covid-19 tại Ấn Độ lên hơn 17,3 triệu, chỉ sau Mỹ.
Các bác sĩ như ông Singh đang "chiến đấu" ở tiền tuyến chống dịch. Họ cố gắng giành được những thiết bị cần thiết để giữ cho bệnh nhân của mình sống sót.
Ngày 26/4, bác sĩ Singh nhận được 20 bình ôxy, nhưng cũng chỉ đủ cho bệnh viện hoạt động trong một ngày cho đến khi các máy thở bắt đầu phát ra tiếng bíp cảnh báo lần nữa.
"Tôi cảm thấy bất lực vì bệnh nhân của mình phải sống sót từng giờ. Tôi sẽ cầu xin một lần nữa và hy vọng ai đó sẽ gửi ôxy để cứu các bệnh nhân sống thêm một ngày nữa", bác sĩ Singh nói.
Rút ống thở người già, nhường ôxy cho người trẻ
Theo Indian Express, tại bệnh viện Gorakhpur, các bác sĩ đã quyết định rút ống thở cấp ôxy cho 3 bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi, lần lượt 70, 60 và 55 tuổi, sau khi tình trạng sức khỏe của họ không được cải thiện trong 1 tuần.
Lãnh đạo bệnh viện nói rằng, việc rút ống thở được thực hiện với sự đồng ý của gia đình các bệnh nhân, đồng thời khẳng định các bác sĩ "đã chọn cứu sống những bệnh nhân nhỏ tuổi hơn".
"3 bệnh nhân nguy kịch và phải phụ thuộc vào ôxy với 90% tổn thương ở phổi. Dù sao cũng không thể cứu sống được họ, vì vậy chúng tôi đề nghị dọn giường cho bệnh nhân mới. Họ đồng ý và đưa 3 bệnh nhân đi", bác sĩ Manoj Yadav, lãnh đạo bệnh viện, cho biết.
"Họ không có bất kỳ tiến triển nào trong 5 ngày qua. Những bệnh nhân trẻ hơn có thể được cứu sống thay chỗ của họ. Chúng ta có thể trì hoãn cái chết của họ trong bao lâu? Danh sách chờ còn rất dài", bác sĩ Yadav nói thêm.
Theo bác sĩ Yadav, gia đình của cả 3 bệnh nhân đều đồng ý cho bệnh viện rút ống thở để nhường cơ hội sống cho những người trẻ hơn.
Bác sĩ Yadav cho biết tình trạng thiếu ôxy trầm trọng đang xảy ra ở Gorakhpur.
Người dân tự xoay sở
Người dân Ấn Độ đang phải tự tìm cách giải quyết vấn đề dịch bệnh. Người dân phải làm những gì mà họ cho rằng lẽ ra chính phủ phải làm từ lâu.
Các tình nguyện viên, từ sinh viên đến các chuyên gia công nghệ, các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà báo, vẫn đang cung cấp thông tin về tình trạng giường bệnh, các loại thuốc quan trọng và bình ôxy cho người dân.
Theo AP, nhiều người đã tìm đến mạng xã hội, đặc biệt là Twitter, để tiếp cận danh sách những người hiến tặng huyết tương và cung cấp ôxy.
Rashmi Kumar, một người nội trợ ở New Delhi, đã dành cả ngày chủ nhật để lùng sục trên Twitter, tuyệt vọng đăng tin tìm bình ôxy cho người cha đang trong tình trạng nguy kịch. Cô đã gọi vô số cuộc gọi tới các bệnh viện và đường dây nóng hỗ trợ của chính phủ, nhưng đều vô ích.
"Tôi đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", Kumar nói về tình trạng sức khỏe của người cha 63 tuổi.
Một người dùng Twitter báo tin cho Kumar rằng họ còn một bình ôxy có sẵn cách đó khoảng 60 km. Kumar đã lái xe đến nhà của người đó và mang bình ôxy về nhà.
"Tôi được một người lạ giúp đỡ, trong khi chính phủ không thể giúp đỡ hàng nghìn người như tôi. Không may là, bây giờ mọi người đều đang phải tự xoay sở một mình", Kumar chia sẻ.
Các chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ còn trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới.
"Tình hình ở Ấn Độ rất bi thảm và có thể sẽ còn tồi tệ hơn trong vài tuần đến vài tháng tới. Cần một nỗ lực chung toàn cầu để giúp Ấn Độ vào thời điểm khủng hoảng này", Krishna Udayakumar, giám đốc Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke tại Đại học Duke, nhận định.