1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ bắt đầu xây trạm vệ tinh theo dõi Biển Đông ở Việt Nam từ tháng 4

(Dân trí) - Ấn Độ dự kiến khởi động dự án xây dựng trạm thu và xử lý tín hiệu vệ tinh ở miền nam Việt Nam từ quý II năm nay trong một nỗ lực được cho là nhằm ngăn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.


(Ảnh minh họa: Paraja Times)

(Ảnh minh họa: Paraja Times)

Nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản hôm qua 29/3 dẫn lời các quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ấn Độ sẽ xây dựng một trung tâm xử lý dữ liệu vệ tinh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một cơ sở thu và truyền dữ liệu ở ngoại ô thành phố. Trạm vệ tinh này sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á nguồn dữ liệu mà các vệ tinh quan sát trái đất của Ấn Độ thu được.

Nguồn tin cho biết thêm, dự án sẽ được khởi công trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay và sẽ có sự phối hợp giữa Ấn Độ và các nước ASEAN. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ gánh mọi chi phí xây dựng cũng như vận hành trong 5 năm đầu tiên, chi phí này ước tính khoảng 22 triệu USD.

Mặc dù các quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định trung tâm dữ liệu vệ tinh mới này không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào, song nó được cho là nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng như với các nước ASEAN đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Asahi Shimbun dẫn nguồn thạo tin cho biết, việc cho phép Ấn Độ xây trạm vệ tinh là một phần trong nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo ở Biển Đông, đặc biệt là sau khi Trung Quốc đơn phương khoan thăm dò dầu khí Hoàng Sa và bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Ấn Độ có một chương trình không gian khá phát triển, đã phóng được 57 vệ tinh cho 20 nước, và từng đưa tàu thăm dò không người lái vào quỹ đạo sao Hỏa vào năm 2014.

Kể từ năm 2014, Ấn Độ luôn lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên tăng cường các hoạt động bồi đắp trái phép ở Biển Đông - tuyến hàng hải lưu thông khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Minh Phươnng

Theo Asahi Shimbun