1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ - Bangladesh: 36 tiếng cho “kỷ nguyên mới”

Trong chuyến thăm Bangladesh từ ngày 6-7/6, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã đưa ra tuyên bố rằng: “Ở một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, một quốc gia dù mạnh tới đâu cũng không thể đạt được mục tiêu chiến lược nếu thực hiện một mình”.

Ấn Độ - Bangladesh: 36 tiếng cho “kỷ nguyên mới”
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tại sân bay quốc tế Shahjalal ngày 6/6

Có lẽ, bên cạnh một Trung Quốc tăng cường sức mạnh quốc tế trên mọi lĩnh vực, Ấn Độ không còn thời gian để e dè hay hoài nghi với bất cứ mối quan hệ nào, nhất là với các nước láng giềng có chung biên giới mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng, trong đó có Bangladesh.

Chỉ trong 36 tiếng, Thủ tướng Modi đã cố gắng tạo ra một tác động đủ lớn để xóa bớt sự ngờ vực vốn len lỏi trong mối quan hệ song phương nhiều thập kỷ qua. Ông Modi hiểu rằng hiện tại, ông và người đồng cấp Sheikh Hasina cùng chia sẻ tầm nhìn về một Nam Á kết nối, thúc đẩy ưu tiên của quốc gia và khu vực bằng lòng can đảm và tính quyết đoán. Hành trình ngắn tới “anh bạn hàng xóm” bao gồm nhiều sự kiện như thăm Đài tưởng niệm Quốc gia, Bảo tàng Bangabandhu, một ngôi chùa Hindu, trường Đại học Dhaka và chỉ có người tràn đầy năng lượng như ông Modi mới có thể hoàn thành tốt.

Thành quả lớn nhất bù đắp kỳ vọng của ông Modi về chuyến thăm chính là việc hai bên đã hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết để hiệp định hoán đổi lãnh thổ ký kết cách đây 41 năm chính thức có hiệu lực.

Hiệp định này xử lý vấn đề quốc tịch và nơi cư trú của hơn 50.000 dân ở 163 khu vực lãnh thổ như những ốc đảo biệt lập trong lãnh thổ của hai nước. Thực thi hiệp định có nghĩa là hai nước không còn bất đồng nào nữa về lãnh thổ.

Đối với ông Modi, việc này không đơn thuần là một thành quả đối ngoại lớn mà còn là bước đi nhằm tới những lợi ích chiến lược lâu dài. Có thể nói, nhờ hiệp định mà Ấn Độ có thể yên ổn được một phương biên giới, ít nhất làm ông Modi và chính quyền của ông an tâm để tập trung nhiều hơn cho xử lý quan hệ biên giới với Trung Quốc và Pakistan.

36 tiếng hoạt động “hết công suất” còn mang đến cho ông Modi một thỏa thuận không kém phần quan trọng khác. Theo đó, tàu chở hàng Ấn Độ sẽ có thể sử dụng cảng Chittagong, phía Đông Nam Bangladesh để vận chuyển hàng trực tiếp mà không phải qua cảng của Singapore.

Trung Quốc là nước đóng vai trò tích cực trong việc phát triển cảng Chittagong. Có lẽ bây giờ ông Modi đã nhận ra rằng việc để cho một mình Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực giao thông chiến lược của Bangladesh là hoàn toàn bất lợi, việc ông “tự ái” không tham gia vòng trung chuyển hàng hóa tại cảng Chittagong là một thiệt thòi.

Hơn nữa, Ấn Độ cũng đã quyết định trở thành một đối tác quan trọng, góp phần “tân trang” ngành năng lượng của Bangladesh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ New Delhi sẽ thành lập một đặc khu kinh tế tại Bangladesh, nơi các công ty Ấn Độ có thể sản xuất hàng hóa và sau đó xuất khẩu trở lại Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã tuyên bố một khoản tín dụng lên tới 2 tỷ USD cho Bangladesh.

Với những gì đạt được, chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Bangladesh sẽ mở ra một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Ấn Độ - Bangladesh, bởi mối quan hệ lịch sử này đã phải chờ đợi từ lâu để “cất cánh”.

Theo Thu Hiền
Thế giới và Việt Nam