1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phá "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc, Ấn Độ vươn mình

Có thể nhận thấy những bước chuyển mình rõ rệt của Ấn Độ và những biến đổi thế tương quan so sánh Trung Quốc - Ấn Độ trong một tương lai không xa.

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đến quốc gia láng giềng Bangladesh (từ 6 – 7/6) vừa qua ấn định một cộc mốc quan trọng. Nó hàm nghĩa không chỉ trong quan hệ Ấn Độ - Bangladesh nói riêng, mà còn cả tương tác của Ấn Độ tại Nam Á. Trong bối cảnh Ấn Độ đang bị Trung Quốc “lấn sân” nghiêm trọng tại Nam Á, chỉ trong 1 năm sau, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đang từng bước tái khẳng định sức ảnh hưởng trên “sân nhà”. 

Bangladesh trong chính sách "phòng thủ Nam Á" 

Hai chuyến công du của tân Thủ tướng Modi tập trung vào các nước láng giềng với Bhutan là địa điểm đầu tiên. Sau đó, ông tiếp tục là Thủ tướng Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Nepal trong 17 năm qua. Ông Modi cũng là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Sri Lanka trong 28 năm qua. 

Tầm quan trọng đặc biệt của các nước láng giềng Nam Á trong định hướng đối ngoại của Ấn Độ không chỉ thể hiện qua việc làm mới lại mối quan hệ. Mà quan trọng hơn, New Deli còn tập trung giải quyết hầu hết những bất đồng còn tồn tại trong quan hệ song phương. 

Tháng 7/2014, Ấn Độ đã hoàn tất quá trình xử lý tranh chấp trên biển với Bangladesh, chấp nhận phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) theo đơn kiện từ Bangladesh từ năm 2009. Qua quyết định này, Ấn Độ đã chấp nhận đưa 4/5 vùng lãnh thổ tranh chấp trên biển cho Bangladesh quản lý. Đây là một quyết định thể hiện “sự thiện chí của Ấn Độ” khi lần đầu tiên giúp Bangladesh mở được con đường ra Ấn Độ Dương vốn trước đây vẫn bị khoá chặt giữa hai vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ấn Độ và Myanmar.

Đến tháng 6/2015, với việc thông qua Hiệp định hoán đổi lãnh thổ Ấn Độ cũng kết thúc 68 năm phân định biên giới trên bộ với Bangladesh. Cần lưu ý thêm là Hiệp định này đã được ký kết từ 41 năm trước, nhưng đến năm nay mới được Quốc hội hai nước hoàn tất các thủ tục pháp lý để chính thức có hiệu lực. 

Với lãnh thổ có đặc thù bị Ấn Độ bao bọc trên bộ và trước đây bị khoá chặt con đường ra biển, sức phát triển của nền kinh tế Bangladesh theo lý thuyết nước nhỏ - nước lớn sẽ bị Ấn Độ khống chế. Tuy nhiên, Ấn Độ đã lựa chọn phương án “đôi bên cùng thắng” trong quan hệ với Bangladesh. 

Như vậy, sau thời điểm này, Ấn Độ và Bangladesh đã không còn các bất đồng lớn về lãnh thổ cả trên biển và trên bộ, sẵn sàng mở ra một chương mới cho việc phát triển quan hệ. Bangladesh còn là đối tác chủ chốt của Ấn Độ trong các tổ chức đa phương quan trọng. Điều này đã mang lại cho Ấn Độ không chỉ uy tín trong khu vực và quốc tế, mà còn tạo ra thêm nhiều “đồng minh tự nhiên” cho cường quốc này. 

Ứng xử với Bangladesh trở thành một minh chứng điển hình cho hình ảnh “cường quốc thân thiện” và chính sách quảng đại của Ấn Độ tại “trọng tâm Nam Á”. Sâu xa hơn, qua cách tiếp cận mềm, Ấn Độ dưới thời Thủ Tướng Modi dần dần xây dựng các nền tảng trong chính sách “phòng thủ Nam Á” của người Ấn. Mà mục tiêu chính là tìm đối trọng để mở dần các sức ép bao vây từ phía Trung Quốc. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Modi. (Ảnh:
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Modi. (Ảnh: PTI)

Phá chuỗi ngọc trai

Nhìn vào bản đồ chiến lược Nam Á hiện nay, không khó để nhận thấy chính sách “phòng thủ Nam Á” của Ấn Độ thời Thủ tướng Modi được đưa ra nhằm hướng tới xây dựng một đối trọng với chiến lược Ấn Độ Dương của Trung Quốc (được cụ thể trong Sách Xanh do Trung Quốc đưa ra năm 2013). 

Với tần suất hiện diện quân sự ngày càng nhiều ở Ấn Độ Dương, hải quân Trung Quốc đang trở thành mối quan ngại với Ấn Độ. “Chuỗi ngọc trai” do Trung Quốc xây dựng và phát triển vì thế chính là tâm điểm buộc Ấn Độ phải hết sức thận trọng. 

“Chuỗi ngọc trai” là những hoạt động của Trung Quốc nhằm xây dựng, kiểm soát và quân sự hoá hệ thống các cảng biển quan trọng nằm trên lộ trình hàng hải huyết mạch từ Ấn Độ Dương sang biển Đông. Trong đó, những cảng biển như quân cảng Coco của Myanmar, Chittagong ở Bangladesh, Hambantota ở Sri Lanka, Gwadar ở Pakistan, Marao ở Maldives là những vị trí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, vai trò và các hoạt động của Ấn Độ tại vùng biển này.

Nhận thức rõ ràng điều này, Ấn Độ đã từng bước tiến hành “chuyển hoá” các viên “ngọc trai” theo quy tắc “làm mới” và “làm ấm” quan hệ song phương với từng bên về thực chất. Đầu tiên là việc tăng cường quan hệ với chính phủ mới ở Sri Lanka (được đánh giá có xu hướng thiện cảm với Ấn Độ). Việc cả tân Ngoại trưởng và tân Tổng thống Sri Lanka chọn Ấn Độ làm điểm công du nước ngoài đầu tiên (tháng 2/2015) đã đánh dấu một giai đoạn mới so với thời kỳ Sri Lanka thân Trung Quốc trước đó.  

Cùng với Sri Lanka, các quốc đảo cạnh Nam Á nhưng án ngữ vị trí quan trọng trên Ấn Độ Dương cũng nhận được những ưu ái về đối ngoại của Ấn Độ. Chính sách “ngoại giao đại dương” được áp dụng đối với các quốc đảo còn lại như Maldives (tháng 11/2014), Seychelles, Mauritius (tháng 3/2015) đã đảm bảo việc cho phép Ấn Độ được bố trí các cơ sở hạ tầng chiến lược trong Dự án giám sát vành đai Ấn Độ Dương.  

Quá trình “chuyển hoá” Bangladesh từ một quốc gia còn nhiều bất đồng trở thành đối tác chiến lược quan trọng của người Ấn là một bước quan trọng tiếp theo. Như vậy giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Bangladesh sẽ có ít lý do hơn trong việc lựa chọn trở thành một bộ phận của “chuỗi ngọc trai” phụ thuộc Trung Quốc.

Còn đối với Myanmar, song song với quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, Ấn Độ cũng đầu tư vào cảng nước sâu Sittwe trong Dự án giao thông đa phương tiện Kaladan – một dự án trọng điểm giữa Ấn Độ và Myanmar. Giữ cân bằng được ảnh hưởng tại Myanmar, đồng thời thúc đẩy xu hướng “thoát Trung” của quốc gia “cửa ngõ” này đang là trọng tâm của chính phủ Ấn. 

Cần lưu ý, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, đặc biệt là gói đầu tư xây dựng đập thuỷ điện Myitsone, đang gặp phản đối từ dư luận Myanmar vì công nghệ có tác hại với môi trường. Trong khi, các dự án đầu tư từ Ấn Độ lại nhận được sự ủng hộ.

Khai thông được các vị trí trọng yếu trên Ấn Độ Dương, đồng thời giữ vững được các cửa ngõ trên biển và trên bộ vào Đông Á, Ấn Độ đang từng bước phá “vòng vây Nam Á” của Trung Quốc. 

Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, Thủ tướng Modi cũng đã khéo léo không nhắc gì đến việc Ấn Độ sẽ cấp quy chế thành viên đầy đủ cho Trung Quốc tại Tổ chức Hợp tác Nam Á SAARC. Dù từ phía ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc đã ngỏ lời đồng ý sẽ cấp quy chế tương tự cho Ấn Độ tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Quyết tâm “phòng thủ Nam Á” của Ấn Độ được thể hiện rõ.

Không chỉ giữ yên được “sân nhà”, Ấn Độ còn từng bước đẩy mạnh “Hành động phía Đông” trong các kết nối về kinh tế - chính trị với Đông Á – Thái Bình Dương. Kết hợp với các chiến lược “Make in India” về công nghệ và Dự án Mausam về văn hoá, có thể nhận thấy những bước chuyển mình rõ rệt của Ấn Độ và những biến đổi thế tương quan so sánh Trung Quốc - Ấn Độ trong một tương lai không xa.

Theo ThS Lục Minh Tuấn (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế -SCIS, Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM
Vietnamnet