1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ai có thể hóa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao Malaysia - Triều Tiên?

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Malaysia và Triều Tiên liên quan đến cái chết của một công dân Triều Tiên có thể sẽ phải cần đến một trung gian hòa giải. Giới chuyên gia quốc tế nhận định Trung Quốc có thể để đảm nhận vai trò này.


Cảnh sát Malaysia phong tỏa bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur hôm 7/3. (Ảnh: Star)

Cảnh sát Malaysia phong tỏa bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur hôm 7/3. (Ảnh: Star)

Gần một tháng kể từ sau cái chết của công dân Triều Tiên tên Kim Chol tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia và Triều Tiên liên tục đưa ra các đòn trả đũa ngoại giao lẫn nhau. Trong một diễn biến mới nhất, chính phủ hai nước đã ra lệnh tạm thời cấm công dân của nước kia xuất cảnh. Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mặc dù Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm nay 8/3 tuyên bố Malaysia chưa có ý định cắt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.

Báo Maly Mail Online dẫn nhận định của chuyên gia địa chính trị Dr Azmi Hassan: “Malaysia có thể đệ trình vấn đề này lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, tuy nhiên sẽ rất mất thời gian và Triều Tiên có thể sẽ phớt lờ mọi sức ép. Do đó phương án tốt nhất là tận dụng mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Triều Tiên để phát tín hiệu với Bình Nhưỡng rằng nếu họ tiếp tục căng thẳng với Malaysia, đó có thể là cơ hội để các nước đối đầu với Triều Tiên can thiệp vào”.

Chuyên gia này cho rằng, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với Triều Tiên, trong khi đó Trung Quốc cũng có sự tin tưởng của Malaysia, do đó, Bắc Kinh có thể đóng vai trò là trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Malaysia và Triều Tiên.

Đồng quan điểm này, Asri Salleh, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Teknologi MARA, chia sẻ với báo Malay Mail Online rằng, Malaysia nên cân nhắc sự hỗ trợ hòa giải từ phía Trung Quốc. Chuyên gia này cũng nói thêm rằng: “Điều quan trọng nhất trước hết là Malaysia phải tranh thủ càng nhiều sự ủng hộ của quốc tế càng tốt để Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh, tiếp đến mới là giải quyết ổn thỏa vụ việc liên quan đến cái chết của công dân Triều Tiên”.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Malaysia có nhờ đến sự hỗ trợ hòa giải của Trung Quốc hay không và liệu Bắc Kinh có nhận lời giúp đỡ hay không.

Bình luận về việc căng thẳng có thể leo thang tới mức nào, cựu Bộ trưởng Công thương Malaysia Rafidah Aziz hôm qua cho rằng những căng thẳng này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của Malaysia, và cũng không dẫn đến bất cứ hành động quân sự nào.

“Triều Tiên sẽ không tới mức dùng đến hành động quân sự. Họ biết ai mới là thù địch với họ, tất nhiên không phải Malaysia. Tóm lại, Malaysia không muốn thái độ thù địch với Triều Tiên, Malaysia chỉ muốn giải quyết vấn đề, tìm ra sự thật đằng sau vụ sát hại ông Kim Chol”, ông Aziz nói.

Minh Phương

Theo Malay Mail Online