1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

8 ngày chiến sự căng thẳng Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Sau 8 ngày xung đột, cả Nga và Ukraine đều gánh thiệt hại. Mặc dù vậy, Moscow tuyên bố sẽ theo chiến dịch quân sự này đến cùng với mục tiêu phi quân sự hóa, đảm bảo trạng thái trung lập của Ukraine.

8 ngày chiến sự căng thẳng Nga - Ukraine - 1

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sau hơn 2 tháng triển khai hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine (Ảnh: AP).

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã qua 8 ngày, bước sang ngày thứ 9. Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/3 xác nhận, 498 binh sĩ của nước này đã thiệt mạng và khoảng 1.600 binh sĩ bị thương. Trong khi đó, phía Ukraine nói rằng, hơn 2.000 dân thường của họ đã thiệt mạng do các trận pháo kích, tấn công tên lửa của Nga.

Mặc dù Nga tuyên bố chỉ tấn công các mục tiêu quân sự, nhưng chiến dịch của Moscow đang có nguy cơ kéo theo một cuộc khủng hoảng di cư. Liên Hợp Quốc cho biết, hơn một triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự. Đây là một cuộc di cư với tốc độ chưa có tiền lệ trong thế kỷ này. Liên Hợp Quốc dự báo, khoảng 4 triệu người, hoặc thậm chí nhiều hơn nữa, sẽ rời khỏi Ukraine do chiến sự. 

Ngày 1: Mở màn "chiến dịch quân sự đặc biệt"

Nga mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine rạng sáng 24/2, ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin về một chiến dịch nhằm "phi quân sự hóa Ukraine", bảo vệ người dân ở vùng ly khai Donbass, miền Đông Ukraine.

"Các tình huống đòi hỏi chúng tôi phải thực hiện hành động dứt khoát và ngay lập tức", Tổng thống Putin nói và nhấn mạnh chiến dịch này không đồng nghĩa với việc chiếm đóng Ukraine.
Gần như sau thông báo này của chủ nhân Điện Kremlin, các lực lượng của Nga đã bắt đầu các đợt tấn công vào Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói, Nga đã phát động một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine. Giới chức Ukraine cho biết, họ bị tấn công từ 3 hướng biên giới giáp Nga, giáp Belarus và bán đảo Crimea.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó xác nhận, quân đội nước này đã tập kích các cơ sở quân sự của Ukraine bằng vũ khí chính xác. Trong ngày đầu tiên, Nga dường như thực hiện chiến lược tấn công chớp nhoáng với hơn 200 đợt tấn công chỉ trong một ngày và ở hầu khắp lãnh thổ Ukraine.

Ngày 2: Kiev bắt đầu cảm nhận sức nóng

8 ngày chiến sự căng thẳng Nga - Ukraine - 2

Nhiều khu vực quanh Kiev bị phá hủy bởi các đợt pháo kích (Ảnh: Reuters).

Từ rạng sáng 25/2, hàng loạt tiếng nổ lớn dội lên ở các khu vực của thủ đô Kiev. Giới chức Ukraine cho biết, hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.

Lúc này, các đoàn xe quân sự của Nga được phát hiện đang tiến về thủ đô Kiev từ các hướng khác nhau và có thể là chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công vào "trái tim" của Ukraine. Để chặn đà tiến công của lực lượng Nga, Ukraine đã cho nổ tung một cây cầu dẫn đến thủ đô.

Lo ngại chiến sự leo thang, hàng nghìn người ở Kiev đã tìm cách rời thành phố, di tản sang các nước láng giềng như Ba Lan.

Ngày 3: Nga dồn dập hứng lệnh trừng phạt

Chính phủ Ukraine đã ban bố thiết quân luật, quân đội phát vũ khí cho người dân nhằm tăng cường năng lực kháng cự khi Nga tiếp tục pháo kích, nã tên lửa vào các thành phố của Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây đã đồng loạt công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Các lệnh trừng phạt này bao gồm phong tỏa tài sản của nhiều cá nhân, thực thể ở Nga.

Ngày 4: Nga đặt lực lượng hạt nhân vào tình trạng báo động cao

8 ngày chiến sự căng thẳng Nga - Ukraine - 3

Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt lực lượng hạt nhân chiến lược vào tình trạng báo động cao (Ảnh: TASS).

Giữa lúc chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị đặt các lực lượng hạt nhân chiến lược trong tình trạng báo động đặc biệt do "các hành động kinh tế không thân thiện" và những tuyên bố "gây hấn" chống lại Moscow của phương Tây.

Các chuyên gia cho rằng, động thái này của Tổng thống Putin nhằm gây sức ép đàm phán với cả Ukraine và phương Tây. Moscow tuyên bố chỉ đàm phán khi Kiev chấp nhận "hạ vũ khí".

Ngày 5: Vòng hòa đàm đầu tiên

Sau những bất đồng về điều kiện đàm phán, phái đoàn Nga và Ukraine cuối cùng đã nhất trí ngồi vào bàn hòa đàm ở một thành phố biên giới của Belarus. Tuy nhiên, hai bên không đạt được tiến triển đáng kể sau vòng đàm phán đầu tiên này.

Chiến sự tiếp tục leo thang ở các thành phố chiến lược của Ukraine như Kiev, Kharkov, Kherson, Mariupol. Đoàn xe quân sự kéo dài 64 km của Nga được nhìn thấy tiến về phía thủ đô Kiev. Moscow cũng tuyên bố "giành ưu thế trên không trên toàn lãnh thổ Ukraine".

Chuyên gia nhận định, sau những ngày đầu tấn công chớp nhoáng, Nga dường như đang thay đổi chiến thuật sang bao vây các thành phố chiến lược ở phía Nam và phía Bắc nhằm cô lập Ukraine với Biển Azov và Biển Đen.

Cùng thời điểm diễn ra cuộc chiến ở Ukraine, Nga cũng phải đối mặt với một cuộc chiến kinh tế căng thẳng do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Để đáp trả các lệnh trừng phạt "chưa từng có" của Mỹ và EU, Nga tuyên bố đóng cửa không phận với máy bay của 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU.

Ngày 6: Nga tăng cường hỏa lực

8 ngày chiến sự căng thẳng Nga - Ukraine - 4

Nga đang bao vây các thành phố chiến lược của Ukraine (Đồ họa: BBC).

Trong ngày thứ sáu chiến sự Ukraine, Nga công kích hàng loạt mục tiêu ở thủ đô Kiev, đồng thời chặn đường ra biển Azov của quân đội Ukraine.

Phía Ukraine tuyên bố, năng lực kháng cự của quân đội đã giúp họ cầm chân lực lượng Nga, làm thất bại kế hoạch ban đầu của Nga. Ukraine nói rằng, hơn 5.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Con số thương vong mà Nga đưa ra sau đó là 498 binh sĩ thiệt mạng, gần 1.600 binh sĩ bị thương.

Ngày 7: Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đề nghị Nga rút quân

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 2/3 bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Nghị quyết kêu gọi Nga ngừng giao tranh và rút các lực lượng quân sự về nước. Nghị quyết tuy không có tính ràng buộc nhưng được đánh giá sẽ có sức nặng chính trị nhất định đối với Nga.

Ngày 8: Thành phố lớn đầu tiên thất thủ

Thị trưởng thành phố Kherson, miền Nam Ukraine ngày 3/3 xác nhận, thành phố này đã rơi vào tay các lực lượng của Nga. Đây là thành phố lớn đầu tiên ở Ukraine mà Nga giành quyền kiểm soát sau chiến dịch kéo dài một tuần, tạo tiền đề cho chiến lược của Nga ở khu vực phía Nam Ukraine.

Nga và Ukraine hôm 3/3 đã bắt đầu cuộc đàm phán lần hai với ít kết quả đột phá. Hai bên nhất trí tạo hành lang nhân đạo cho phép dân thường rời khỏi các cộng đồng ở tiền tuyến.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine