1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

7 điều cần biết về biến chủng Delta

Thanh Thành

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã tạm lắng ở Mỹ khi số ca bệnh giảm mạnh trong nhiều tháng qua nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin cao, nhưng biến chủng Delta xuất hiện đang phá hoại các nỗ lực của nước này.

7 điều cần biết về biến chủng Delta  - 1

Biến thể Delta đang lây lan khắp thế giới (Ảnh minh họa: Image)

Số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng đột biến trong những ngày qua do biến chủng Delta. Mặc dù Mỹ vẫn chứng kiến số ca nhiễm dưới mức cao nhất, nhưng vẫn ghi nhận khoảng 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhập viện trung bình trong 7 ngày gần đây tăng gần 36%.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, số ca nhiễm và số ca nhập viện gia tăng gần đây chủ yếu là do các đợt bùng phát cục bộ ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện tại, một số điểm nóng đáng lo ngại nhất là ở Missouri, Arkansas, Louisiana và Florida. Ở những khu vực này, nơi mức độ lây nhiễm đã tăng vọt, một số bệnh viện đang phải vật lộn để chạy đua với biến chủng Delta.

Tuy nhiên, làn sóng ca bệnh gia tăng hiện đã được báo cáo ở tất cả 50 tiểu bang, bao gồm cả các khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin tương đối cao hơn.

Yahoo News ngày 23/7 dẫn lời tiến sĩ Kavita Patel cho rằng, trong vòng 6-8 tuần tới, nguy cơ là các ca bệnh sẽ tiếp tục tăng - ngay cả ở vùng Đông Bắc, nơi mức độ lây nhiễm vẫn khá thấp. Tuy nhiên, làn sóng gia tăng này khác với những lần trước khi các ca nhiễm mới "hầu như chỉ xảy ra ở những người chưa được tiêm vắc xin" liên quan đến biến chủng Delta.

Vì vậy, mọi người cần hiểu rõ hơn về biến chủng này để biết cách giữ an toàn cho chính mình và bảo vệ những người xung quanh.

Delta dễ lây lan hơn?

Một số chuyên gia đã gọi Delta là "biến chủng gây rắc rối nhất cho đến nay" do khả năng lây nhiễm cao và nhanh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 60% so với biến chủng Alpha.

Theo chính phủ Ấn Độ, biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện trên khắp Ấn Độ vào tháng 3 và tháng 4/2021, đồng thời đẩy số người chết vì Covid-19 của nước này lên con số 400.000 người. Nhưng các nhà nghiên cứu từ Brown, Harvard và Trung tâm Phát triển Toàn cầu tin rằng, con số còn cao hơn nhiều (lên đến 5 triệu ca tử vong).

Tại Mỹ, chỉ trong 3 tuần, Delta đã tiến lên vị trí thống trị và hiện chiếm khoảng 83% các ca nhiễm mới trên cả nước. "Hiện chúng tôi đã có bằng chứng xác thực rằng chủng Delta tự sinh sản trong đường mũi, miệng và cơ thể của con người nhanh hơn, cao gấp 1.200 lần so với các chủng trước đó", tiến sĩ Patel cho biết.

Delta nguy hiểm hơn các chủng khác?

Mặc dù Delta có vẻ dễ lây nhiễm hơn các biến chủng khác, nó không có vẻ nghiêm trọng hơn. Một nghiên cứu gần đây của Scotland cho thấy, biến chủng Delta khiến những người chưa được tiêm vắc xin có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi so với Alpha, nhưng các dữ liệu khác cho thấy không có sự khác biệt đáng kể.

Tiến sĩ Patel cho biết, nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xác định liệu chủng virus này có nguy cơ gây nhập viện hay tử vong cao hơn dự kiến hay không.

Ai là người nguy cơ cao nhất?

Những người chưa được tiêm vắc xin có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn những người đã tiêm vắc xin. Tại cuộc họp về phòng chống Covid-19 hồi cuối tuần trước, tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ, đã nói rằng, "đây là đại dịch của những người chưa tiêm vắc xin".

Theo tiến sĩ Walensky, hơn 97% số người nhập viện vì Covid-19 đều là những người chưa tiêm vắc xin. Tiến sĩ Vivek Murthy, một bác sĩ phẫu thuật tổng quát, hôm 18/7 cho biết, 99,5% ca tử vong cũng là những ca bệnh chưa tiêm vắc xin.

Ngoài ra, các bệnh viện trên khắp nước Mỹ cũng đang báo cáo rằng những ca nhập viện do biến chủng Delta có xu hướng trẻ hơn và những người ốm yếu hơn.

Trẻ em hiện cũng là mối quan tâm lớn. Mặc dù trẻ em thường không có nguy cơ nhiễm bệnh nặng, nhưng các bệnh viện gần đây báo cáo có nhiều ca bệnh trẻ em bị nhiễm Covid-19 nặng.
Tiến sĩ Patel cho biết, nguyên nhân khiến những người trẻ tuổi bị nhiễm bệnh gia tăng chỉ đơn giản là do đây là nhóm người ít tiêm vắc xin.

Delta có các triệu chứng khác không?

Các triệu chứng Covid-19 thường thấy là mất khứu giác, mất vị giác, sốt và ho.

Tuy nhiên, tiến sĩ Patel cho biết, các bác sĩ cũng nhận thấy các triệu chứng như cảm lạnh thông thường và dị ứng, chẳng hạn như chảy nước mũi, nhức đầu, đau họng và ngứa mắt.

Đã tiêm vắc xin có bị nhiễm biến chủng Delta?

Những người đã tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm biến chủng Delta. Nhưng không có lý do gì để hoảng sợ. Hầu hết những người đã tiêm vắc xin sẽ gặp ít triệu chứng hơn và ít nhiễm bệnh nghiêm trọng hơn.

"Nếu bạn được chủng ngừa, hãy nhớ rằng bạn sẽ tránh được nguy cơ bị nhiễm nặng và tử vong", tiến sĩ Patel cho biết.

Tuy nhiên, tiến sĩ Patel lo ngại về nguy cơ những người đã tiêm vắc xin nhiễm bệnh có thể lây nhiễm cho người chưa được tiêm mà không hề hay biết. "Nếu gia đình bạn có người chưa được tiêm vắc xin, bạn nên đảm bảo bạn thực hiện các biện pháp phòng ngừa", bà nói thêm.

Làm sao để tự bảo vệ mình khỏi biến chủng Delta?

Vắc xin là vũ khí mạnh nhất. Các bác sĩ cho biết, điều quan trọng nhất bạn có thể làm để bảo vệ bản thân và những người thân yêu khỏi biến chủng Delta là tiêm vắc xin đầy đủ.

Tất cả các nhà sản xuất vắc xin đều đã nghiên cứu tỉ mỉ để đánh giá xem liệu các mũi tiêm của họ có còn hiệu quả với biến chủng Delta hay không. Mặc dù hiệu quả của vắc xin với biến chủng Delta đã giảm nhỏ so với các chủng virus khác nhưng tất cả các loại vắc xin được dùng ở Mỹ vẫn có hiệu quả cao chống nguy cơ nhiễm nặng cũng như tử vong.

Ngoài ra, để tăng cường bảo vệ cần thực hiện nghiêm ngặt việc phòng chống dịch như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

Trẻ em chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin thì sao?

Trẻ em dưới 12 tuổi đều chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin Covid-19. Vì vậy, tiến sĩ Patel cho biết, tốt nhất là cần "tạo hàng phòng thủ vững chắc" cho trẻ em bằng cách "người lớn hãy tiêm vắc xin". Ngoài ra, bà cũng khuyên bạn nên chăm sóc trẻ em thật tốt, tránh và tránh để các em ở những khu vực đông đúc, khó thở, đặc biệt là không gian kín mít trong nhà.

"Hãy chọn những không gian ngoài trời với hệ thống thông gió tuyệt vời", bà Patel nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm