6 điều kỳ lạ về hệ thống bầu cử phức tạp của Mỹ
(Dân trí) - Hệ thống bầu cử của Mỹ rất phức tạp, có lẽ vì thế nên nảy sinh những điều rất kỳ lạ: Ngày bầu tổng thống luôn luôn diễn ra vào thứ ba của tháng 11, Tổng thống phải được bầu còn phó thì không, chuột Micky cũng có thể được bầu làm tổng thống…
Sau đây là 6 điều kỳ lạ về hệ thống bầu cử phức tạp ở Mỹ và những lý giải.
1. Cử tri luôn luôn được mời đi bỏ phiếu vào ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11.
Vào thời kỳ khai sinh, Mỹ là một nước nông nghiệp. Lịch trình bầu cử hoàn toàn tùy thuộc vào công việc đồng áng. Đầu tháng 11 là lúc mùa màng đã được thu hoạch xong tại 13 bang đầu tiên. Thời tiết tháng 11 còn ấm áp để có thể đi đó đi đây trong điều kiện của thế kỷ thứ 18.
Các nhà soạn luật làm mọi cách để tránh ngày bầu cử rơi vào ngày 1/11 vì lễ các Thánh là ngày lễ quan trọng của người Ky tô giáo. Hôm đó cũng là ngày mà người làm ăn buôn bán phải tổng kết sổ sách kế toán trong năm. Cho nên ngày bầu cử được ấn định từ ngày 2 - 8/11, và phải rơi vào thứ ba vì đó là ngày được xem là thuận lợi nhất trong tuần để cử tri có thể rời nhà ngày chủ nhật, đi bỏ phiếu xong, quay về trước cuối tuần.
Ngoài bầu tổng thống, cử tri còn bầu lại hạ viện, 1/3 ba thượng viện, một số vị thống đốc tiểu bang, cảnh sát trưởng… trong cùng một ngày.
2. Cử tri không bầu theo lối phổ thông trực tiếp
Là một quốc gia liên bang, những nhà lãnh đạo khai sinh ra nước Mỹ muốn giữ cán cân quân bình dân chủ giữa các tiểu bang. Họ không muốn xảy ra cảnh chính sách của liên bang bị một vài bang lớn đông dân như California hay Texas độc tôn định đoạt, còn các bang nhỏ như Wyoming, Vermont không có một tiếng nói chính trị nào. Nhưng cùng lúc cũng phải quan tâm đến trọng lượng dân số của mỗi bang.
Do vậy, thể thức bầu tổng thống dựa theo cách bầu Hạ viện, mà số nghị sĩ của mỗi bang được ấn định theo tỷ lệ dân số của bang đó. Còn đại biểu ở Thượng viện, thì dù dân số đông bao nhiêu, bang nào cũng có hai thượng nghị sĩ đồng đều như nhau.
Do vậy, số đại cử tri ở mỗi bang cũng bằng với số dân biểu cộng với 2 thượng nghị sĩ của bang đó. Cụ thể là bang California với 40 triệu dân được 55 đại cử tri. Bang Wyoming, 500 ngàn dân, chỉ được 3 đại cử tri.
Tuy các đại cử tri được bầu trực tiếp từ lá phiếu của cử tri nhưng họ không phản ánh một cách toán học. Vì một ứng cử viên tổng thống sẽ lấy hết số đại cử tri nếu dẫn đầu tại bang đó với hệ quả là đối thủ trắng tay dù có đạt được số phiếu khít khao. Chỉ có hai bang duy nhất là Maine và Nebraska có thêm vào một chút ít tỷ lệ.
3. Tổng thống phải được bầu, nhưng phó tổng thống thì không
Bất cứ một công dân nào trên 35 tuổi, sinh ra tại Mỹ đều có quyền ứng cử tổng thống và phó tổng thống. Nhưng nếu phó tổng thống qua đời hay từ chức thì tổng thống có quyền chỉ định người thay thế mà không cần phải bầu.
4. Không chỉ có hai ứng cử viên duy nhất vào Nhà Trắng
Trên thực tế, có ít nhất hàng chục người tranh cử ngoài đại diện của hai đảng lớn là Cộng hòa và Dân chủ. Nhưng để được ghi vào danh sách, họ phải hội tụ được một trong hai điều kiện: hoặc xin được một số chữ ký ủng hộ của đông đảo cử tri và đại diện dân cử, hoặc thu được từ 3 đến 5% phiếu của kỳ bầu cử trước.
Thường thường, các ứng cử viên loại này chỉ có tên trong danh sách tại một số bang mà thôi. Nếu không hội đủ các điều kiện trên, thì vẫn còn một cách khác: kiến nghị xin Ủy ban bầu cử cho phép ghi tên vào một danh sách mà cử tri có thể chọn và viết lên phiếu bầu.
Cuối cùng, hầu hết các tiểu bang còn có hình thức kiến nghị bất hợp lệ. Cử tri có quyền ghi thêm vào danh sách bất cứ tên của ai họ muốn bầu. Tuy hình thức này ít người thực hiện nhưng mỗi lần bầu cử đều có một số lá phiếu bầu cho chú chuột Mickey, cho ca sĩ quá cố Elvis Presley, cho chúa Giêsu hay “chẳng chọn ai cả”. Vào năm 1992, ứng cử viên độc lập Ross Perot đã gây bất ngờ với 19% phiếu.
5. Có thể ghi tên vào danh sách cử tri ngay trước khi bỏ phiếu
Phần đông các tiểu bang chốt danh sách cử tri từ ba đến bốn tuần trước ngày bầu cử, nhưng cũng có nơi cho phép ghi tên ngay trước khi bỏ phiếu. Cử tri cũng có thể ghi tên qua mạng internet hoặc ở những nơi có đông cử tri tiềm tàng như cư xá đại học, siêu thị, trước cổng ra vào vận động trường, cũng có nhân viên phụ trách ghi danh.
Ngoài ra, tại 35 tiểu bang có lối bầu phiếu sớm tại một số ít địa phương trước ngày chính thức đến 6 tuần lễ. Bang Oregon không có phòng phiếu, cử tri phải gởi lá phiếu qua bưu điện.
6. Tân tổng thống phải chờ đến hai tháng rưỡi mới được nhậm chức
Đây cũng là thừa kế của truyền thống. Vào thế kỷ 18, các đại cử tri phải về tận Washington bỏ phiếu. Phương tiện di chuyển nhanh nhất là cưỡi ngựa. Nhưng vào thời kỳ đó, Hiến pháp chưa ấn định ngày tuyên thệ. Phải chờ đến năm 1933, Mỹ mới quy định ngày bàn giao là ngày 20/1, lúc 12 giờ trưa.
Nguyễn Viết
Theo AP