1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

5 người Mỹ được thả về nước sau thỏa thuận trao đổi tù nhân với Iran

CTV

(Dân trí) - Mỹ và Iran đã hoàn tất thủ tục trả tự do cho 5 tù nhân của mỗi bên theo một thỏa thuận gây tranh cãi trị giá 6 tỷ USD.

5 người Mỹ được thả về nước sau thỏa thuận trao đổi tù nhân với Iran - 1

Những công dân Mỹ được Iran trả tự do gặp lại gia đình sau khi hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Doha, Qatar (Ảnh: Getty).

Theo một thỏa thuận ngoại giao phức tạp được đàm phán trong nhiều tháng, 5 công dân Mỹ bị Iran bắt giữ trước đó đã được trả tự do và được đưa tới Qatar bằng máy bay trước khi trở về Washington.

Morad Tahbaz, một nhà bảo tồn người Mỹ gốc Anh, cùng Siamak Namazi, một doanh nhân mang hai quốc tịch Mỹ - Iran, và Emad Sharghi, một doanh nhân người Mỹ gốc Iran là 3 trong số 5 người được trả tự do. Hai người còn lại không được xác định danh tính. Trong số họ, có những người đã bị giam giữ trong gần một thập niên.

"Hôm nay, 5 người Mỹ vô tội bị cầm tù ở Iran cuối cùng đã được trở về nhà. Họ sẽ sớm được đoàn tụ với những người thân yêu sau nhiều năm chịu đựng sự đày đọa cùng cực cả về thể xác lẫn tinh thần", Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết ông đã có "một cuộc trò chuyện đầy cảm xúc" với các công dân Mỹ được trả tự do qua điện thoại.

Chiều 18/9, truyền thông nhà nước Iran cũng xác nhận thông tin 5 công dân Iran bị giam ở Mỹ đã được trả tự do. Những người này chủ yếu bị giam giữ do đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có 2 người trong số họ lựa chọn quay trở lại Iran.

Đối với Qatar, thỏa thuận này được cho là một chiến thắng ngoại giao quan trọng với tư cách là bên trung gian hòa giải giữa hai quốc gia vốn không có lòng tin với nhau.

Cùng với các ngân hàng Thụy Sĩ, Ngân hàng Trung ương Qatar chịu trách nhiệm trung chuyển và bảo quản 6 tỷ USD được giải ngân. Đồng thời, kết hợp cùng Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện công tác giám sát nhằm đảm bảo số tiền chỉ có thể được sử dụng để mua những vật tư nhân đạo không nằm trong lệnh trừng phạt như hàng hóa, thực phẩm, nông sản và thuốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết số tiền này là tiền dầu mỏ nợ Iran đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump đóng băng vào năm 2018 trong các ngân hàng tại Hàn Quốc khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Thủ tục đàm phán thỏa thuận đã đạt được một bước ngoặt gần đây khi Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý nhượng bộ trong một số điều khoản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền mặt từ các ngân hàng Hàn Quốc sang các tài khoản ở Thụy Sĩ và Doha.

Hãng hàng không quốc gia Qatar, Qatar Airways, phụ trách vận chuyển các công dân được trả tự do, trong khi sân bay Quốc tế Doha tại Qatar là địa điểm quá cảnh trung gian sau khi hoàn tất thủ tục chuyển tiền.

Tuy nhiên, hiệu quả của thỏa thuận này hiện vẫn còn là một ẩn số. Liệu đây sẽ là một bước đột phá lớn về ngoại giao hay là một lộ trình mới ít tham vọng hơn nhằm hạn chế chương trình hạt nhân dân sự của Iran, đồng thời thúc đẩy nước này giảm lượng uranium được làm giàu ở mức độ cao.

"Đó là một hành động tích cực. Trong lịch sử, nhiều quốc gia có mâu thuẫn với nhau cũng đã đạt được những thỏa thuận như vậy. Tuy nhiên, đây không hẳn là điểm dừng của hiềm khích giữa Iran và Mỹ. Mặc dù chính phủ theo đường lối cứng rắn của Iran có thể tuyên bố đây là một chiến thắng, nhưng những vấn đề lớn khác, như tình thế tiến thoái lưỡng nan của chương trình hạt nhân Iran, sẽ không dễ dàng được giải quyết", Fatemeh Aman, một thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông có trụ sở ở Washington, Mỹ, cho biết.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 18/9 tuyên bố việc Iran thả những người bị giam giữ "hoàn toàn là một hành động nhân đạo và trong tương lai, các hành động nhân đạo khác có thể được thực hiện".

"Thật không may, lịch sử đã cho thấy sự thiếu tin tưởng đối với Mỹ do nước này đã nhiều lần chà đạp lên các cam kết và thất hứa", ông nói thêm.

Bên cạnh đó, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ và một số cựu tù nhân chính trị Iran đã đưa ra cáo buộc về việc Tổng thống Joe Biden đã đạt được một thỏa thuận ngầm khác nhằm khuyến khích Iran tiếp tục bắt giữ con tin như một phần trọng tâm trong kho vũ khí ngoại giao của nước này.

Tuần trước, 3 quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, cũng cáo buộc Iran xây dựng kho uranium được làm giàu ở mức độ cao. Đây là tiền đề quan trọng nhất để chế tạo vũ khí và chắc chắn không thể phục vụ mục đích dân sự.

Trước khi lên máy bay tới Qatar và sau đó về Mỹ, 5 tù nhân Mỹ đã được chuyển từ nhà tù Evin đến nhiều khách sạn khác nhau ở thủ đô Iran trong thời gian chờ đợi thủ tục chuyển tiền hoàn tất. Trong đó có Morad Tahbaz, một nhà bảo tồn người Mỹ gốc Anh đã bị bỏ lại Iran khi hai công dân Anh - Iran khác là Nazanin Zaghari-Ratcliffe và Anoosheh Ashoori được thả trước đó trong một thỏa thuận do cựu Ngoại trưởng Anh Liz Truss đàm phán.

Nhóm nhân quyền của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ rất vui mừng cho Tahbaz và gia đình ông, "những người đã vận động không mệt mỏi và kiên cường đấu tranh với các quan chức Anh, những người chưa bao giờ xem xét hoàn cảnh của ông ở mức độ khẩn cấp và nghiêm trọng đáng có, để trả tự do cho ông".

Người Mỹ gốc Iran, những người mang quốc tịch Mỹ, không được Iran công nhận. Họ thường trở thành "quân bài" giữa hai quốc gia.

Tuần trước, có thông tin cho rằng 3 người mang hai quốc tịch đã bị bắt ở Iran. Hai tuần trước, lần đầu tiên Johan Floderus, một nhà ngoại giao EU đến Iran, được xác nhận đã bị bỏ tù kể từ tháng 4/2022.

Theo Guardian