1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

5 "công cụ" giúp Nga đáp trả các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ

(Dân trí) - Chính quyền Nga có thể sử dụng một số “công cụ” đặc biệt để đối phó với Mỹ sau khi Washington tuyên bố sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt bổ sung với Moscow vào cuối tháng này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Phần Lan hồi tháng 7 (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Phần Lan hồi tháng 7 (Ảnh: AFP)

Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước tuyên bố sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga vào cuối tháng này do cáo buộc Moscow có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Anh hồi tháng 3. Lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra bất chấp Moscow từng nhiều lần lên tiếng bác bỏ có liên quan tới vụ việc này.

Mỹ cho biết sẽ nhắm mục tiêu tới việc cấm xuất khẩu các mặt hàng được cho là nhạy cảm về an ninh tới Nga, dừng các chuyến bay của hãng hàng không Aeroflot của Nga tới Mỹ, thậm chí có thể cấm toàn bộ hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào Nga. Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga được cho là gia tăng theo cấp độ và nếu Nga không chứng minh cho Mỹ thấy rằng nước này đã dừng sử dụng vũ khí hóa học như cáo buộc của Washington, các lệnh cấm vận sẽ mạnh tay hơn.

Với kế hoạch trên, Mỹ đã cấm vận gần như tất cả các mặt hàng mà nước này có thể cấm vận với Nga. Trong khi đó, Moscow vẫn đang kiềm chế và chưa công bố các biện pháp đáp trả Mỹ. Các nghị sĩ Nga cảnh báo Moscow có thể nhắm tới các lĩnh vực nhạy cảm trong quan hệ hợp tác giữa hai nước nếu muốn áp đặt các biện pháp trả đũa Washington.

Theo RT, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin vẫn có một số “công cụ” để đối phó với Washington.

Titanium

Trong trường hợp muốn đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ, chính quyền Nga có thể áp đặt lệnh cấm toàn bộ hoặc hạn chế một phần việc xuất khẩu titanium sang Mỹ. Công ty VSMPO-Avisma độc quyền về titanium của Nga sản xuất 1/3 trữ lượng titanium cho ngành công nghiệp máy bay thế giới. Công ty này cung ứng 70% sản phẩm cho thị trường toàn cầu. Avisma cung cấp 40% titanium cho Boeing, 60% cho Airbus và 100% cho hãng chế tạo máy bay Embraer của Brazil.

Việc thay thế titanium của Nga là điều gần như không thể với hãng Boeing. Ngành công nghiệp sử dụng titanium bắt đầu đồng thời cả ở Mỹ và Liên Xô từ thập niên 1950. Tuy nhiên, chỉ Nga mới sản xuất thành công hợp kim titanium chất lượng cao.

Việc sử dụng nguyên liệu khác thay thế titanium cũng không phải là lựa chọn lý tưởng đối với Boeing. Titanium có những lợi thế nhất định so với các hợp kim khác. Việc chế tạo máy bay cần sử dụng những nguyên liệu có thể chịu được áp lực mạnh khi máy bay hoạt động ở độ cao lớn so với mặt đất cũng như khả năng va đập liên tục.

Trước đây máy bay thường được làm từ thép, tuy nhiên các hãng máy bay hiện nay thường ưu tiên sử dụng các nguyên liệu nhẹ hơn và bền hơn để kéo dài tuổi thọ của máy bay và giúp máy bay hoạt động hiệu quả. Titanium cứng như thép nhưng nhẹ hơn 45%. So với thép và nhôm, giá thành của titanium cao hơn. Ngoài ra, titanium cũng có thể chịu được việc tiếp xúc với nước mặn trong thời gian dài ở những vùng khí hậu biển.

Không phận

Máy bay Boeing 737 MAX (Ảnh: Chicago Tribune)
Máy bay Boeing 737 MAX (Ảnh: Chicago Tribune)

Với vị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, Nga có thể áp đặt thuế suất cao hơn đối với các máy bay chở khách và chở hàng của Mỹ muốn đi qua không phận Nga. Thậm chí, Nga có thể cấm toàn bộ các chuyến bay của Mỹ trên không phận Nga.

Trong tình huống bị cấm vận, các máy bay của Mỹ phải chấp nhận trả mức thuế cao hơn cho Nga, nếu không sẽ phải tìm đường bay khác. Việc không thể di chuyển qua Nga, vốn là chặng đường ngắn hơn để đi từ châu Âu sang châu Á, đồng nghĩa với việc các hãng hàng không Mỹ sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với các hãng hàng không châu Âu và châu Á.

Trong trường hợp bị cấm đi vào không phận Nga, các máy bay của Mỹ sẽ phải bay lòng vòng xung quanh quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, đồng nghĩa với việc chi phí nhiên liệu sẽ tăng lên đáng kể. Khi đó, các hãng hàng không của Mỹ sẽ chịu thiệt hại nặng nề và đây sẽ là thảm họa đối với ngành công nghiệp hàng không Mỹ.

Năng lượng

Việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga vào Mỹ có thể bị cấm. Giá trị xuất khẩu dầu và các sản phẩm hóa dầu từ Nga vào Mỹ chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD và chỉ chiếm 4,6% kim ngạch xuất khẩu dầu nói chung của Nga. Theo đó, nếu Nga không xuất khẩu dầu vào Mỹ nữa, lệnh cấm này cũng gần như không hề hấn gì với các nhà sản xuất năng lượng của Nga vì họ có thể chuyển hướng sang thị trường châu Á.

Tuy nhiên, viễn cảnh trên hoàn toàn bất lợi cho Mỹ - quốc gia đang nỗ lực trở thành người chơi chính trên thị trường xuất khẩu dầu thế giới. Khi không thể tự sản xuất đủ dầu để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, Mỹ được cho là đã mua LNG của Nga sau đó bán lại cho các nước châu Âu. Nếu Nga dừng xuất khẩu dầu sang Mỹ, tham vọng trở thành nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ bị chấm dứt.

Các công ty Mỹ làm ăn tại Nga

Mặc dù quan hệ hai nước có xu hướng căng thẳng, song nhiều tập đoàn của Mỹ vẫn đang làm ăn tại Nga mà không vấp phải sự can thiệp từ chính quyền Nga. Để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga có thể khiến hàng loạt tập đoàn của Mỹ như PepsiCo, McDonald’s, Boeing, General Motors, Johnson & Johnson… gặp khó khăn trong quá trình hoạt động.

Hồi tháng 8/2014, cơ quan giám sát tiêu dùng Nga đã đóng cửa 4 nhà hàng McDonald’s ở trung tâm Moscow vì vi phạm hành chính, đồng thời mở cuộc điều tra đối với hơn 430 cửa hàng nhượng quyền của McDonald’s tại Nga.

Trong khi đó, có rất ít doanh nghiệp Nga hoạt động tại Mỹ. Do vậy, Mỹ có thể gặp khó khăn nếu muốn đáp trả Nga. Điều duy nhất Điện Kremlin cần cân nhắc khi muốn trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ tại Nga là vấn đề nhân sự do các công ty của Mỹ tuyển nhiều lao động người Nga vào làm việc.

Tên lửa Nga

Việc cung cấp các động cơ tên lửa RD-180 được xem là một trong những “át chủ bài” mà Nga có thể sử dụng để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các động cơ này đóng vai trò quan trọng trong chương trình không gian của Mỹ vì cả Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Lầu Năm Góc đều sử dụng chúng để phóng các vệ tinh. Nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt việc mua động cơ RD-180 từ Nga đã gặp thất bại vì Washington chưa thể tự chế tạo được động cơ thay thế.

Ngoài RD-180, Mỹ còn mua các động cơ RD-181 của Nga. Hồi đầu tuần, một nghị sĩ cấp cao của Nga từng kêu gọi Moscow cấm bán các động cơ RD-180 cho Mỹ như một cách để trả đũa Washington.

Thành Đạt

Theo RT