300.000 người tại Mỹ có thể chết vì Covid-19, đại dịch càn quét châu Phi
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp ở khắp thế giới, với những diễn biến đáng lo ngại ở châu Mỹ và châu Phi.
Số người chết vì Covid-19 tại mỹ có thể lên 300.000
Mô hình dự báo của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc Đại học Washington dự báo, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên sát mốc 300.000 người vào ngày 1/12 năm nay. Các nhà nghiên cứu của IHME cũng nhấn mạnh, Mỹ có thể tránh được kịch bản tồi tệ này nếu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
"Số người chết tại Mỹ có thể lên 295.011 người vào đầu tháng 12 tới. Hành vi của người dân có liên hệ trực tiếp đến tốc độ lây lan của virus từ đó quyết định số người chết", IHME cho biết. Cũng theo cơ quan này, nếu 95% người Mỹ đeo khẩu trang số người chết sẽ chỉ ở mức hơn 228.000 người, nghĩa là sẽ cứu được sinh mạng của hơn 66.000 người.
Dự báo trên được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ dự đoán số người chết vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên hơn 181.000 người vào cuối tháng này.
Theo số liệu của Worldometer, đến nay Mỹ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 với hơn 5 triệu ca mắc bệnh, trong đó hơn 162.000 trường hợp đã tử vong. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/8 một lần nữa nói rằng đại dịch Covid-19 sẽ "tự biến mất", đồng thời kêu gọi các bang mở cửa trường học trở lại vì ông tin rằng Covid-19 "không ảnh hưởng nhiều" đến trẻ nhỏ. Chủ nhân Nhà Trắng cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ có vắc xin ngừa Covid-19 trước bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11 tới.
Covid-19 càn quét châu Phi
Châu Phi hiện là điểm nóng bùng phát Covid-19. Tính đến ngày 6/8, số ca mắc Covid-19 tại châu lục này đã vượt mốc 1 triệu. Chỉ 2 tháng trở lại đây, số ca mắc Covid-19 tại châu Phi đã tăng gấp 5 lần, và riêng tháng 7 tăng gấp đôi. Điều này làm dấy lên lo ngại Covid-19 có thể làm sụp đổ hệ thống y tế vốn được trang bị kém của châu Phi.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, đến nay, hơn 700.000 bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi, trong khi khoảng 22.000 người đã tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, số liệu trên chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", con số thực tế có thể cao gấp 10 lần, thậm chí 100 lần. Năng lực xét nghiệm hạn chết, quan điểm kỳ thị người mắc bệnh và cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn không thể đáp ứng nhu cầu có thể xem là những yếu tố khiến số liệu công bố chưa phản ánh thực tế bức tranh đại dịch ở châu Phi.
WHO cảnh báo “chủ nghĩa dân tộc vắc xin”
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở khắp nơi trên thế giới, các nước tiếp tục chạy đua để phát triển vắc xin phòng bệnh. Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo có thể xảy ra tình trạng "chủ nghĩa dân tộc" trong việc phân phối vắc xin khi các nước có thu nhập cao chi hàng tỷ USD đặt mua trước trong khi điều này gần như không thể với các nước thu nhập thấp.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, các nước giàu có được tiếp cận vắc xin cũng sẽ không được an toàn nếu các quốc gia khác vẫn phải đối phó với đại dịch.
"Chủ nghĩa dân tộc vắc xin không hề tốt, nó không giúp gì cho chúng ta. Để giúp thế giới phục hồi nhanh hơn, chúng ta phải phục hồi cùng nhau bởi đây là một thế giới hội nhập, các nền kinh tế có mối liên hệ. Chúng ta không thể phục hồi và an toàn khi chỉ có một phần thế giới hay vài nước phục hồi", ông Tedros nói tại một hội nghị trực tuyến ngày 6/8.
Theo WHO, hiện có 26 loại vắc xin được thử nghiệm lâm sàng trên người, trong đó 6 loại ở giai đoạn 3. "Không có gì đảm bảo 6 loại vắc xin này sẽ cho chúng ta câu trả lời. Do vậy, chúng ta cần nhiều hơn một loại vắc xin để đối phó Covid-19", ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO cho biết.
Dịch Covid-19 đã lan ra hầu khắp thế giới, khiến hơn 19 người mắc bệnh, hơn 700.000 người tử vong. Hầu hết các nước đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thậm chí nghiêm trọng hơn làn sóng đầu tiên.