300 tỷ USD của Nga: "Mồi ngon, nhưng Mỹ - phương Tây há miệng mắc quai!"
(Dân trí) - Hiện nay, tịch thu hoặc đóng băng tài sản của Nga tiếp tục là chủ đề nóng, bởi Mỹ - Phương Tây sẽ chưa dừng lại ở con số 300 tỷ USD. Còn trên thực địa, chiến sự Ukraine vẫn vô cùng ác liệt.
Nếu bạn bình tĩnh nhìn vào tình huống này dưới một cái nhìn tỉnh táo, thì hóa ra điều này gây ra nhiều vấn đề với phương Tây hơn là với Nga.
Sai lầm mang tính chiến lược của Phương Tây
Đầu tiên, điều rất quan trọng mang tính quyết định trong sách lược của Phương Tây là họ đã "ngây thơ" nghĩ rằng, giờ đây một cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế khủng khiếp sẽ ập đến với Nga.
Theo dự báo của các nhà phân tích phương Tây, tỷ giá của "tờ giấy xanh" sẽ tăng vọt lên 200 rub, vì vậy bất chấp Nga có thể phong tỏa tài sản của mình, Phương Tây vẫn quyết phong tỏa tài sản Nga để hy vọng đồng rub sụp đổ. Lúc đó, tình trạng thiếu tiền trong nước sẽ xảy ra, nhà nước Nga không đủ ngân sách để trả cho người nghỉ hưu, nhân viên nhà nước, quân đội, cảnh sát… thì bất ổn xã hội theo đó bùng lên.
Nếu điều đó xảy ra, nhà nước của ông Putin sẽ sụp đổ hoặc bị xé ra từng mảnh như Tổng thống Mỹ Obama và các nhà kinh tế diều hâu Mỹ thời đó tuyên bố.
Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, quả thật đồng rub rớt giá chóng mặt, tới mức 136 rub đổi 1 USD vào tháng 3/2022. Sau đó, rub lên giá mạnh lên mức 50 rub đổi 1 USD vào tháng 6 năm ngoái, nhờ giá dầu thô và khí đốt tăng mạnh mang lại nguồn thu dồi dào cho Nga.
Gần đây, rub mất giá khá nhiều, nhưng trong tháng 8 cũng chỉ loanh quanh mốc 100 rub đổi 1 USD mà thôi, còn xa mới tới "mốc 200" mà phương Tây kỳ vọng.
Thứ hai, động thái tịch thu hoặc đóng băng tài sản của Nga có thể khiến các quốc gia khác lo sợ gửi tài sản của mình vào các quốc gia Phương Tây nhất là Mỹ, Anh… vì nguy cơ bị rơi vào tình cảnh của Moscow bất cứ khi nào.
Về lâu dài, tiền lệ được đặt ra từ việc tịch thu mà thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng sẽ khiến tất cả tài sản xuyên biên giới, bao gồm cả tài sản của phương Tây, dễ bị các chính phủ chiếm đoạt nhằm ăn miếng trả miếng. Nó cũng sẽ tạo thêm động lực để các quốc gia không liên minh với Mỹ, hoặc có quan hệ không ổn định với Mỹ, vượt qua hệ thống tài chính do Mỹ lãnh đạo, vốn là nền tảng của quyền lực phương Tây.
Thứ ba, họ không tính đến đòn phản công của người Nga, nói cách khác Phương Tây vẫn nghĩ rằng đó là miếng mồi ngon.
Bà Alexandra Prokopenko - học giả tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, cũng là thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức và nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu và Quốc tế, trong một bài đăng trên báo Financial Times nhận định: "Đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đang bước vào vòng xoáy mới đầy nguy hiểm".
"Tại Moscow, những hành động như vậy của nhà chức trách phương Tây ngày càng bị coi là "cướp giữa ban ngày", và những nhân vật cứng rắn ở điện Kremlin sẽ không chỉ ngồi yên và nhìn", bà Prokopenko nói.
Điện Kremlin được cho là sẽ có nhiều biện pháp ứng phó với việc bị Mỹ và phương Tây phong tỏa và đóng băng tài sản của Nga (Ảnh: Musement).
Sức chống chọi kỳ diệu của Nga - Phương Tây chỉ biết ngồi nhìn!
Khi xung đột ở Ukraine nổ ra, phương Tây đã áp đặt thêm hàng ngàn lệnh trừng phạt nhằm khiến kinh tế Nga sụp đổ nhanh chóng và sẽ gặp khó để duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, kinh tế nước này vẫn trụ vững trước "bão trừng phạt vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử đương đại nhằm vào một quốc gia và từng bước thúc đẩy tăng trưởng trở lại đáng ngạc nhiên.
Trong tháng 8 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, sau sự sụt giảm 2,1% GDP năm 2022, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023. Vậy đâu là nhân tố giúp kinh tế Nga vượt lên sự ngăn chặn của phương Tây?
Trước hết, theo giới phân tích, đó là sự điều hành linh hoạt và kích thích đáng kể của Chính phủ Nga, sự chuyển dịch nhanh chóng sang nền kinh tế thời chiến và sự chuyển hướng dòng chảy thương mại chưa từng có của Nga từ châu Âu sang các đối tác châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Đặc biệt, quá trình nội địa hóa nhiều sản phẩm được ưu tiên, chẳng hạn "hàng kim loại thành phẩm", dòng sản phẩm bao gồm cả vũ khí và đạn dược, tăng 30% trong nửa đầu năm nay so với năm 2022.
Đây được xem là điểm nhấn khá ấn tượng để kinh tế Nga chẳng những thoát khỏi tắc nghẽn đột ngột mà từng bước thích ứng trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Ngoài ra, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga cũng hợp lý và hiệu quả khi buộc các đối tác châu Âu mua dầu Nga phải giao dịch bằng đồng rub và triển khai rộng rãi đồng rub kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thô phong phú với số lượng lớn của Nga giữ vị trí quan trọng của nhiều nền kinh tế thế giới. Dù phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế nhưng không thể đoạn tuyệt với nguồn khoáng sản và các sản phẩm độc quyền của Nga.
Chẳng hạn, về dầu khí, phương Tây áp đặt giá trần, để rồi mỗi năm vẫn phải chi hàng trăm tỷ USD "rót" vào ngân sách nước Nga. Sự phụ thuộc vào các sản phẩm hạt nhân của Nga vốn được sử dụng chủ yếu để cung cấp nhiên liệu phục vụ các lò phản ứng dân sự cũng khiến Mỹ và các đồng minh đứng trước nguy cơ thiếu năng lượng, nếu Nga cắt nguồn cung.
Thách thức này có thể trở nên gay gắt hơn khi phương Tây đang tìm cách thúc đẩy sản xuất điện không phát thải để chống biến đổi khí hậu. Nga đã bán khoảng 1,7 tỷ USD sản phẩm hạt nhân tới các công ty ở Mỹ và châu Âu thời gian qua.
Ở khía cạnh khác không kém phần quan trọng là phương Tây trừng phạt Nga nhưng phần còn lại của thế giới không muốn điều đó, do nhu cầu toàn cầu tiếp tục duy trì đối với các loại hàng hóa khác của Nga, nhất là năng lượng, lương thực và phân bón. Do đó, Nga vẫn ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục, thước đo tổng quát về dòng vốn chảy vào nền kinh tế.
Theo "Báo cáo tài sản toàn cầu hằng năm" của Ngân hàng UBS Group tại Thụy Sĩ vừa công bố, Nga đã có thêm 600 tỷ USD trong khi số lượng triệu phú cũng tăng lên.
Ngược lại, các nước trừng phạt Nga như Mỹ lại mất nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác vào năm 2022 khi 5.900 tỷ USD "bốc hơi". Tương tự, các nước Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại cũng bị "nghèo" đi 10.900 tỷ USD.
Đáng chú ý, theo Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, tính đến cuối năm 2022, Nga vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ 5 thế giới. Diễn biến này cho thấy kinh tế Nga vẫn đứng vững, nó chỉ đơn giản được tái cơ cấu và tái định hướng từ phía Tây sang phía Đông và phía Nam trước "cơn mưa" trừng phạt của phương Tây.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Chúng ta đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng trừng phạt kinh tế của phương Tây và triển vọng phục hồi kinh tế rất sáng. Điều này chắc chắn sẽ gây bất ngờ đối với những quốc gia không thân thiện với Nga".
Lần đầu tiên trong lịch sử, Nga không nhảy theo điệu nhảy của Phương Tây tập thể hay của IMF.
Tôi biết rằng dự trữ vàng và ngoại hối trị giá 300 tỷ USD của Nga đang bị đóng băng, nhưng chúng tôi đã kiếm được gấp đôi số đó.
Trước sự chống trọi kỳ diệu này, Nga đã biến Phương Tây giống con rắn tự nuốt đuôi của mình. Đối thủ không thể sử dụng 300 tỷ USD này của Nga vì nếu lưu thông số tiền này hay chuyển tới Ukraine như Kiev đề nghị chẳng hạn, thì lập tức lạm phát sẽ tăng, dù nhỏ, nhưng cũng độc hại với nền kinh tế đang chẳng mấy an toàn của EU.
Phương Tây chỉ ngồi nhìn và hy vọng rằng Nga in tiền (bỏ qua IMF) sẽ khiến nền kinh tế Nga lạm phát.
Thật thú vị, trái ngược với tất cả các nguyên tắc thị trường, mặc dù đã in một lượng lớn tiền rub mới, lạm phát ở Liên bang Nga tăng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, vì nền kinh tế Nga vẫn chưa quá bão hòa với tiền giấy. Đó là lý do tại sao, run rẩy với cơn thịnh nộ bất lực, Washington tuyên bố rằng họ không còn coi nền kinh tế Nga là nền kinh tế thị trường nữa.
Với Phương Tây, số tiền 300 tỷ USD này nhả ra cũng không được, vì điều này chứng tỏ sự thất bại trước người Nga, nhưng nuốt vào cũng chẳng trôi. Vì vậy, truyền thông Phương Tây nói rằng, số tiền bị phong tỏa của Nga, bị mất tích, họ chưa tìm ra Nga giấu chúng ở nơi nào! Có lẽ đây là cách giải thích hay nhất vì trên thế giới, ngay cả các tinh hoa chính trị đâu phải ai cũng giỏi IT.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Tôi biết rằng dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đang bị đóng băng, nhưng chúng tôi đã kiếm được gấp đôi số đó.
Tuy nhiên, khoan nói về khối tài sản 300 tỷ USD này, chúng ta đang nói về niềm tin vào những người đã làm ra chuyện đó đang dần suy yếu".
Tổng thống Putin từng nhiều lần tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm phá hủy kinh tế Nga đã thất bại.
Nhiều chuyên gia kinh tế, bao gồm cả phương Tây, đã cảnh báo việc tịch thu tài sản của Nga sẽ khiến các nhà đầu tư của hệ thống ngân hàng châu Âu mất niềm tin trầm trọng và gây tổn hại đến vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của khối.
Tổng thống Putin cũng cáo buộc "một số quốc gia, chủ yếu là các quốc gia phương Tây, đang phá hủy hệ thống quan hệ tài chính, thương mại và kinh tế toàn cầu".
Ông cho rằng "phương Tây ưu tiên lợi ích trực tiếp và lâu dài cho người dân của họ và tầng lớp tinh hoa mà không phải toàn thể nhân loại hay phát triển thế giới đa cực".
Kinh tế Nga đang đứng vững trước các đòn trừng phạt. Cấu trúc độc đáo của nền kinh tế, đặc biệt là phần đáng kể trong GDP do các doanh nghiệp nhà nước chi phối, dường như giúp Nga ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo ông Chris Weafer, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn kinh doanh Macro Advisory, "cấu trúc độc đáo của nền kinh tế, đặc biệt là phần đáng kể trong GDP do các doanh nghiệp nhà nước chi phối. Đó là lý do chính giải thích tại sao đời sống kinh tế của người Nga và những nỗ lực chiến sự, nếu nhìn từ bề ngoài, thì dường như ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây".
"Điều đó đồng nghĩa là trong thời điểm khó khăn, nhà nước Nga có thể bơm tiền vào khu vực công, tạo sự ổn định và trợ cấp cũng như giữ cho các ngành công nghiệp và dịch vụ đó tiếp tục hoạt động", ông Weafer cho biết thêm.
Chuyên gia này phân tích: "Điều đó tạo ra một nhân tố ổn định cho nền kinh tế Nga, tất nhiên, trong thời điểm thuận lợi hay phục hồi, nó cũng đóng vai trò mũi nhọn".
Ông đánh giá những khoản trợ cấp của chính phủ Nga cho các ngành công nghiệp then chốt của khu vực công đã giúp ổn định tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Nga tung đòn bất ngờ khiến phương Tây ngỡ ngàng (Ảnh: OXGS).
Phương Tây "há miệng mắc quai", hậu quả có thể vô cùng tàn khốc
Phải chăng, chỉ cần một vài biện pháp kinh tế, cùng với điều cấm của IMF là một quốc gia bất kỳ, nếu ngoại hối và vàng (tài sản thế chấp ở bên ngoài) mà bị đóng băng là coi như Nhà nước đó không thể in tiền để trả lương cho nhân viên, người nghỉ hưu, quân đội, cảnh sát? Họ sẽ đáp trả như Nga ư? Sẽ bao vây, cấm vận, trừng phạt và thậm chí sử dụng vũ lực? May ra thế giới chỉ Nga làm được.
Bây giờ, ai muốn bán thứ gì đó để lấy USD, liệu họ dám chắc rằng sẽ không bị đóng băng, bị lấy đi?
Dự trữ bị đóng băng của Liên bang Nga là một canh bạc thực sự của Tổng thống Vladimir Putin, một mặt, điều này đã chứng minh rõ ràng cho toàn thế giới thấy những rủi ro mà đồng tiền quốc gia của Mỹ mang lại, nhưng mặt khác đây là miếng mồi to béo mà Điện Kremlin đã dày công tung ra.
Hãng thông tấn TASS ngày 19/8 trích dẫn cuộc phỏng vấn của Ngoại trưởng Sergey Lavrov với tạp chí International Affairs, trong đó đề cập về viện trợ của phương Tây với Ukraine.
"Về tiền bạc, tổng hỗ trợ của phương Tây cho chế độ Zelensky trong thời gian diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt đã vượt 160 tỉ USD, bao gồm cả viện trợ quân sự trị giá 75 tỉ USD", ông Sergey Lavrov cho biết.
Nhưng khi chiến sự kéo dài và các nền kinh tế phương Tây đang chịu áp lực từ lạm phát cao, việc thông qua những gói viện trợ lớn mới cho Kiev chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến tài sản bị đóng băng của Nga trở thành nguồn tiền hấp dẫn với phương Tây.
"Nếu bạn hỏi con đường nào dễ dàng hơn về mặt chính trị, tịch thu tài sản của đối thủ mà chúng ta đã phong tỏa hay dùng tiền đóng thuế của người dân để hỗ trợ tái thiết kinh tế Ukraine, câu trả lời là dùng tài sản Nga", Larry Summers, Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton, hồi tháng 2 nói.
Thật không may, các nhà tinh hoa của Phương Tây, vì chủ quan, ngạo mạn đã "nuốt miếng mồi" này không do dự để rồi lâm vào thế "há miệng mắc quai".
Bắc Kinh đang theo sát sự kiện và lên kế hoạch để tránh rơi vào tình cảnh như Liên bang Nga. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang làm vậy, vì họ lo ngại về các hành động từ chính phủ Mỹ.
Báo NetEase cho biết: "Cách tiếp cận của Mỹ đã gây ra thiệt hại đáng kể cho trật tự thế giới và tạo sự nguy hiểm cho hoạt động kinh doanh quốc tế".
Tại Trung Quốc, một câu hỏi đã được đặt ra: làm cách nào để bảo vệ tài sản quốc tế của bản thân khi nước Mỹ đã cho thấy việc giữ tiền trong các ngân hàng và trái phiếu phương Tây là không an toàn. Chỉ một cách thực sự hiệu quả đó là rút chúng đi.
Hiện nay tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài vào khoảng 9.000 tỷ USD, phần lớn số tiền đó thuộc diện có thể bị Mỹ trừng phạt.
Trong bối cảnh này, Bắc Kinh đang xem xét khả năng rút tiền khỏi quyền tài phán của các hệ thống tài chính phương Tây. Trong trường hợp viễn cảnh trên xảy ra, tổn thất của Mỹ sẽ vô cùng "tàn khốc".