2,5 tấn uranium ở Libya biến mất bí ẩn, IAEA lo về an ninh hạt nhân
(Dân trí) - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết đang tìm hiểu về nguyên nhân 2,5 tấn uranium ở Libya biến mất, đồng thời cảnh báo về nguy cơ an ninh hạt nhân bị ảnh hưởng.
Reuters ngày 15/3 dẫn thông báo của IAEA cho hay, khoảng 2,5 tấn uranium lẽ ra phải được cất trữ tại một địa điểm ở Libya đã biến mất khi phái đoàn thanh sát của tổ chức trên tới kiểm tra.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết: "Các thanh sát viên phát hiện 10 thùng phuy chứa khoảng 2,5 tấn uranium tự nhiên ở dạng UOC (tinh quặng uranium) đã biến mất".
Nhiệm vụ thanh sát diễn ra hôm 14/3. Ban đầu, nó được lên kế hoạch vào năm ngoái, nhưng đã phải hoãn lại vì tình hình an ninh trong khu vực, quan chức Grossi thông báo trong báo cáo dài một trang gửi cho các thành viên IAEA.
IAEA sẽ tiến hành các hoạt động tiếp theo để xác định vị trí của 2,5 tấn uranium và lý do nó biến mất khỏi địa điểm. Cơ quan này không nêu chính xác tên địa điểm cất trữ uranium, chỉ nói rằng nó không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ được quốc tế công nhận và IAEA cần có quy trình hậu cần phức tạp để đến được nó.
IAEA cảnh báo, việc mất dấu 2,5 tấn uranium có thể gây ra rủi ro phóng xạ, cũng như các mối lo ngại về an ninh hạt nhân.
Libya đã có máy ly tâm làm giàu uranium và thiết kế bom nguyên tử, nhưng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vào năm 2003, trong nỗ lực hàn gắn quan hệ với phương Tây.
Tuy nhiên sau quyết định này, tình hình Libya trở nên bất ổn. Đến năm 2011, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy. Từ đó đến nay, Libya vẫn rơi vào khủng hoảng và không thể nào khắc phục được những mâu thuẫn.