20 năm Hong Kong trở về Trung Quốc
(Dân trí) - Năm 1997, Anh đã trao trả Hong Kong về với Trung Quốc sau khi thỏa thuận thuê đất hết hạn. Sau tròn 20 năm, Hong Kong vẫn đang là một đặc khu hành chính, với hệ thống chính quyền, luật pháp và văn hóa khác biệt. Nhưng chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với Hong Kong sau năm 2047.
“Một đất nước, hai chế độ”
Quốc kỳ Trung Quốc tung bay tại Hong Kong trong lễ trao trả vào ngày 1/7/1997, sau 156 năm cai trị của người Anh. Khi đó, Hong Kong vẫn duy trì nhiều chế độ như hồi còn là thuộc địa của Anh. Hiến pháp Trung Quốc cho phép đặc khu hành chính Hong Kong có hệ thống kinh tế và luật pháp độc lập, tự do ngôn luận và cơ quan lập pháp riêng biệt.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi đó đã đưa ra nguyên tắc quản lý Hong Kong theo mô hình "một đất nước, hai chế độ". Theo đó, Hong Kong được phép duy trì nền kinh tế "tư bản" và những quyền tự do dân chủ có giới hạn. Tuy nhiên, chủ quyền của Hong Kong sẽ thuộc về Trung Quốc
Tại sao Anh trao trả Hong Kong vào năm 1997?
Sau khi thực dân Anh đánh bại triều đình nhà Thanh trong các cuộc chiến tranh thuốc phiện, lãnh thổ Hong Kong và Cửu Long được trao cho người Anh cai quản theo Điều ước Nam Kinh và Điều ước Bắc Kinh. Đến năm 1989, London thuê lại một số cùng lãnh thổ khác xung quanh khu vực này, đồng thời cam kết sẽ trao trả lại cho Trung Quốc sau 99 năm. Theo thỏa thuận, “thương vụ” thuê đất này sẽ hết hạn vào ngày 30/6/1997.
Khi đó chính phủ Anh đề xuất trao trả chủ quyền Hong Kong cho Trung Quốc nhưng vẫn duy trì sự cai quản vùng đất này, tuy nhiên đề xuất này đã bị bác bỏ.
Điều đó đồng nghĩa với việc Hong Kong đã hoàn toàn trở về với Trung Quốc vào ngày 1/7/1997, với điều kiện thành phố này vẫn duy trì một chính quyền độc lập, luật pháp độc lập và lối sống khác biệt so với đại lục trong thời hạn 50 năm, tức là vào năm 2047.
Vì sao lễ kỷ niệm 20 năm quan trọng?
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong trở về với Trung Quốc mang ý nghĩa rất quan trọng. Sau 20 năm, Hong Kong đã thay đổi nhanh chóng. Chính quyền thành phố cùng với giới chức Trung Quốc đã thúc đẩy những mối liên hệ chặt chẽ thông qua những dự án cơ sở hạ tầng, thay đổi trong giáo dục và tăng cường quan hệ kinh tế.
Cũng giống hầu hết các nước trên thế giới, Hong Kong ngày càng có những phân cực rõ ràng trong chính sách ngoại giao. Tại Hong Kong có hai xu hướng trái ngược là ủng hộ đại lục và ủng hộ một Hong Kong có quyền tự trị.
Nhân dịp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm đầu tiên tới Hong Kong kể từ khi ông nắm quyền năm 2012.
“Niềm tự hào dân tộc”
Kể từ khi nắm quyền năm 1949, đảng Cộng sản Trung Quốc luôn phản đối sự cai trị của các nước khác đối với các vùng lãnh thổ vốn thuộc Trung Quốc.
Sự trở về của Hong Kong là một dấu mốc quan trọng, là niềm “tự hào dân tộc”. Thậm chí, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng dọa sẽ giành lại Hong Kong bằng vũ lực nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong hòa bình.
Hong Kong cũng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh nước này chuyển sang nền kinh tế thị trường một cách chậm chạp.
Người dân giờ đây nghĩ gì?
Đường phố Hong Kong trong dịp kỷ niệm 20 năm trở về đại lục (Ảnh: Imaginechina)
So với 20 năm trước, người dân Hong Kong giờ đây không còn nhiều cảm xúc về việc thành phố này trở về với Trung Quốc. Hầu hết người dân đều cảm thấy một chút háo hức xen lẫn hoang mang.
Họ hầu như không hề biết điều gì sẽ thay đổi trong tương lai gần khi thỏa thuận Trung - Anh hết hiệu lực. Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát tình hình. Nhà lãnh đạo mới của Hong Kong, bà Carrie Lam, được biết đến là một chính trị gia thân Trung Quốc.
Trong vài năm trở lại đây, đã có nhiều nhóm phong trào, chủ yếu là những người trẻ, đứng lên đấu tranh yêu cầu quyền độc lập cho Hong Kong.
Tương lai sẽ ra sao?
Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố rõ ràng điều gì sẽ xảy ra với Hong Kong sau năm 2047 khi thỏa thuận với Anh hết hiệu lực. Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy việc gắn kết gần gũi hơn nữa với Hong Kong, đặc biệt là tăng cường các kênh vận chuyển.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến dự đoán rằng Hong Kong sẽ mất dần vị thế đặc khu và trở thành một tỉnh bình thường của Trung Quốc.
Nhật Minh
Theo Guardian