10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2014
(Dân trí) - Bức tranh thế giới 2014 có nhiều điểm nhấn đáng chú ý, trong đó nổi bật nhất là cuộc đối đầu Đông-Tây, chiến dịch quốc tế chống IS và căng thẳng biển đảo từ chính sách đối ngoại cứng rắn của Trung Quốc. Dân Trí bình chọn 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2014.
1. Căng thẳng biển đảo leo lên nấc thang mới
Nửa đầu năm 2014 ghi nhận nhiều diễn biến căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông liên quan đến các hoạt động gây hấn ở cấp độ cao hơn của Trung Quốc.
Bắc Kinh không chỉ đưa nhiều tàu thuyền và máy bay đến quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở Hoa Đông, mà còn ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam (từ 1/5 - 15/7), làm dấy lên làn sóng phản đối trên khắp thế giới và buộc ASEAN lần đầu tiên ra nghị quyết riêng về Biển Đông.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi rút giàn khoan, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động san lấp và xây dựng tại các hòn đảo chiếm giữ trái phép ở Biển Đông hòng nuôi dưỡng mưu đồ độc chiếm vùng biển giàu tài nguyên này.
2. Khủng hoảng chính trị tồi tệ tại Ukraine nhấn chìm quan hệ Đông-Tây
Cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ kéo dài hơn một năm qua ở Ukraine đã đẩy căng thẳng quan hệ Đông-Tây lên đỉnh điểm kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt tài chính và năng lượng khắc nghiệt đối với Mátxcơva sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ liên bang.
Tuy nhiên, những đòn “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau giữa Nga và phương Tây chỉ càng đẩy khu vực đông nam Ukraine chìm sâu vào bất ổn với sự ra đời của hai Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk và Donetsk.
Căng thẳng cũng buộc Mátxcơva phải thay đổi căn bản chính sách năng lượng thông qua việc ngừng dự án “Dòng chảy phương Nam” đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu để ký với Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận xây một đường ống khác và ký với Trung Quốc 2 dự án “khủng” cung cấp hơn 70 tỷ m3 khí/năm.
3. Sự trỗi dậy tàn bạo của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng
IS trở thành mối đe dọa khủng bố lớn nhất thế giới trong năm 2014, đe dọa làm đảo lộn bản đồ địa chính trị Trung Đông và thách thức cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Với 50.000-200.000 tay súng thiện chiến, trong đó khoảng 20.0000 chiến binh nước ngoài đến từ cả Mỹ và châu Âu, cộng thêm chiến lược hoạt động bài bản và thế mạnh về tài chính, quân sự, IS không chỉ khuynh đảo Iraq và Syria, mà còn đe dọa các chính quyền Shiite trong khu vực và thách thức các chính phủ phương Tây thông qua việc hành quyết các con tin bị chúng bắt giữ.
Ngoài ra, IS còn tuyên bố thành lập “caliphate” (Vương quốc Hồi giáo) với tham vọng kiểm soát toàn bộ thế giới Hồi giáo trong tương lai.
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ và tàn bạo của IS, Mỹ đã phải đứng ra thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố với sự tham gia của khoảng 60 nước, đánh dấu sự tham chiến trở lại của Mỹ ở Trung Đông sau 3 năm rút quân khỏi Iraq. Hàng trăm cuộc không kích đã được liên minh tiến hành nhưng vẫn chưa thể đẩy lùi lực lượng này.
4. Đại dịch Ebola hoành hành ở Tây Phi
Lần đầu tiên sau rất nhiều năm thế giới mới lại chứng kiến một đại dịch hoành hành, cướp đi sinh mạng của hơn 7.000 người trong tổng số hơn 16.000 người nhiễm bệnh ở 3 nước “ổ dịch” Tây Phi gồm Guinea, Siera Leon và Liberia.
Rất nhiều nỗ lực quốc tế đã được phối hợp thực hiện nhằm đẩy lùi nạn dịch với sự vào cuộc chưa từng có của đội ngũ y, bác sĩ và tình nguyện viên đến từ khắp các châu lục. Nhiều người trong số này thậm chí hy sinh cả mạng sống của mình.
Nhiều nước như Mỹ, Nga, Canada và Thụy Sĩ đã tiến hành thử nghiệm vắcxin phòng vi rút Ebola trên người và bước đầu thu được kết quả khả quan.
5. Năm thảm họa của hàng không và đường thủy thế giới
Thế giới liên tiếp đón nhận những thông tin bàng hoàng về các vụ tai nạn thảm khốc trong năm 2014.
Đầu tiên là máy bay mang số hiệu MH-370 của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn ở Biển Đông hôm 8/3 cùng với 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Tiếp đó, ngày 16/4, phà Sewol chở theo 476 người bị lật ở ngoài khơi đảo Jindo của Hàn Quốc, làm 295 người thiệt mạng và 9 người mất tích, chủ yếu là học sinh trung học. Ngày 17/7, thêm một vụ rơi máy bay MH-17 của Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine làm toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng.
Những vụ tai nạn này đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn của ngành hàng hải và hàng không quốc tế.
6. Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm
Quan hệ Mỹ-Cuba dã được sưởi ấm trở lại.
Sau hơn nửa thế kỷ (53 năm) băng giá, quan hệ Mỹ-Cuba đã được sưởi ấm trở lại với việc hai bên nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đây là bước đột phá lịch sử hướng tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng cựu thù và là tiến trình không thể đảo ngược ở Mỹ Latinh.
Mặc dù hai nước còn rất nhiều khó khăn trong việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận hà khắc của Mỹ nhằm vào Cuba, song việc Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barack Obama đạt được thỏa thuận lịch sử sau gần một năm đàm phán bí mật ở Canada dưới sự trung gian của Tòa thánh Vatican là tin vui lớn nhất trong năm khi giúp phá vỡ bức tường ngăn cách cuối cùng còn sót lại kể từ Chiến tranh Lạnh.
7. Chính trường Mỹ xẻ đôi sau bầu cử Quốc hội
Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ hôm 4/11 đã xẻ đôi chính trường Mỹ khi đảng Cộng hòa đối lập giành nốt quyền kiểm soát Thượng viện để nắm trọn quyền lãnh đạo ở cả hai viện Quốc hội khóa mới, bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2015.
Việc đảng Cộng hòa chi phối Quốc hội còn đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama kiểm soát Nhà Trắng báo hiệu sẽ tạo ra nhiều cuộc “so găng nảy lửa” giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp của Mỹ, gây nhiều khó khăn cho chính quyền Tổng thống Obama trong hai năm cuối nhiệm kỳ.
8. Giá dầu lao dốc mạnh trong những tháng cuối năm
Trong nửa cuối năm, giá dầu thế giới đột ngột giảm gần 50% giá trị, từ 115 USD/thùng vào tháng 6 xuống còn khoảng 60 USD/thùng tháng 12/2014, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Việc giá dầu liên tục lao dốc bắt nguồn từ thực trạng dư cung trên thị trường thế giới và gây tác động trái chiều đến các nền kinh tế.
Trong khi những nước nhập khẩu dầu được hưởng lợi từ sự xuống giá của mặt hàng "vàng đen" thì những nước xuất khẩu lại đang phải gánh nhiều thiệt hại. Điển hình trong số này là Nga, Iran, Venezuela và một số quốc gia Arập ở Trung Đông như Qatar, Ả-rập xê-út.
Hiện chưa có bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào lý giải được nguyên nhân chính xác khiến dầu thô thế giới liên tục phá đáy, ngoài những cáo buộc cho rằng Mỹ đang sử dụng chiêu bài kinh tế để đánh bại nước Nga của Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do gì, cuộc chiến “siêu vũ khí” này sẽ không thể kéo dài mãi nhằm tránh đẩy kinh tế thế giới vào một cơn suy thoái mới trong bối cảnh hầu hết các nước vẫn chưa phục hồi đầy đủ sau cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế 2008.
Trong suốt hơn 2 tháng, lực lượng phản đối với nòng cốt là học sinh, sinh viên và giới viên chức trẻ đã tiến hành hàng trăm cuộc biểu tình, bao vây, phong tỏa nhiều vị trí trọng yếu của đặc khu và làm tê liệt hầu hết các hoạt động ở “trung tâm tài chính châu Á” này.
Mặc dù phong trào biểu tình sau đó đã bị chính quyền Hồng Kông dùng các biện pháp mạnh khống chế và giải tán, song nó vẫn đặt nền tảng cho cuộc đấu tranh chính thống lâu dài cho lực lượng dân chủ khi chính quyền đặc khu đã chấp nhận tham vấn dân chúng về thể thức bầu cử trong tương lai.
10. Biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng toàn nước Mỹ
Liên tiếp các vụ cảnh sát da trắng làm chết người da đen đã thổi bùng cơn giận dữ vốn âm ỉ trong dân chúng Mỹ và khơi mào cho làn sóng biểu tình, bạo động tồi tệ nhất ở nước này trong nhiều năm trở lại đây. Các cộng đồng người da màu ở Mỹ, nhất là cộng đồng gốc Phi, ngày càng mất lòng tin với lực lượng cảnh sát phần đông là người da trắng, cho thấy vấn đề người da màu vẫn là một “hố đen” trong bức tranh nhân quyền của nước Mỹ.
Rõ ràng, dù có nhiều bước phát triển và luôn tự coi mình là nền dân chủ lớn nhất thế giới song nước Mỹ vẫn chưa thể gột rửa hoàn toàn nạn phân biệt chủng tộc, cho dù Mỹ đang có một vị Tổng thống gốc Phi và một Bộ trưởng Tư pháp người da màu.
Đức Vũ