1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đông Á năm 2014: "Nóng" vì những ý đồ chiến lược lâu dài của Trung Quốc

(Dân trí) - Là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, trong năm qua Đông Á đã nổi lên là địa chỉ của những hợp tác kinh tế đa phương lớn. Nhưng bên cạnh đó, những căng thẳng an ninh tại đây cũng đã bị đẩy lên cấp độ mới, đặc biệt trong những tháng đầu năm.

Giàn khoan Hải Dương-981, một trong những sự kiện gây căng thẳng nhất tại Đông Á trong năm 2014.
Giàn khoan Hải Dương-981, một trong những sự kiện gây căng thẳng nhất tại Đông Á trong năm 2014.
Giàn khoan Hải Dương-981, một trong những sự kiện gây căng thẳng nhất tại Đông Á trong năm 2014.

Nhân tố trung tâm của mọi chuyển động kinh tế, chính trị cũng như an ninh ở Đông Á trong năm qua chủ yếu xoay quanh những ý đồ chiến lược lâu dài của Trung Quốc, quốc gia đang tìm cách trỗi dậy mạnh mẽ cả về chính trị, an ninh và kinh tế.

Với mưu đồ độc chiếm Biển Đông, mở rộng kiểm soát ở Hoa Đông và đưa Bắc Kinh thành trung tâm mạng lưới hợp tác kinh tế khu vực, Trung Quốc đã chủ động đẩy các vấn đề căng thẳng biển đảo lên cao trong nửa đầu năm, để rồi sau đó đột ngột lấy hợp tác kinh tế làm công cụ xoa dịu căng thẳng an ninh trong nửa cuối năm.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2014, thế giới chú ý tới Đông Á với những căng thẳng biển đảo dâng cao, đôi khi tới mức nghẹt thở. Những căng thẳng này một phần được tiếp nối từ hành động của Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông tháng 12/2013, chồng lấn lên ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc; phần khác do những hành động gây hấn mới của Bắc Kinh tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản ở Hoa Đông, quần đảo Hoàng Nham/Scarborough tranh chấp với Philippines ở Biển Đông và trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Trong đó, căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm khi Bắc Kinh “mượn tay” Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) để hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ ngày 1/5-15/7/2014. Hành động ngang nhiên này của Trung Quốc đã châm ngòi cho làn sóng phản đối rộng khắp trên thế giới ở nhiều cấp độ kéo dài nhiều tuần sau đó, đồng thời buộc nhiều quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương phải điều chỉnh chính sách an ninh quốc phòng.

Mạnh mẽ nhất trong số này là chính phủ Nhật Bản với việc điều chỉnh lại Hiến pháp theo hướng cho phép bảo vệ đồng minh khi có xung đột, thành lập Bộ Quốc phòng và tăng cường mạnh tiềm lực quân sự. Tiếp đến là Philippines với vụ kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc liên quan đến những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng lần đầu tiên ra nghị quyết riêng về Biển Đông để lên án mạnh mẽ các hành động ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế và châm ngòi căng thẳng của Trung Quốc.

Tất nhiên, Mỹ cũng đã có những phản ứng rất cứng rắn. Là “người chơi chính” ở châu Á-Thái Bình Dương, nên dù bận rộn với cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ căng thẳng Đông-Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đầy cam go và những đấu đá chính trị nội bộ…, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn phải dành nhiều ưu tiên cho khu vực đang phát triển năng động nhất thế giới hiện nay.
 
Nhà Trắng không chỉ điều chỉnh cách thức can dự vào các cơ chế hợp tác an ninh ở khu vực (lần đầu tiên tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư  thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí cho Việt Nam), mà còn thúc đẩy hình thành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có sự tham gia của Trung Quốc để tạo nên các gọng kìm kiềm chế Bắc Kinh.

Mạng trực tuyến "Diễn đàn Đông Á" cũng nhận định rằng chính những hành động và tuyên bố chủ quyền biển đảo phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông là nguyên nhân khiến các nước phải phản ứng mạnh. Bởi, những hành động đó đã làm nảy sinh những câu hỏi lớn về mức độ ảnh hưởng đối với tự do thông thương hàng hóa, tự do đi lại, hiểu đúng luật pháp quốc tế, tuân thủ các thỏa thuận đã ký trong khu vực và sử dụng hòa bình các không phận, đại dương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng và đan xen lợi ích nhiều tầng nấc hiện nay, chắc chắn không “nhân vật chính” nào ở Đông Á muốn để xảy ra xung đột, chiến tranh hay bất kỳ sự kiện nào vượt tầm kiểm soát. Vì thế, sau khi bị dư luận khu vực và quốc tế chỉ trích mạnh mẽ về việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong EEZ của Việt Nam, Trung Quốc đã quyết định đi một loạt nước cờ hạ nhiệt như  rút giàn khoan về nước, giảm tần suất cử tàu thuyền, máy bay ra các vùng biển tranh chấp, đồng thời đề xuất cơ thế hợp tác kinh tế đa phương nhân dịp chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22.

Tại sự kiện quốc tế đầu tiên được tổ chức dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình, nước chủ nhà APEC 22 đã tìm mọi cách thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Mục đích chính của Trung Quốc là “trói” sự phát triển chung của APEC với các mục tiêu phát triển riêng của nước này, đồng thời tạo sự đối kháng với TPP do Mỹ cầm trịch.

Cũng tại sự kiện này, Trung Quốc đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác khổng lồ và củng cố mạnh mẽ quan hệ tới Nga để làm đối trọng chống Mỹ. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn tiến hành cuộc gặp cấp cao với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhiều lãnh đạo khác của các nền kinh tế thành viên để củng cố vai trò trung tâm trong thúc đẩy kết nối và phát triển kinh tế khu vực.

Sự thay đổi thái độ của Trung Quốc xung quanh thời điểm diễn ra APEC 22 không ngoài mục đích đảm bảo cho hội nghị diễn ra thành công. Vì thế, không lâu sau khi hội nghị khép lại, Bắc Kinh đã cho nối lại các hoạt động cử tàu thuyền đến quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku ở Hoa Đông, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông nhằm phục vụ cho mục tiêu kiểm soát 90% diện tích vùng biển này trong tương lai. Bên cạnh đó, theo một số nguồn tin không chính thức, nhiều khả năng Bắc Kinh cũng đã bí mật thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Những hành động này của Trung Quốc một lần nữa lại đẩy Đông Á vào tình trạng căng thẳng và là chỉ dấu cho thấy sự “nóng, lạnh” trong khu vực phụ thuộc rất nhiều vào thái độ cũng như hành động thực tế của “gã khổng lồ” này.   

Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa Trung Quốc là nhân tố quyết định cuộc chơi. Hiện nay, khu vực Đông Á đang tập trung hầu hết các cường quốc lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Mỗi hành động hay chiến lược của các nước này đều có ảnh hưởng lớn đến xu hướng chuyển động chung của khu vực.

Bởi vậy, chiến lược xoay trục an ninh của Mỹ, hành động tăng cường quân sự mạnh mẽ của Nhật Bản, chính sách cứng rắn của Philippines ở Biển Đông, sự xoay hướng hợp tác của Nga và đặc biệt là sự trỗi dậy phi hòa bình của Trung Quốc đều đang làm nóng Đông Á, khiến các bên khó tránh khỏi va chạm lợi ích và đẩy căng thẳng gia tăng. Để ngăn chặn xu hướng này, các bên liên quan cần nhanh chóng loại bỏ tâm lý nghi kỵ, chấm dứt các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, cố tình thay đổi hiện trạng và tiến tới xây dựng khung pháp lý chung vì ổn định, hợp tác và phát triển lâu dài trong khu vực.

Đức Vũ