Nông dân xứ hoa ở miền Tây phấn khởi vì trúng mùa, được giá
(Dân trí) - Hàng chục năm trồng cúc mâm xôi vàng nhưng Tết Ất Tỵ 2025 là năm nhiều nông dân trồng hoa ở Bến Tre được mùa vì thời tiết thuận lợi, cúc trổ đều, đẹp, bán được giá tốt.
Những ngày này, nông dân huyện Chợ Lách, Bến Tre đang hối hả đóng gói các chậu cúc mâm xôi để kịp giao cho thương lái phân phối đến các chợ và một số tỉnh thành lớn như TPHCM, Hà Nội.
Chị Đỗ Thị Ngọc Tuyết, 44 tuổi, ngụ xã Long Thới, cho biết Tết 2025, chị trồng 2.000 chậu cúc mâm xôi vàng. Hiện chị đã xuất bán hơn 1.000 chậu, số còn lại dự kiến sẽ bán hết vào ngày 23 tháng Chạp. Đây là năm đầu tiên chị có mùa hoa bội thu sau 4 năm sản xuất hoa kiểng Tết.
"Cúc xuống giống từ tháng 5 âm lịch, qua nhiều lần lặt đọt để tạo được đóa hoa kích thước 8 tấc (80cm). Năm nay thời tiết thuận lợi, mặt hoa đều đẹp, thương lái không ép giá nên nhà vườn ai nấy đều phấn khởi", chị Tuyết chia sẻ.
Theo chị Tuyết, thời tiết những tháng cuối năm khá ôn hòa nên cúc trổ đều, không bị cháy nắng, tỷ lệ hao hụt thấp. Điều này khiến bà con xứ Chợ Lách vui mừng hơn vì hoa trúng mùa còn được giá. Thương lái nhiều nơi phải "chốt cọc" sớm. Giá cúc mâm xôi dao động từ 170.000 đồng đến 200.000 đồng/cặp (tùy kích cỡ). Loại mini (nhỏ) 70.000 đồng/cặp.
Ông Trần Văn Ảo, ngụ xã Long Thới, có thâm niên 20 năm trong nghề trồng hoa Tết, chia sẻ rằng Tết này ông cung cấp 2.000 chậu cúc mâm xôi, 1.000 chậu vạn thọ và hoa mào gà. Trong đó, cúc mâm xôi là mặt hàng chủ lực được tiêu thụ mạnh nhất.
"Tôi làm cúc kích thước 8 tấc vì loại này trưng đẹp, dễ chơi. Cúc này được khách ở Hà Nội ưa chuộng lắm. Mong rằng mùa hoa này người người, nhà nhà đều ai nấy mua may, bán đắt cầu chúc cho năm mới suôn sẻ, sung túc", ông Ảo gửi gắm hy vọng.
Nhân công tất bật vận chuyển hoa từ giàn để bó giấy báo rồi chờ chất lên xe phân phối tới các chợ, cửa hàng hoa kiểng.
Gần 17h nhưng không khí làm việc tại một vườn hoa xuân ở xã Long Thới vẫn rất náo nhiệt, phấn khởi vì chủ vườn có lời, lao động tự do có việc làm trong những ngày cận Tết.
Hoa bán đắt, nhiều lao động lớn tuổi như bà Nguyễn Thị Kim Vân, ngụ xã Long Thới, vui mừng vì những ngày này, bà Vân liên tục "tăng ca" 8-10 tiếng để bó hoa tại các vườn cúc mâm xôi.
"Mỗi tiếng được trả công 30.000 đồng, xong vườn này thì tôi đi chỗ khác làm tiếp. Từ đầu tháng đến ngày đưa ông Táo về trời là thời điểm bà con làm thời vụ như chúng tôi được nhiều việc có thu nhập trang trải để đón Tết", bà Vân vui vẻ nói.
Chợ Lách hiện có khoảng 15.000 hộ trên tổng số 34.000 hộ dân của huyện tham gia sản xuất cây giống, hoa kiểng, đây là nguồn kinh tế chủ lực của nông dân địa phương.
Hoa Tết được nông dân trồng xen trong vườn cây ăn trái. Mùa hoa là nguồn sống chính của nhiều gia đình ở huyện Chợ Lách. Nhờ nghề sản xuất hoa kiểng, người dân cất nhà, nuôi con ăn học, ổn định cuộc sống.
Những con đường quê của làng hoa Chợ Lách - Bến Tre rực rỡ sắc vàng của cúc mâm xôi trong những ngày cuối năm.