Vụ "Quan xã ăn chặn gói mì tôm của người tàn tật":

Lời hứa xây nhà cho anh Ngô Trung Sổng bị lãng quên

(Dân trí) - Ngày 6/2, tức là cách đây 4 tháng, ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Phủ Lý (Hà Nam) khẳng định với PV Dân trí sẽ xây nhà cho anh Ngô Trung Sổng. Tuy nhiên, đến nay lời hứa nói trên dường như đã bị lãng quên. Sau thời gian mòn mỏi chờ đợi, anh Sổng đành phải tự xây nhà cho chính mình.

Trở lại thăm anh Ngô Trung Sổng (xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), nhân vật trong bài viết “Thương người đàn ông quanh năm ăn mì tôm sống” và cũng là nạn nhân trong loạt bài điều tra “Quan xã ăn chặn gói mì tôm của người tàn tật” đăng trên báo Dân trí hồi tháng 1/2015, chúng tôi vui mừng khi hay tin anh đang xây lại nhà mới. Căn nhà được xây lại trên nền đất cũ với diện tích chừng 30m2, đang giai đoạn gần xong phần thô. Anh Sổng cho hay, hiện việc thi công tạm dừng ít hôm do bà con trong thôn bận mùa gặt. Công trình nhà cấp 4 này do em anh Sổng là anh Ngô Trung Phức đảm nhận, với dự kiến tổng chi phí khoảng hơn 40 triệu đồng.
 
Lời hứa xây nhà cho anh Ngô Trung Sổng bị lãng quên

Anh Ngô Trung Sổng cho biết, mặc dù anh em trong gia đình đã đồng ý cho anh sửa nhà, nhưng hơn 4 tháng nay phía chính quyền xã Trịnh Xá và thành phố Phủ Lý vẫn chưa có ai đến thăm hỏi và thực hiện lời hứa xây nhà mới cho anh nên buộc anh phải tự xây nhà vì căn nhà cũ đã quá cũ nát, có thể đổ sập bật cứ lúc nào

“Tôi cũng nghe là thành phố hứa xây cho tôi một căn nhà sau khi đạt được thỏa thuận với anh em họ hàng về việc xây nhà trên đất tổ tiên. Nhưng suốt 4 tháng qua không ai hỏi lại gì nữa, tôi thì tàn tật chẳng biết đi hỏi ai, nên đành phải tự xây. Cũng may có một đơn vị ở Hà Nội là nhóm thiện nguyện Đa Bảo khi về thăm đã hứa cho tôi 25 triệu để xây nhà, họ đã ứng trước cho tôi 5 triệu, số còn lại họ sẽ thanh toán nốt khi nghiệm thu công trình. Căn nhà này tôi dự kiến cũng phải hơn 40 triệu nên tôi phải trích thêm từ nguồn ủng hộ của bạn đọc Dân trí trước đây. Tôi chỉ dám làm nhà cấp 4, gọi là có chỗ che mưa che nắng, đảm bảo an toàn khi sinh sống là tôi vui lắm rồi”, anh Sổng nói.

Anh Sổng cho biết thêm, căn nhà cũ sập xệ đến mức khi thợ vào tháo dỡ, vừa mới tháo một trụ chống thì toàn bộ căn nhà đổ sập. “Hôm đó may mà thợ kịp thoát ra ngoài chứ không thì chết người như chơi. Căn nhà này dự kiến khoảng 1 tháng nữa là hoàn thành. Đời tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có được ngôi nhà mới như này nếu không có tấm lòng hảo tâm của bạn đọc Dân trí đã giúp đỡ trong thời gian qua”, anh Sổng chia sẻ.
 
Anh Sổng trong ngôi nhà xập xệ, đổ nát hồi tháng 1/2015 khi lần đầu tiên PV Dân trí đến thăm anh

Anh Sổng trong ngôi nhà xập xệ, đổ nát hồi tháng 1/2015 khi lần đầu tiên PV Dân trí đến thăm anh
Anh Sổng trong ngôi nhà xập xệ, đổ nát hồi tháng 12/2014 khi lần đầu tiên PV Dân trí đến thăm anh

Sau thời gian mòn mỏi chờ đợi, anh Sổng phải tự phá dỡ và xây lại nhà từ sự ủng hộ của bạn đọc Dân trí. Căn nhà có kết cấu đơn giản với dự toán khoảng 40 triệu đồng
Nhà lợp mái tôn không có chống nóng

Nhà lợp mái tôn không có chống nóng
Tường lát gạch 10cm, nhưng với anh Sổng là cả một giấc mơ sau bao nhiêu năm sống trong khốn khó

Tường lát gạch 10cm, nhưng với anh Sổng là cả một giấc mơ sau bao nhiêu năm sống trong khốn khó

Liên quan đến việc xây nhà cho anh Sổng, PV Dân trí đã gặp ông Phạm Văn Quân, Chánh Văn phòng UBND thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam để nắm thêm tình hình. Tại buổi gặp, ông Quân cho biết: “Hôm qua tôi về dự buổi họp Hội đồng nhân dân bất thường của xã Trịnh Xá thì mới biết anh Sổng đang xây nhà. Đúng là lãnh đạo UBND thành phố Phủ Lý có hứa xây nhà cho anh Sổng khi anh đạt được thỏa thuận với anh em trong gia đình chọn mảnh đất để xây. Việc này thành phố giao cho xã, nhưng từ đó đến nay không nghe phía xã báo cáo lên. Giờ nhà anh Sổng đang xây rồi, nên tôi dự định tham mưu với lãnh đạo thành phố hỗ trợ một phần kinh phí cho việc xây nhà của anh Sổng trong thời gian tới”.

Ông Phạm Văn Quân cũng cho biết, sau hơn 4 tháng rốt ráo điều tra về việc ông Mai Hiển Dũng, cán bộ chính sách của xã Trịnh Xá ăn chặn tiền trợ cấp dành cho người tàn tật trên địa bàn Trịnh Xá, ngày 28/5, phía Công an tỉnh Hà Nam đã có kết luận điều tra chính thức và đã chuyển cho Viện Kiểm sát truy tố. “Hiện tại kết luận điều tra của công an tỉnh chúng tôi cũng chưa nhận được, nên nội dung xử lý vụ việc như thế nào các anh phải hỏi bên Công an tỉnh”, ông Quân cho hay.

PV Dân trí cũng đã liên lạc với lãnh đạo công an tỉnh Hà Nam để xin kết luận điều tra của cơ quan này về sự việc “quan xã Trịnh Xá ăn chặn gói mì tôm của người tàn tật”, nhưng đại diện của công an tỉnh Hà Nam cho biết chưa thể cung cấp với báo chi lúc này mà hẹn sẽ chuyển ít hôm nữa sau khi hoàn tất công tác điều tra về sự việc. Theo một nguồn tin chưa chính thức mà PV Dân trí có được, số tiền ăn chặn của ông Mai Hiển Dũng không chỉ dừng lại ở 9 đối tượng với số tiền 18 triệu đồng như kết luận ban đầu trước đây, mà lên đến con số cả trăm triệu đồng, với rất nhiều đối tượng và nhiều nội dung phức tạp. PV Dân trí sẽ thông tin đến bạn đọc về sự việc trong thời gian tới.
 
Thế Nam - Phạm Oanh - Đức Văn