1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Góp bầu sữa cho trẻ bị bỏ rơi

(Dân trí) - Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 50km có một ngôi nhà cấp 4 nằm trong khuôn viên xanh mướt những hàng cây của Trung tâm bảo trợ xã hội số 4 với hơn 20 đứa trẻ sơ sinh thơ dại chưa từng được biết đến một vòng ôm của mẹ, cha.

Có người dứt núm ruột của mình ra đi, nhưng cũng có tấm lòng người dưng thầm lặng chăm sóc các bé nên người. Không chỉ nuôi sống một mạng người, họ còn tạo cho đứa trẻ ấy niềm tin về lòng nhân ái. Đó là các “mẹ” tại Trung tâm bảo trợ xã hội số 4. Chúng tôi tìm đến đây khi trẻ em trên mọi miền Tổ quốc đang đếm từng ngày đợi Tết trung thu. Không khí khá im ắng, thi thoảng từ một góc phòng nào đó lại hắt lên một tiếng ọ ẹ và tiếng gắt ngủ của trẻ. 

Nguyễn Thị Mão, một “mẹ” tại Trung tâm cho biết: Đứa trẻ bị bỏ bơ vơ làm bạn với lũ côn trùng bên bãi rác, bờ sông. Đứa khác bị bỏ thoi thóp trước hành lang bệnh viện. Mới lọt lòng, nhiều đứa con bị chối bỏ phũ phàng. Vì nhiều lý do, người mang nặng đẻ đau đã bỏ số phận các em lênh đênh.

Góp bầu sữa cho trẻ bị bỏ rơi  - 1

"Mẹ" Nguyễn Thị Mão dỗ bé Nguyễn Kim Cúc.

 
Nhiều em bị bỏ không một dòng địa chỉ, không một cái tên… Những cái tên, những ngày tháng, quê quán khai sinh cũng là do những người nuôi dưỡng chúng ở đây lo cả. Có không ít trường hợp không biết chính xác mà chỉ dựa vào sự lớn bé hay đôi khi là cái ngày mà các em bị bỏ rơi. Nữ hộ sinh Nguyễn Hồng Nga nói: “Có lẽ vì bị dứt khỏi vòng tay của đấng sinh thành quá sớm nên các bé cũng ngoan hơn, ít nhõng nhẽo hơn những đứa trẻ bình thường…”.

Ông Nguyễn Quang Thắng - Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội số 4 ngậm ngùi nói với chúng tôi: “Mặc dù nhà nước có chính sách bảo trợ và nuôi dưỡng cho trẻ mồ côi nhưng mức trợ cấp dưỡng còn rất hạn chế đối với cả trẻ và người chăm sóc trẻ. Hiện một trẻ sơ sinh được trợ cấp 210.000 đồng/tháng/trẻ, trẻ lớn 185.000 đồng/tháng/trẻ. Muốn chăm sóc trẻ tốt, các trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi vẫn phải dựa chủ yếu vào sự đóng góp của những người có lòng hảo tâm. Chúng tôi vẫn thường xuyên phải quyên góp đồ dùng quần áo, tã lót dùng lại từ người thân, người quen và người dân quanh đây. Bỉm dành cho các bé, với chúng tôi, cũng là một thứ hàng xa xỉ”.

Qua những dòng thông tin ngắn ngủi trên đây, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý bạn đọc hảo tâm hãy chia sẻ, giúp đỡ cho những cảnh đời thơ dại, đặc biệt là kinh phí để mua sữa cho các bé.

Quí vị có thể gửi đến địa chỉ: Báo Dân trí, số 2, Giảng Võ, Hà Nội. Điện thoại: 04.7366769.

PV