"Xin hãy cứu tôi"!
Ngày mai 7/4 là "Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện", tôi xin được chia sẻ câu chuyện đầy yêu thương mà những đồng nghiệp của tôi đã cho bệnh nhân máu, chạy đua với tử thần.
Chuyện xảy ra vào một buổi chiều tháng 1/2018.
Hôm ấy, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đang kiểm tra khu phòng khám, thì một người đàn ông 30 tuổi bị vết thương thấu bụng trong tình trạng sốc mất máu quá nặng, người nhà đưa vào viện.
"Xin hãy cứu tôi!"
Nạn nhân chỉ kịp ngóc đầu dậy nói đúng một câu ngắn gọn, rồi gục xuống bất tỉnh, cả ê kíp cấp cứu đã giữ câu nói ấy suốt 3 tiếng đồng hồ phẫu thuật.
Làm thế nào để cứu được mạng sống cho một bệnh nhân quá nặng với những tổn thương quá khó, với bệnh viện tuyến huyện? Gần như không có lời giải. Để an toàn cho bác sĩ và bệnh viện, chỉ có cách tốt nhất là chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để rũ bỏ trách nhiệm, nhưng đó sẽ là quyết định mà bệnh nhân chắc chắn phải trả giá bằng cái chết.
Những câu hỏi quá hóc búa ấy, đã được bác sĩ giám đốc bệnh viện giải quyết một cách xuất sắc, ông đứng lên lãnh trách nhiệm tổng chỉ huy "trận đánh" cứu người.
"Chuyển thẳng lên phòng mổ!"
Đó là câu lệnh ngắn gọn, ngắn gọn đến mức sai hoàn toàn cú pháp, chỉ có động lệnh mà không có dự lệnh, nhưng đó là câu lệnh quyết định vận mạng của một con người.
Đường dây báo động đỏ Sở Y tế ngay lập tức kích hoạt.
Bệnh viện tôi điều ngay tổ cấp cứu cơ động, gồm một ê kíp phẫu thuật ổ bụng và lồng ngực, một ê kíp hồi sức cấp cứu ngoại, đúng 15 phút sau tất cả lên đường. Những chiếc xe cứu thương hú còi tối đa, kiên nhẫn mà khẩn trương rẽ đám đông ùn tắc trên đường phố, vượt đèn đỏ, lao ngược dòng người trên những cung đường một chiều, hướng thẳng ra ngoại ô thành phố bằng vận tốc nhanh nhất có thể.
Tại Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn, thời gian từ lúc bệnh nhân vào viện cho đến khi mở ổ bụng, chỉ vỏn vẹn 15 phút, các y bác sĩ ngay lập tức lao vào cuộc chiến.
Nhìn bên ngoài, nạn nhân chỉ có ba vết thương rất nhỏ, mỗi vết hơn 2cm, nhưng tổn thương bên trong thì lại rất nghiêm trọng. Toàn bộ tá tràng bị đứt làm đôi, đầu tụy bị cắt rách, dạ dày bị xuyên thủng, động mạch vành vị bị đứt và chảy máu dữ dội, nhánh phải tĩnh mạch gan cũng bị đứt rời, cơ hoành bị thủng gây tràn máu tràn khí màng phổi cả hai bên.
Suốt thời gian phẫu thuật 3 tiếng đồng hồ, nạn nhân cần 10 đơn vị máu để truyền, bình thường máu được lấy từ ngân hàng máu ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Nhưng trong trường hợp cấp cứu, nạn nhân mất máu quá nặng, sẽ không thể chờ máu từ ngân hàng mang đến.
Là bác sĩ, tôi hay bất cứ ai cũng hiểu máu là hiện thân của bi kịch dẫn đến cái chết, nếu như nó không được cung cấp đầy đủ, không đúng chủng loại và không đúng thời điểm. Máu là chìa khóa để cứu nạn nhân khỏi lưỡi hái của tử thần.
Ý thức được điều này, giám đốc bệnh viện đã thông báo cho tất cả các khoa phòng, kêu gọi nhân viên tình nguyện đến làm xét nghiệm để hiến máu. Chỉ sau thông báo vài phút, các y bác sĩ tạm ngừng công việc, họ đổ dồn về khu xét nghiệm, các nhân viên khoa xét nghiệm đã căng mình làm việc.
Nhưng có một vấn đề hết sức nan giải, là kết quả xét nghiệm nạn nhân thuộc nhóm máu hiếm AB, nếu truyền nhóm máu khác với số lượng nhiều sẽ rất nguy hiểm, nên bắt buộc phải truyền cùng nhóm. Vài trăm cán bộ nhân viên bệnh viện, chỉ đúng 2 người nhóm máu AB, lấy đâu ra 10 đơn vị máu để truyền.
Một anh lái xe cứu thương của bệnh viện nghe thông tin bệnh nhân cần máu, anh gọi thêm người nhà cùng đến xét nghiệm, kết quả thật bất ngờ, anh trở thành người thứ 3 có nhóm máu hiếm AB, đủ tiêu chuẩn hiến cho bệnh nhân.
Tôi gặp giám đốc và hỏi tên từng người hiến máu, nhưng ông nói với tôi rằng trong số hàng trăm người làm xét nghiệm, ai cũng mong bản thân mình được nằm trong số hiến máu, nhưng chỉ có 3 người tất cả, chắc chắn không ai trong số đó muốn được nêu tên để tuyên dương.
Giám đốc còn nói thêm với tôi, những người dù hiến máu hay không được hiến máu, thì họ đều là những anh hùng, nhưng không ai muốn người khác biết đến trong thế giới y khoa, bởi họ hiểu hơn ai hết mỗi giọt máu mà họ cho đi, là sẽ có thêm một cơ hội sống.
Có một chị người nhà đi chăm bệnh nhân khác, khi biết nạn nhân trên bàn mổ đang cần truyền máu với số lượng lớn, lại thuộc nhóm máu hiếm, nên chị đã tình nguyện, kết quả xét nghiệm của chị cũng thuộc nhóm máu AB. Cũng giống như các y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, chị không có họ hàng hay thân quen gì với nạn nhân, nhưng chị biết máu là thứ tài nguyên quý giá nhất, nó có khả năng cứu sống con người chỉ bằng một hành động đơn giản là hiến máu, chị cũng không muốn được ghi danh với hai chữ "anh hùng".
Tôi hỏi người bố của nạn nhân, rằng ông có biết những ai hiến máu cho con trai hay không? Ông trả lời là gia đình cũng cố hỏi, nhưng không ai nhận, chỉ biết có mấy anh chị mặc áo trắng, một bác lái xe, cùng một chị người nhà đi chăm bệnh nhân. Bố nạn nhân muốn được gửi lời cảm ơn tới những người đã hiến máu, cám ơn những giọt máu đã cứu vớt những điều tốt đẹp, nó giúp con ông có thêm cơ hội để hồi sinh.
Trong y tế có một thuật ngữ "an toàn máu".
An toàn máu liên quan đến tính mạng và sức khỏe của người dân, liên quan đến an ninh quốc gia và ổn định xã hội, đồng thời là một phần quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Hiến máu không chỉ là công việc của riêng ngành y tế, mà cần sự hợp tác đa ngành, cần sự tham gia của toàn xã hội.
Quay ngược thời gian, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, GS.TS Đỗ Trung Phấn, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Bạch Mai, đã phát động phong trào hiến máu tình nguyện. Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội chúng tôi đã hưởng ứng nhiệt tình. Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện ra đời. Ngay sau đó, các trường y dược trên địa bàn và các y bác sĩ ở thủ đô cũng nhiệt tình tham gia.
Ngày 24/1/1994, được sự ủng hộ của Ban Khoa giáo Trung ương, ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên được tổ chức trên quy mô lớn, có sự tham gia hiến máu của nhiều cán bộ lãnh đạo cấp trung ương, phong trào hiến máu bắt đầu hoạt động và trở nên có quy củ.
Ngày 7/4/2000, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã ký quyết định về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, đồng thời lấy ngày 7/4 hằng năm là "Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện".
Phải bốn năm sau, vào ngày 14/6/2004, để khuyến khích người dân hiến máu tình nguyện cũng như công khai và thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch an toàn máu toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới, Liên đoàn Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Liên đoàn các tổ chức hiến máu quốc tế, cùng với Hiệp hội Truyền máu Quốc tế đã công bố lấy ngày 14/6 hàng năm là "Ngày Hiến máu Thế giới".
Biết bao số phận con người đã được cứu sống nhờ những giọt máu tình nguyện từ người khác. Tuy nhiên thực trạng các ngân hàng máu hiện nay luôn trong tình trạng thiếu máu. Nhân ngày này, tôi chỉ xin nói thêm một lần nữa: Hiến máu là để chia sẻ sự sống!
Tác giả:Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!