Vàng bỏ két
Trước Tết, mẹ nhờ tôi chở đến tiệm vàng. Tôi tò mò hỏi có phải do lãi suất tiết kiệm thấp nên bà muốn mua vàng hay không, mẹ tôi trả lời: "Đó chỉ là một lý do. Mẹ muốn mua sẵn mấy chỉ vàng làm hồi môn cho các cháu sau này, nhân khi còn dành dụm được ít đồng và giá vàng chưa tăng quá cao".
Các cháu nội ngoại của mẹ tôi, lớn thì chưa xong tiểu học còn nhỏ mới tròn một tuổi. Có lẽ, người già ai cũng đều tính xa như vậy? Trong suy nghĩ của nhiều người, giá vàng có thể lên xuống trong một giai đoạn nào đó song về dài hạn sẽ cao hơn đáng kể so với hiện tại.
Vậy mới có những câu chuyện dở khóc dở cười trên mạng xã hội, tranh luận về việc nhận mừng cưới bằng vàng thì phải mừng lại bằng vàng. Không ít cặp đôi cưới xong phải cất kỹ vàng được tặng vào két, phòng trường hợp vàng tăng giá cao mà phải "trả lại" cho người tặng.
Vàng là tài sản trú ẩn, là một kênh đầu tư để sinh lời. Với người Việt, vàng còn có những giá trị tinh thần nhất định. Nhiều người thích giữ vàng, đeo vàng bên mình để cảm thấy yên tâm và tự tin. Một số chị em ở miền Tây Nam Bộ cứ tới cuối năm lại mang trang sức vàng nào lắc, nào kiềng, nào nhẫn ra vệ sinh.
Đương nhiên, dù công nghệ chế tác ngày càng tinh xảo khiến những chất liệu giả vàng cũng lấp lánh và đẹp mắt nhưng độ bền và chất "vàng thật" tạo nên sự khác biệt lớn. Thế nên, trong đính ước hay làm quà tặng thì nhẫn vàng, trang sức vàng vẫn khó bị thay thế, là biểu trưng của sự bền bỉ và quý giá.
Vàng còn là biểu tượng cho phú quý, sung túc, may mắn và thịnh vượng. Chẳng thế mà khung cảnh quen thuộc thường lặp đi lặp lại mỗi dịp vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) là hàng dài người mua kiên nhẫn xếp hàng ở cửa hàng vàng.
Trước ngày vía Thần Tài năm nay, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, từ ngày 4/2 đã có những tiệm vàng "cháy hàng" và nhìn chung khách rất khó để mua được nhẫn vàng trơn và vàng miếng. Thực tế này càng cho thấy sự ưa thích rất lớn của người Việt dành cho vàng.
Cần hiểu là với những người chỉ mua một vài chỉ vàng trong dịp vía Thần Tài thì hành động mua vàng ở đây đơn giản là "cầu may". Do đó, giá vàng lên hay xuống với họ không quan trọng. Tuy nhiên, lượng mua nhiều đến mức các cửa hàng vàng "cháy hàng" thì khả năng cao là mua đầu cơ để bán ra kiếm lời.
Theo các chuyên gia, việc mua vàng với mục đích "lướt sóng" vào ngày vía Thần Tài là khá rủi ro, do quy luật giá thường tăng trước ngày 10 tháng Giêng và hạ nhiệt sau đó. Hơn nữa, khoảng cách giá mua vào - bán ra có lúc lên tới trên dưới 3 triệu đồng. Tuy vậy, khi nhìn lại phiên giao dịch ngày vía Thần Tài năm ngoái (31/1/2024), giá vàng SJC bán ra khoảng 77 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn bán ra ở mức 64 triệu đồng/lượng thì nếu nắm giữ đến hiện tại, người mua đã lãi đậm. Bởi vậy, rất khó để đưa ra lời khuyên chính xác, nhất là trong bối cảnh vàng thế giới biến động mạnh như hiện nay.
Trên góc độ quản lý, chủ trương của Nhà nước là chống "vàng hóa" nền kinh tế. "Vàng nằm im trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu về vốn trong sản xuất kinh doanh là rất lớn" một vị đại biểu nêu quan điểm trước Quốc hội vào tháng 11/2024.
Trong phiên họp trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, nhất là vàng miếng giá trị cao.
Một cách nôm na, khi người dân giữ vàng trong két đồng nghĩa một lượng tài sản nằm im, không sử dụng được. Nếu vàng đó chuyển thành tiền gửi tiết kiệm thì ngân hàng có thể sử dụng cho vay; hoặc nếu tiền đầu tư vào thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) thì doanh nghiệp có vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo một số nguồn tin, lượng vàng trong dân hiện khoảng 400-500 tấn nhưng tất cả đều là dự đoán, ước lượng. Còn theo tính toán của nhóm chuyên gia đến từ Fulbright (ông Huỳnh Thế Du và ông Nguyễn Xuân Thành), vào cuối năm 2023, có khoảng 2.000 tấn vàng (2.356-2.576 tấn) trong nền kinh tế Việt Nam.
Dù là với con số nào thì cũng đang có một lượng tài sản lớn nằm im phòng thủ. Trong khi đó, nhìn vào dữ liệu đăng ký doanh nghiệp thấy rằng, chỉ tính trong tháng đầu năm, trong khi có gần 33.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì đồng thời có tới 58.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp đóng cửa, trong đó câu chuyện tiếp cận vốn, lãi suất luôn là một trong những lý do hàng đầu.
Tại Chỉ thị số 03 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng.
Năm ngoái, NHNN can thiệp thị trường thông qua đấu thầu nhưng càng đấu thầu thì giá lại càng tăng. Vì thế, hiện nay giới quan sát và các thành viên thị trường đều đang kỳ vọng vào tiến độ sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng nêu tại Chỉ thị 03. Theo đó, NHNN được giao khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý II.
Chỉ còn ít tháng để NHNN hoàn thành nhiệm vụ nêu trên và nhiều ý kiến chuyên gia đã được đưa ra như mở sàn vàng; tăng cung, xóa bỏ thương hiệu độc quyền vàng quốc gia SJC; cho phép liên thông thị trường vàng với thị trường thế giới…
Việc khuyến khích người dân bán vàng ra để dùng tiền đầu tư vào nền kinh tế không có nghĩa là việc mua vàng bị cấm. Người dân mua vàng, giữ vàng là quyền định đoạt tài sản của họ. "Nước chảy chỗ trũng", tài sản luôn tìm đến những kênh mang lại lợi nhuận và ít rủi ro. Để huy động lượng tài sản đang "nằm im" trong vàng, biến thành tiền đưa vào lưu thông thì Nhà nước cần thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh ổn định thì mới có thể thu hút người dân đầu tư.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!