Trường lớp học yêu
Mỗi lần giỗ bà dì Chín - em ruột bà ngoại - tôi đều gặp người đàn ông đó. Một người có khuôn mặt hiền lành, một chút khắc khổ, ăn nói lịch thiệp, một dạ hai dạ với ngoại tôi.
Ngoại cho biết, đó là ông Lang, người chồng chưa kịp cưới của dì tôi. "Hai ông bà định cuối năm đó (1964) sẽ cưới nhau, chính thức về chung một nhà thì trận lụt tháng Mười đã cướp bà đi vĩnh viễn", má tôi kể.
Chuyện tình yêu của ông bà thật đẹp, dù không có một kết cuộc như ý nguyện. Thời chiến tranh, yêu thương nhau vì cảm mến được cái tình của người kia là chính, không có quà cáp, tình phí gì cả. Nên "có lẽ ai yêu thương ai sẽ yêu thiệt lòng, bằng dạ chân thật nhất", má tôi nói.
Ông bà yêu nhau ba năm. Ông đi hỏi cưới bà, ông cố tôi đồng ý. Lụt năm Thìn đã chia rẽ họ. Mỗi dịp giỗ bà Chín ông đều vào nhà tôi để dâng lễ, gói bánh, ít trái cây hay chai rượu nếp… Rồi những người lớn lại bồi hồi ngồi tưởng nhớ về người mất - là bà Chín - lần nào cũng rưng rưng.
Nhiều năm sau, kể cả khi đã mãn tang bà Chín, ông Lang vẫn ra vô một mình, không nỡ có ai. Mãi đến lần giỗ thứ 5 của bà, ông cố tôi mới ngỏ lời: "Thôi thì con gái của cha không còn nữa. Con cũng cần có một cuộc sống mới, nếu con ưng ai thì nói cha đi hỏi cưới cho". Ông Lang không còn cha mẹ ruột nên ông cố tôi sau đó đã cầm trầu cau đứng ra đi hỏi vợ cho con rể, dù ông chưa chính thức cưới bà Chín.
Ngoại tôi kể, có lẽ vì cái tình cái nghĩa đó mà nhiều chục năm sau, tới lúc đã già, ông vẫn còn nhớ bà, đến ngày giỗ lại tìm về thắp nén tâm hương. Ở nhà của mình, ông cũng thờ bà và còn dạy các con mình gọi đó là "mẹ lớn".
Câu chuyện tình của bà Chín, lần nào hồi tưởng tôi cũng xúc động. Vừa thương và cảm thấy ngưỡng mộ, nói đúng hơn là chấn động lòng mình.
Thực sự, tôi vẫn hay xúc động trước những chân tình kiểu như vậy và cũng luôn mong mình có thể học hỏi được chút ít chân tình của các thế hệ đi trước để sống với chính mình cũng như với những gạch nối yêu thương mình kết nối.
Thời nay, nhiều người cảm thấy không hài lòng vì cách yêu của… bọn trẻ. "Tụi nó dễ yêu và dễ chia tay quá", "Tụi nhỏ bị vật chất chi phối tình yêu nhiều quá"… Rất nhiều kết luận như vậy, được đúc rút từ một số biểu hiện trong tình yêu của giới trẻ thời hiện đại. Tôi không đến mức nhìn nhận cực đoan như vậy, mà chỉ nghĩ rằng ở đâu đó, một bộ phận có những biểu hiện này chứ không phải tất cả.
Mối quan hệ trong xã hội hiện đại mở rộng hơn xưa. Con người dễ "thấy" nhau trên mạng, ngoài đời. Các cuộc tiếp xúc từ không gian số đến đời thật với rất nhiều thanh sắc đã khiến mối quan hệ yêu đương bị thử thách nhiều hơn. Mỗi thời mỗi khác, con người và những mối quan hệ xã hội, trong đó có tình yêu tất yếu phải thay đổi theo hoàn cảnh xã hội. Nhưng điều cốt lõi của tình yêu là những rung cảm từ trái tim thì tôi nghĩ là thời nào cũng vậy, không thay đổi. Tình yêu có đường dẫn riêng mà không phải con đường nào cũng là sắc đẹp hay tiền tài, vật chất.
Ai rồi cũng sẽ yêu. Trừ một vài lý do cá nhân, còn đại đa số con người đều sẽ có cảm xúc yêu thương với người khác tương ứng với "tần số" rung động của mình. Và rung động yêu thương nào cũng cần được tôn trọng và bảo vệ như nhau, miễn nó đẹp. Do vậy, học yêu cũng là cách để mỗi người hòa mình vào dòng chảy cuộc đời một cách vững vàng nhất, đặc biệt khi đến tuổi yêu.
Đôi khi vì không biết cách ứng xử trong tình yêu mà người ta đã gây ra rất nhiều điều tệ hại. Ví dụ mối quan hệ giữa tình yêu và tình dục. Có những người trẻ đã vội vàng có quan hệ tình dục khi tình yêu chưa đủ chín, đã dẫn tới hệ lụy. Tổn thương tinh thần hoặc cơ thể do có thai ngoài ý muốn hoặc cảm giác bị lợi dụng, phản bội là những gánh nặng mà người trẻ có thể gặp phải khi dễ dàng trao thân.
Yêu thương và quà cáp cũng là một nhạy cảm khác mà ai bị nghiêng về phía vật chất cũng sẽ đánh mất giá trị bản thân trong tình yêu hoặc dễ chọn nhầm đối tượng để yêu.
Học yêu tuy không có trường lớp cụ thể nhưng người trẻ có thể nhìn vào ông bà mình với tình yêu đẹp để neo lòng. Từ bố mẹ mình với kinh nghiệm, trải nghiệm trong tình yêu, có vốn sống sâu rộng hơn để có thể nhủ khuyên đúng đắn trong các ứng xử với người mình yêu. Rồi từ các chuyên gia về tâm lý, những góc nhìn chuyên sâu về tình yêu tuổi học trò, tình yêu của người trưởng thành để có kiến thức, ứng dụng vào thực tế mối quan hệ của mình một cách uyển chuyển…
Thực ra, chính bố mẹ cũng cần học yêu cùng con bằng cách quan sát, lắng nghe tụi nhỏ. Không thể lấy tình yêu thời ông bà mình để so sánh. Không thể chỉ dùng kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân để soi chiếu, nhận định mà còn phải hiểu giới trẻ hiện nay để đồng điệu.
Có những lúc, vì thiếu thông tin, nên bố mẹ đã cấm cản con mình yêu nếu thấy đối tượng con thương không giống mình. Đó có thể là không giống tính cách, ngoại hình, địa vị xã hội hoặc giới tính. Có những người con gặp bất hạnh trong tình cảm, xây dựng hôn nhân chỉ vì bố mẹ can thiệp quá sâu vào tình yêu của con.
Với tôi, mọi tình yêu đều đẹp và nó cần được vun vén từ chính người trong cuộc cũng như sự thấu hiểu của những người thân. Ngày Tình yêu (14/2) hằng năm nhắc nhớ chúng ta hãy trân trọng và bảo vệ tình cảm đặc biệt này của con người, để mỗi người trong chúng ta đều sẽ có một tình yêu đẹp trong đời sống bất định hôm nay.
Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!