Tạm biệt Park Hang Seo, người làm nên những điều "chưa từng có"!
Dù kết thúc trận chung kết lượt về với Thái Lan tối qua (16/1), cũng là trận đấu cuối cùng của tuyển Việt Nam do ông Park Hang Seo dẫn dắt, chúng ta đã để lỡ cúp vàng AFF Cup 2022, nhưng chặng đường 5 năm đã qua với HLV người Hàn Quốc vẫn vô cùng đẹp đẽ và đáng nhớ, đáng tự hào.
Ông Park Hang Seo đã nâng tầm bóng đá Việt Nam lên một đỉnh cao mới. Điều mà bóng đá Việt Nam chưa từng có trước đó, đầu tiên là về mặt thành tích. Trước đây, thành tích cả ở đấu trường khu vực lẫn châu lục, chúng ta đều không có và luôn trong trạng thái "khát thành tích". Ông Park xuất hiện, dù không phải giải nào chúng ta cũng thắng (như hôm qua chẳng hạn) nhưng tại những giải lớn như Sea Games, AFF Cup, rồi World Cup, chúng ta đều đã đạt những kết quả chưa từng có. Đó là điều tuyệt vời nhất.
Với ông Park, chúng ta có được sự kính nể của khu vực. Ông Park đã tạo được niềm tin lớn lao cho bóng đá Việt Nam, rằng chúng ta có thể thành công, có đủ tự tin để trở thành một "thế lực" trong khu vực. Ông đồng thời cũng đã xây nên một tình yêu lớn lao với đội tuyển quốc gia trong lòng cổ động viên.
Trước đây khi đội tuyển không thành công, cổ động viên có lúc chán nản, quay lưng. Nhìn vào bóng đá nội, người ta đều cảm thấy có điều gì đó "không ổn" từ cấp độ câu lạc bộ cho đến tuyển quốc gia. Đến thời ông Park, sự thành công của lứa cầu thủ tại Thường Châu năm 2018 đã tạo ra động lực mạnh mẽ đối với cả V-League. Khán đài chật người trong những trận bóng của giải vô địch quốc gia - điều mà lâu lắm rồi mới quay trở lại. Dấu ấn Thường Châu đã tạo nên một cơn sốt, một làn sóng về đào tạo bóng đá, nhiều bậc phụ huynh mạnh dạn, tích cực hơn cho con cái đi học bóng đá, một loạt các trung tâm đào tạo bóng đá cho trẻ em mở ra tại những khu tập thể, khu chung cư - điều này trước đây chưa có.
Đặc biệt, ông Park đã tạo ra được một hệ thống làm việc có khoa học cho bóng đá Việt Nam giữa các cấp đội tuyển, điều cũng chưa từng có tiền lệ. Ví dụ lứa cầu thủ U23 có thể được sử dụng cho đội tuyển quốc gia rồi được trả ngược trở lại cho U23 khi cần. Các đội tuyển cùng một hệ thống thi đấu, tư duy thi đấu, thường xuyên có cơ hội tập trung tập luyện cùng nhau, tạo ra được một quỹ cầu thủ rất lớn để khi cần có thể sử dụng ngay.
Tóm lại, những gì ông Park làm cho bóng đá Việt Nam không đơn thuần chỉ là về bề nổi thành tích mà còn tạo ra được cả một tư duy bóng đá khoa học, có tính lâu dài, nâng tầm đội tuyển.
Trận chung kết lượt về, tuyển Việt Nam đã để thua 0-1 trước Thái Lan. Phải thừa nhận một thực tế rằng, so với Thái Lan, chúng ta có thể thắng họ trong một số trận đấu nhưng chưa thể thắng được nền bóng đá của họ, ít nhất là tính đến bây giờ.
Nhìn lại những năm qua, khi đối đầu với Thái Lan chúng ta luôn thua kém về mặt thành tích. Và nếu nhìn tổng thể một nền bóng đá, chúng ta vẫn còn khoảng cách rất xa so với họ. Bóng đá Thái Lan đã xã hội hóa từ rất lâu. Chưa cần học hỏi đâu xa, Việt Nam hãy học ngay Thái Lan về vận hành một nền bóng đá. Họ đi trước chúng ta rất lâu, đã đào tạo cầu thủ trẻ từ sớm, từ hạng dưới lên hạng trên. Giải Thai League có 18 đội, được đầu tư và tài trợ lớn, khán giả cổ vũ rất nhiệt tình. Ngay như việc tổ chức Sea Games tại các địa phương ngoài Bangkok cũng đủ cho thấy Thái Lan muốn phát triển thể thao nói chung và bóng đá nói riêng theo chiều sâu từ rất lâu.
Thẳng thắn mà nói, bóng đá Việt Nam còn đi sau Thái Lan cả bề rộng lẫn chiều sâu. Ông Park tới Việt Nam đã mang lại một tư duy mới nhưng hiệu ứng Park Hang Seo lên giải Vô địch quốc gia (VĐQG) vẫn chưa đủ để tạo một sự thay đổi mạnh mẽ. Vấn đề đối với giải VĐQG, một mình ông Park không thể thay đổi được.
Không như Thai League, V-League không phải là sân chơi cho các cầu thủ trẻ trong khi nhẽ ra đó phải là nơi "ươm mầm". Nhìn vào đội hình Thái Lan đá với tuyển Việt Nam lần này, đó không phải là đội hình mạnh nhất nhưng họ vẫn hơn chúng ta, bởi cầu thủ trẻ của họ được đào tạo và được đá ở Thai League rất nhiều.
Hơn nữa, V-League phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của các ông bầu. Nhiều câu lạc bộ luôn trong trạng thái "on-off" (lúc mở, lúc đóng), có thể giai đoạn nào đó tiền rất nhiều nhưng ngay sau đó lại gặp vấn đề. Câu chuyện của Câu lạc bộ Topenland Bình Định là một ví dụ, vừa lên hạng thì được đầu tư mạnh, được ví như "PSG của Việt Nam", song chẳng mấy chốc đã gặp vấn đề về tài chính. Hay như Câu lạc bộ Quảng Ninh giàu truyền thống như vậy cũng biến mất, vấn đề đều là "thiếu tiền".
Sự ra đi của ông Park để lại nhiều suy nghĩ. Câu chuyện không chỉ là "Ai sẽ thay thế ông Park? Liệu có thể làm được như ông Park hay không?", bởi ta phải thành thật với nhau, quy luật thông thường sau một quá trình đi lên thì thường sẽ là đi ngang hoặc đi xuống. Thế nhưng, những câu hỏi lớn hơn về giải VĐQG, về thế hệ cầu thủ mới thay thế vẫn còn chưa có lời đáp. Bản thân lứa cầu thủ hiện nay đã trên đỉnh cao sự nghiệp và đang tạo nên một khoảng trống lớn với lứa kế cận.
Dưới thời ông Park, có thể nền bóng đã có một số thay đổi nhất định nhưng chưa tạo ra được sự thay đổi về tổng thể, về căn bản. Trách nhiệm chính vẫn là của Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF, cũng là câu chuyện của toàn xã hội. Bóng đá là bộ môn thể thao có tính xã hội hóa cao và sẽ tiếp tục xã hội hóa như thế nào? Định hướng trong những năm tới ra sao? Thông thường phải đặt ra mục tiêu lâu dài chứ không phải là mục tiêu cho 2-3 năm.
Về định hướng của bóng đá Việt Nam như thế nào sau thời ông Park, cho đến nay chúng ta vẫn chưa được biết. Một số người nói chúng ta đang hướng đến World Cup 2026 rồi World Cup 2030 nhưng ta phải tự hỏi, nền tảng cho mục tiêu đó đã có hay chưa? Lứa cầu thủ trẻ tiếp nối đã có hay chưa? Và nếu như V-League vẫn vận hành như thế này thì liệu rằng chúng ta có đạt được tham vọng hay không?
Dưới thời ông Park, các cầu thủ và HLV như người nhà, tất cả đều kính trọng và yêu quý ông Park, về phía ông Park cũng bảo vệ cầu thủ của mình rất quyết liệt. Các HLV giỏi đều như vậy, họ không chỉ nhận được niềm tin từ phía cổ động viên mà còn từ chính các cầu thủ của mình. Tôi tin rằng, tất cả chúng ta đã được sống 5 năm đẹp nhất với nền bóng đá Việt Nam.
Cá nhân tôi có một đề nghị rằng nên đặc cách để có một con đường hoặc một công viên mang tên Park Hang Seo, hoặc ít ra là có thể phong ông Park là "công dân danh dự" nhằm tri ân những gì mà ông đã mang lại. Không chỉ thành công trong bóng đá, ông Park còn là "cây cầu" văn hóa của Việt Nam - Hàn Quốc. Có lẽ khó có một người thứ hai như vậy!
Cảm ơn Park Hang Seo vì tất cả những gì ông đã làm cho bóng đá Việt Nam 5 năm qua. Kính chúc ông sức khỏe và tiếp tục thành công trên những chặng đường tiếp theo.
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc là bình luận viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt với bóng đá Ý. Anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế, tác giả của nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu thích.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!